/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư và các cơ quan tiến hành tố tụng có mối quan hệ phụ thuộc nhau

Luật sư và các cơ quan tiến hành tố tụng có mối quan hệ phụ thuộc nhau

17/12/2022 11:24 |

(LSVN) - Mối quan hệ, ứng xử của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định, hướng dẫn tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

 

Ảnh minh họa.

Trong đó Quy tắc 26 quy định các quy tắc chung khi tham gia tố tụng đã nêu rõ Luật sư có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp Luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Cùng nguyên tắc độc lập, hoạt động Luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn có mối quan hệ phối hợp, phụ thuộc lẫn nhau. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư với tính chất là hoạt động Bổ trợ tư pháp trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, góp phần bảo vệ công lý, công bằng. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp là các cơ quan tiến hành tố tụng, sử dụng quyền lực nhà nước để điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội, đảm bảo công lý, công bằng cùng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khi nhắc đến hoạt động của Luật sư trong mối quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chúng ta hay nhắc đến sự độc lập của người Luật sư, nghề Luật sư cũng như sự độc lập của chính cơ quan tiến hành tố tụng với nhau. Đây là nguyên tắc Hiến định và được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật, cùng quy định của mỗi ngành.

Người Luật sư thực hiện chức năng phản biện, tranh đấu, bảo vệ kẻ yếu nhưng hoạt động của Luật sư không đối lập, tách biệt với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng bởi lẽ tất cả cùng thực hiện theo pháp luật và có mục đích chung là bảo vệ con người, bảo vệ công bằng và công lý.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, Luật sư khi tác nghiệp cũng cần hợp tác, phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong khuôn khổ pháp luật, thay vì lựa chọn cách ứng xử đối đầu, đối lập. Bằng lý lẽ, khoa học, quy định của pháp luật người Luật sư đưa ra và buộc các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải thực thi. Vì đó là pháp luật chứ đó không phải là ý kiến cá nhân của Luật sư, người Luật sư khi đó chuyền đạt tinh thần, quy định của pháp  luật đến cơ quan công quyền dưới lăng kính và góc nhìn của Luật sư.

Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong mối quan hệ với Luật sư có tính chủ động và mang tính chất quyết định. Ví dụ, cơ quan điều tra sẽ quyết định thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động hỏi cung, Tòa án quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị của Luật sư, Viện Kiểm sát về tội danh, mức hình phạt tại toà,…

Do vậy, trên thực tế sẽ có dư luận thậm chí cách nhìn nhận, đánh giá về việc hoạt động Luật sư phụ thuộc hoạt động cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Nhưng bản chất mối quan hệ cùng thực tế đã cho thấy chính Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng phụ thuộc vào hoạt động của Luật sư. Ví dụ, trong một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không thể tự thực hiện nhiều hoạt động tố tụng mà không có sự tham gia Luật sư như trong các vụ án chỉ định. Hoặc khi bị can, bị cáo yêu cầu thực hiện quyền thuê Luật sư bào chữa bảo vệ họ có quyền không trình bày khi không có mặt Luật sư bào chữa.

Và trên hết, với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân thì hoạt động tố tụng có bên buộc tội thì phải có bên gỡ tội.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Admin