(LSVN) - Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống loại hình doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng là một mô hình pháp lý quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Cùng với các loại hình kinh doanh khác, sự phát triển của hộ kinh doanh đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các hộ kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa phát huy được hết các tiềm năng của mình, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như: quy mô nhỏ bé, phân tán, manh mún, vốn ít, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề của người lao động thấp, sức cạnh của hàng hóa thấp.
Sự ra đời của Hiến pháp 1992 với sự ghi nhận về quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam là một bước ngoặt lớn cho sự ra đời, phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mô hình cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh cá thể gọi chung là hộ kinh doanh. Mô hình này ra đời rất sớm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam và được gọi với những tên khác nhau qua các thời kỳ, như: Hộ cá thể, Hộ tiểu công nghiệp (quy định trong Nghị định số 27/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 09/3/1988 ban hành bản quy định về chính sách đối với kinh tế cá nhân, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp xây dựng, vận tải). Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty năm 1990 ra đời, hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức là các cá nhân, nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định.
Luật Doanh nghiệp 1999 và các Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và Nghị định số 109/2004/ NĐ-CP ngày 02/04/2004 đã lần lượt quy định hộ kinh doanh tồn tại như hình thức kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ gia đình (gồm các thợ thủ công, người làm dịch vụ nhỏ) được phép kinh doanh sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy môn bài; tuy nhiên không được phép thuê lao động thường xuyên, nhưng sau đó đã bãi bỏ quy định này. Với các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014, hộ kinh tế cá thể được đổi tên thành hộ kinh doanh, bổ sung thêm đối tượng một nhóm người chủ hộ kinh doanh và quy định yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động phải chuyển sang doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, thuật ngữ “hộ kinh doanh” chính thức được sử dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam từ năm 2006. Hộ kinh doanh là khái niệm riêng của Việt Nam, gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế và là giải pháp cần thiết thay thế cho tên gọi kinh tế tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ vốn bị cấm kỵ trong cơ chế cũ.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp đã quy định rõ về khái niệm hộ kinh doanh cụ thể:
Điều 66. Hộ kinh doanh 1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. 2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. 3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. |
Từ những quy định của pháp luật về hộ kinh doanh ta có thể đưa sra nhận định về các đặc trưng của hộ kinh doanh cụ thể như sau:
Thứ nhất, hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ.
Thứ hai, hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô kinh doanh nhỏ: có một địa điểm kinh doanh, sử dụng không quá 10 lao động.
Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh với quy mô rất nhỏ. Quy mô kinh doanh theo quy định của pháp luật được đánh giá bởi hai tiêu chí là tài sản; số lượng lao động sử dụng. Căn cứ xác định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay dựa trên số lượng lao động mà doanh nghiệp sử dụng, theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và đến nay là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa vào nhỏ về số lượng lao động sử dụng dưới 10 lao động trung bình trong năm.
Với những quy định của pháp luật, Hộ kinh doanh không được sử dụng quá 10 lao động giống như mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngoài ra, Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa chỉ duy nhất trong phạm vi toàn quốc, quy định này của pháp luật hạn chế việc mở rộng phạm vi kinh doanh theo địa lý của mô hình này.
Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh.
Chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh. Có thể nói, mô hình hộ kinh doanh gắn liền với một cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân. Trách nhiệm vô hạn này thể hiện ở việc thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của mô hình này. Nếu hộ kinh doanh không có tài sản để thanh toán các khoản nợ, cá nhân làm chủ phải lấy tài sản riêng của mình để thanh toán các khoản nợ. Trong trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân làm chủ, trách nhiệm trả các khoản nợ này sẽ thuộc về tất cả các thành viên trong nhóm, đây là trách nhiệm liên đới vô hạn của các thành viên.
Với đặc trưng như vậy của mô hình hộ kinh doanh có thể nói rất an toàn với công chúng và không cần nhiều các quy định của pháp luật để điều chỉnh, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là một biện pháp đảm bảo cho khách hàng, chủ nợ của hộ kinh doanh. Chính trách nhiệm vô hạn, buộc các thành viên làm chủ phải cẩn trọng trong quá trình kinh doanh. Đây chính là hạn chế của mô hình kinh doanh này, khi nó không khuyến khích được người kinh doanh mạnh dạn cho việc đầu tư. Hơn nữa, với quy mô nhỏ, hộ kinh doanh có nhiều hạn chế trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như ứng dụng kỹ thuật - công nghệ.
Một số bất cập về mô hình hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp, loại hình hộ kinh doanh là một mô hình pháp lý quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Về mặt kinh tế, hộ kinh doanh có đóng góp lớn trong nền kinh tế đất nước, nhất là trong việc tạo việc làm, huy động vốn dân cư.
Hộ kinh doanh cũng có đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính chủ sở hữu, người quản lý khu vực này còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành đã và đang hạn chế một phần sự phát triển của hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, tham gia hoạt động kinh doanh. Cụ thể như:
Về khái niệm “hộ kinh doanh”
Khái niệm ‘hộ kinh doanh” không rõ ràng về địa vị pháp lý; không rõ ràng về quyền và trách nhiệm giữ hộ, chủ hộ là cá nhân, thành viên gia đình,… Không rõ trách nhiệm pháp của hộ kinh doanh là giới hạn cho cá nhân đăng ký hay tất cả thành viên gia đình điều chịu trách nhiệm. Điều này, dẫn đến lúng túng trong quản lý nhà nước đối với hộ (thực tế, cơ quan thuế thì cấp mã số thuế cho cá nhân thành lập hộ chứ không phải hộ). Đồng thời có thể gây ra rủi ro cho bên thứ ba do không nhận thức được và xác định trách nhiệm của hộ kinh doanh.
Mặt khác, do không có tư cách pháp nhân nên chịu trách nhiệm “vô hạn” về trách nhiệm tài sản và sự không tách bạch giữa cơ sở (hộ kinh doanh) với người đại diện (chủ hộ). Đặc điểm này của hộ kinh doanh cho thấy hoạt động hộ kinh doanh không bền vững và dễ bị chấm dứt nếu chủ hộ chết, tai nạn, bệnh tật, rủi ro trong đầu tư của hộ kinh doanh cao, nhưng độ an toàn về sở hữu tài sản thấp. Hộ kinh doanh cũng gặp bất lợi trong việc huy động vốn so với các loại hình doanh nghiệp, cũng như không thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hạn chế về quyền kinh doanh
Theo quy định hiện hành, mỗi hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; phạm vi kinh doanh của hộ kinh doanh chủ yếu trong địa giới hành chính quận huyện; hộ kinh doanh bị hạn chế quy mô lao động (chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động); hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có vốn điều lệ, nên không thể tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề yêu cầu tổ chức kinh doanh phải có tư cách pháp nhân và vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định (như tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản,…).
Như vậy so với các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị hạn chế quyền kinh doanh. Hạn chế này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; làm cho nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không phát huy hết lợi ích có thể tạo ra cho nhà đầu tư, xã hội.
Hệ thống pháp luật hiện nay điều chỉnh hoạt động kinh doanh dựa trên phân biệt về hình thức pháp lý, mà không dựa vào bản chất, tính chất và quy mô kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến môi trường kinh doanh không thực sự phù hợp và không bình đẳng. Thực tế có nhiều hộ kinh doanh quy mô rất lớn nhưng không thành lập doanh nghiệp; không thúc đẩy kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp.
Trong bối cảnh phát triển sản xuất kinh doanh hiện đại, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế thì hộ kinh doanh bị giới hạn bởi không gian, phạm vi thị trường, không thích ứng với các phương thức quản trị chuyên nghiệp, huy động rộng rãi sự đầu tư góp vốn và sự tham gia quản lý của các chuyên gia bên ngoài, tổ chức sản xuất liên kết theo các chuỗi. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của chính các hộ kinh doanh cũng không tạo điều kiện phát triển thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phát triển các thị trường trong nước thành một thể liên kết thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức sản xuất dưới hình thức hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, hoạt động phân tán và phi chính thức đang là một lực cản đối với yêu cầu hội nhập, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đẩy mạnh tăng trưởng ở Việt Nam.
Khả năng huy động vốn
Do đặc thù huy động vốn của hộ kinh doanh hiện nay chủ yếu là tự thân hoặc từ các nguồn vốn vay cá nhân, từ người thân, bạn bè. Đặc điểm của nguồn vốn này là ổn định và có mức an toàn cho người kinh doanh nhưng lại không dồi dào và số lượng ít. Do vậy, việc kinh doanh của hộ kinh doanh chỉ dừng lại ở mức manh mún, tự phát, khó mở rộng thị trường, chưa nâng cao được tính cạnh tranh cho các sản phẩm hay dịch vụ tạo ra. Những đòi hỏi về mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường hay đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh cũng như đổi mới khoa học công nghệ… cần phải có một số vốn lớn. Nguốn vốn lớn này chỉ có thể đáp ứng được từ các tổ chức tín dụng.
Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh rất khó khăn do đặc thù của mô hình kinh doanh là một thể nhân. Hộ kinh doanh không độc lập với chủ sở hữu, khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng với tư cách cá nhân hạn mức vay thấp và thời hạn vay cũng rất ngắn khi đó không đáp ứng được với nhu cầu mở rộng kinh doanh hay đổi mới công nghệ một cách đồng bộ, hiệu quả… dẫn đến hiệu quả kinh doanh của mô hình này không cao, không có khuynh hướng mở rộng quy mô để tiến lên chuyển sang doanh nghiệp, để hưởng những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi của Nhà nước cũng như có cơ hội phát triển trở thành các doanh nghiệp.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật về hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay
Xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của hộ kinh doanh
Thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh với vai trò và vị trí quan trọng; phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống. Bên cạnh đó cần xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của hộ kinh doanh, chủ hộ và các thành viên gia đình tham gia thành lập hộ kinh doanh.
Không ép buộc hành chính hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh; thừa nhận hộ kinh doanh chính là cá nhân kinh doanh tồn tại song song cùng với các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã; góp phần đa dạng hóa hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Xóa bỏ hạn chế đối với hộ kinh doanh
Xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh, như chỉ được đăng ký một địa điểm kinh doanh, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Chính những hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.
Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Quy định rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, trách nhiệm dân sự của chủ hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự; hộ kinh doạnh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng kí; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…
Xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh
Thành lập hộ kinh doanh được coi là một trong các giải pháp thoát nghèo, tạo thu nhập cho những người không có việc làm vì vậy nếu buộc phải lên doanh nghiệp sẽ gây sức ép lớn đối với hộ kinh doanh. Bởi vậy để có những giải pháp, chính sách phát triển phù hợp cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về các chính sách hỗ trợ, cụ thể một số hoạt động như:
Thứ nhất, thể chế hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích bao gồm: hỗ trợ gia nhập, rút lui khỏi thị trường, miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cung cấp phần mềm kế toán miễn phí,...
Thứ hai, phân loại hộ kinh doanh quy mô nhỏ để áp dụng hình thức thuế khoán, tăng cường tính minh bạch, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa việc khoán thuế không sát thực tế, hạn chế tối đa việc phát sinh thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế gây bất bình trong xã hội.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ hoạt động của hộ kinh doanh
Cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ về khu vực hộ kinh doanh. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp chúng ta nhìn lại xem từ trước tới nay luật pháp, chính sách cho khu vực này đã có đến đâu, khía cạnh nào tốt cần tiếp tục thực hiện, khía cạnh nào còn khiếm khuyết. Việc đăng ký và quản lý hộ kinh doanh đang còn lỏng lẻo, chưa chính xác. Phía hộ kinh doanh cũng không tự giác thực hiện luật, nên mới có chuyện hộ kinh doanh sử dụng vài trăm lao động nhưng chỉ báo dưới 10 lao động để tránh phải lên doanh nghiệp và được áp dụng thuế khoán. Cũng có hiện tượng móc ngoặc giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế để trốn thuế. Chính quyền địa phương cơ sở che chắn cho các hộ kinh doanh để lấy tiền từ nguồn thu không chính thức. Từ đấy sinh ra tham nhũng vặt rất nhiều.
Do đó, trước tiên cần quản lý chặt chẽ việc đăng ký hộ kinh doanh ở phường, quận. Phải làm rõ quy chế và tiêu chuẩn của hộ kinh doanh cá thể, tránh trường hợp các hộ kinh doanh trá hình để trốn thuế. Đặc biệt, cần có quy chế thích hợp cho hộ kinh doanh chẳng hạn như, những hộ gia đình kinh doanh hàng phở, ăn uống, khi đăng ký kinh doanh sẽ có cơ quan thuế đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và lắp máy thu tiền kết nối với cơ quan thu thuế, khi bán sản phẩm nào cũng bấm vào máy đó. Cơ quan thu thuế sẽ thu trực tiếp mà không cần phải thu thuế khoán như hiện nay.
Thứ tư, hoàn thiện và cụ thể hóa các hình thức hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi không thấp hơn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ về các mặt: (i) hỗ trợ thông tin và tư vấn; (ii) hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (iii) hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (iv) hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; miễn, giảm, giãn thuế và các khoản phải nộp khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (v) hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ; (vi) hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; (vii) hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; (viii) hỗ trợ ươm tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ;…
Một khó khăn lớn hộ kinh doanh thiếu vốn khó tiếp cân nguồn vốn vay các hộ kinh doanh Việt Nam hiện nay, nguồn vốn chủ yếu dựa vào lợi nhuận và huy động từ bạn bè, người thân. Việc huy động vốn từ tổ chức tín dụng cho hộ kinh doanh nghiều bất cập từ góc độ pháp lý thực thi, pháp luật thi hành quy định hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên gây khó khăn chế độ chịu trách nhiệm khoản nợ hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm toàn tài sản mình, kể tài sản không đưa vào kinh doanh. Các hộ kinh doanh chủ yếu sử dụng lượng vốn tự hay huy động từ người thân, nguồn vốn không dồi thiếu ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, không đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hay thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh hay thay đổi khoa học công nghệ.
Trước những thực trạng nêu trên, quản lý Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, khắc phục khó khăn vốn tài cho hộ kinh doanh như ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng dành quỹ vốn vay định cho hộ kinh doanh, hạ mức lãi suất cho vay hộ kinh doanh, đưa sách khuyến khích hỗ trợ hộ kinh doanh lĩnh vực cần khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp nông thôn, sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản, trồng trọt chăn nuôi, chính quyền địa phương phải đỡ đầu, nhận trách nhiệm đảm bảo cho họ kinh doanh thế chấp tài sản vay vốn.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách, về những lợi thế, cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, khả năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo doanh nghiệp.
Thực tiễn đời sống kinh doanh đã chứng minh tầm quan trọng của mô hình hộ kinh doanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế tại Việt Nam. Vì vậy, việc xem xét chỉ ra những bất cập và tìm hướng giải quyết bất cập đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình hộ kinh doanh ngày càng phát triển. Đây một trong những nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh.
================================ 1. Luật Doanh nghiệp 2014; 2. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp; 3. Lê Thị Thảo; Pháp luật về hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay từ thực tiễn tại Quận Tân Phú thành phố Hồ Chí Minh; Luận văn Thạc sĩ luật kinh tế; Viện Khoa học xã hội; Hà Nội, 2019. 4. Bảo Yến; Cần điều chỉnh về hộ kinh doanh ở tầm luật. http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44821 5. TS. Hoàng Xuân Nghĩa, TS. Nguyễn Văn Hưởng; Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam: khía cạnh lý luận, thực tiễn và lập pháp. http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210323 6. Ths. Nguyễn Thị Yến; Phát triển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý. http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-thuc-tien-va-cac-van-de-phap-ly-68876.htm 7. PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh, TS. Phạm Thị Vân Anh; Phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-ho-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-nhung-van-de-dat-ra-302047.html |
YÊN CHI