/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số nội dung vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022

Một số nội dung vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022

29/06/2024 07:01 |

(LSVN) – Luật Thanh tra năm 2022 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013 về tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay, tuy nhiên các địa phương, cơ quan, đơn vị còn gặp phải một số khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (khoá XV) đã thông qua Luật Thanh tra 2022 số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra 2010 số 56/2010/QH12. Theo đó, Luật Thanh tra 2022 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013 về tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay, tuy nhiên các địa phương, cơ quan, đơn vị còn gặp phải một số khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, Luật Thanh tra 2022 có quy định chức năng của Thanh tra tỉnh là tham mưu quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuy nhiên nội dung phòng, chống tiêu cực chưa được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản dưới Luật mà hiện nay việc thực hiện tại địa phương đang được căn cứ theo Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, đã phần nào gây khó khăn trong việc xác định nội dung nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 46 Nghị định 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì việc xử lý tài sản được phát hiện trong quá trình thanh tra, do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra thì được chuyển vào Tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra. Tuy vậy, chưa quy định Thanh tra Sở có bắt buộc phải lập tài khoản riêng, để phục vụ công tác hay không? Vì thực tế Thanh tra Sở không phải là đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ, nhất là nhân lực, vật lực nếu thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, một số trường hợp người khiếu nại, tố cáo cố tình không hợp tác trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo; không đến làm việc theo giấy mời nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan, đơn vị để yêu cầu xem xét, giải quyết gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể về cách thức, biện pháp xử lý những trường hợp này như thế nào? Bên cạnh đó, quá trình tiếp công dân, một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động tiếp công dân để vu khống, xuyên tạc, cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý đối với hành vi này.

Thứ tư, theo Điều 23, Điều 45 Luật Thanh tra 2022 thì thẩm quyền quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra của tỉnh, sở ngành, các huyện/thành phố thuộc tỉnh do Thanh tra tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, chưa quy định rõ đối với Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt của các sở, huyện thì việc điều chỉnh, bổ sung do Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định haydo Thanh tra tỉnh tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định.

Thứ năm, tại khoản 18, Điều 2; khoản 1, Điều 26; khoản 1, Điều 30 và khoản 1, Điều 59 Luật Thanh tra quy định: “Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra". Đối với Thanh tra Sở, huyện người ra quyết định thanh tra là Chánh Thanh tra Sở, huyện thì có đồng thời là Trưởng đoàn thanh tra và là người giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được không. Bởi hiện nay, lực lượng Thanh tra Sở, huyện thì rất mỏng, ít người nếu quy định Chánh Thanh tra Sở, huyện không được tham gia đoàn thanh tra thì việc triển khai nhiệm vụ rất khó khăn, đình trệ.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Thanh tra 2022 và điểm d, khoản 2 Điều 28 Nghị định 43/2023/NĐ-CP thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ quan Thanh tra Sở, huyện chưa có thanh tra viên (do việc điều động, luân chuyển công chức ngành thanh tra theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-TTCP), do đó lực lượng Thanh tra viên không đảm bảo để triển khai Đoàn Thanh tra. Tuy nhiên, chưa có quy định cũng như hướng khắc phục trong trường hợp này.

Với những vướng mắc kể trên, các cơ quan thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để việc triển khai hoạt động thanh tra được thuận lợi hơn. Điều này không những nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra mà khắc phục những bất cập hiện nay liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp.

PHẠM VĂN CHUNG

                                                         Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Vô hiệu hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Thực tiễn xét xử và kiến nghị

 

Nguyễn Mỹ Linh