/ Tích hợp văn bản mới
/ Một số điểm mới của 12 luật có hiệu lực từ 01/7/2020

Một số điểm mới của 12 luật có hiệu lực từ 01/7/2020

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Ngày 01/7/2020 nhiều chính sách pháp luật bắt đầu có hiệu lực, trong đó nổi bật là 12 Luật có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến cuộc sống, xã hội. Dưới đây, Luật sư Việt Nam Online xin gửi đến bạn đọc một số điểm mới nổi bật của các Luật này.

Ảnh minh họa.

1. Luật Quản lý thuế 2019 (thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019)

Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019, gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực 01/7/2020, thay thế Luật Quản lý thuế 2006 và Luật Quản lý thuế sửa đổi 2012.

Theo đó, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Như vậy, không còn quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc như hiện hành yêu cầu người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế.

Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế (hiện nay là 10 ngày làm việc). Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện nay là 05 ngày làm việc).

Ngoài ra, Luật còn quy định kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN, luật hóa quy định về hóa đơn điện tử, thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế,...

2. Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019

Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.

Theo đó, bổ sung khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán".

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước: thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi đã bổ sung trường hợp thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Bổ sung quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Đơn vị được kiểm toán được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

3. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15/11/2018, gồm 5 chương, 28 điều, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000.

Theo đó, quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:

  • Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;
  • Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số;

Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:

  • 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật;
  • 20 năm đối với BMNN độ Tối mật;
  • 10 năm đối với BMNN độ Mật.

Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:

  • Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018;
  • Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;
  • Không còn thuộc danh mục BMNN.

4. Luật Dân quân tự vệ 2019

Luật Dân quân tự vệ 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019, gồm 8 chương và 55 điều, có hiệu lực 01/7/2020, thay thế Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Theo đó, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình là: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

Thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, đơn cử như:

  • Nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
  • Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
  • Người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

5. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019

Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.

Theo đó, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 03 đối tượng sau:

  • Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
  • Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010;
  • Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng).

- Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển:

  • Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
  • Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Luật Giáo dục 2019

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 thay thế Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009

- Quy định mới về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV):

  • Mầm non: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (hiện nay chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm);
  • Tiểu học, THCS, THPT: có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên, nếu môn học chưa đủ GV đáp ứng yêu cầu này thì GV phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, tuy nhiên sẽ phải hoàn trả lại nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp:

  • Không công tác trong ngành giáo dục;
  • Công tác không đủ thời gian quy định.

7. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.

- Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:

  • Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định;
  • Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
  • Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định;
  • Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.

- Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ);

- Luật hóa quy định về thị thực điện tử:

  • Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày;
  • Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

8. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực 01/7/2020.

Theo đó, không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

- Bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 02 người, đã được tăng thêm 01 người so với quy định hiện hành.

- Tổng số đại biểu HĐND TP. Hà Nội, TP. HCM được bầu là 95 đại biểu (hiện nay là 105 đại biểu).

Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.

9. Luật Lực lượng dự bị động viên 2019

Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2019, gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên ngày 27/8/1996.

- Quy định 04 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm:

  • Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ;
  • Khi thi hành lệnh thiết quân luật;
  • Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;
  • Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

So với Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên thì các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên được mở rộng hơn, cụ thể như bổ sung huy động khi: phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, Khi thi hành lệnh thiết quân luật.

- Quy định về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên:

  • Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.
  • Đơn vị dự bị động viên phải duy trì quân số quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% và dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

10. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019, có 8 chương 52 điều, có hiệu lực 01/7/2020.

Theo đó, từ ngày 01/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử. Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp. Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.

Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:

  • Hộ chiếu ngoại giao;
  • Hộ chiếu công vụ;
  • Hộ chiếu phổ thông.

Về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh:

- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.

- Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:

  • Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
  • Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;

- Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

11. Luật Thư viện 2019

Luật Thư viện 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21/11/2019, gồm 6 chương và 52 điều, có liệu lực 01/7/2020, thay thế Pháp Lệnh thư viện năm 2000.

Luật Thư viện 2019 đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể:

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;
  • Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;
  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;
  • Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện;
  • Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(Theo quy định hiện hành, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện).

12. Luật Kiến trúc 2019

Luật Kiến trúc 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019, gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018, Luật Nhà ở 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu 2013, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Theo đó, quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.

- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.

THANH THANH

/kiem-sat-viec-giai-quyet-cac-vu-an-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dat-dai.html