Ảnh minh họa.
1.Quy định của pháp luật.
Tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" được quy định tại Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015:
"1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo".
1.1. Chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác chủ thể của tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: Độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 13, Bộ luật Hình sự.
Đối với tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình", tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì người phạm tội phải là người có quan hệ nhất định với người bị hại.
Tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" là tội phạm ít nghiêm trọng nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
1.2. Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" có thể có một trong hai hành vi, đó là hành vi ngược đãi và hành vi hành hạ hoặc cả hai hành vi này.
Ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình được hiểu là đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức của cháu đối với ông bà, của con đối với bố mẹ, của vợ đối với chồng hoặc của chồng đối với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng đối với người có công nuôi dưỡng mình.
Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi đối xử tàn ác của cháu đối với ông bà, của con đối với bố mẹ, của vợ đối với chồng hoặc của chồng đối với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng đối với người có công nuôi dưỡng mình.
Hành vi đối xử tàn ác được thể hiện như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị tuy cứu về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
1.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thân mình và mong muốn thực hiện hành vi đó, hơn thế nữa, người thực hiện còn có thái độ không chấp hành pháp luật, thể hiện ở chỗ mặc dù biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật hôn nhân và gia đình hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng vẫn cố ý tiếp tục thực hiện hành vi ngược đãi hoặc hành hạ người thân của mình. Các dấu hiệu về mục đích, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
1.4. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" là quyền và nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau giữa những người thân ruột thịt trong gia đình bao gồm vợ, chồng, cha mẹ, con, ông, bà, cháu và những người có công nuôi dưỡng.
2. Khó khăn vướng mắc
Thứ nhất, mặc dù Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 quy định chủ thể của tội này không phải là chủ thể đặc biệt và từ đủ 16 tuổi trở lên (tội phạm ít nghiêm trọng), trong thực tế những người phạm tội này phải có mối quan hệ nhất định với nạn nhân như chỉ con mới có thể hành hạ, ngược đãi cha mẹ hoặc ngược lại; chỉ cháu mới có thể hành hạ, ngược đãi ông bà và ngược lại; chỉ chồng mới có thể hành, ngược đãi vợ và ngược lại. Tuy nhiên, việc quy định như vậy lại phát sinh vấn đề chủ thể phạm tội ở đây thường là con, cháu ruột của nạn nhân nhưng còn trường hợp là cháu rể hoặc cháu dâu nếu có hành vi hành hạ, ngược đãi ông bà tương tự như hành vi của cháu nội, ngoại thì lại chưa có căn cứ pháp lý để xử lý về tội này; hay trường hợp con dâu, con rể hoặc con nuôi có hành vi ngược đãi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì cũng chưa có căn cứ để xử lý; trường hợp người sống chung với nhau như vợ chồng nhưng có hành vi hành hạ, ngược đãi người sống chung như vợ chồng với mình đối với trường hợp trước 03/01/1987(không đăng ký kết hôn nhưng được Nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân; nếu ly hôn sẽ giải quyết như trường hợp đăng ký kết hôn) thì cũng chưa có căn cứ để xử lý.
Thứ hai, điểm a, khoản 1, Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tình tiết: "a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần". Theo tác giả, việc phát hiện nạn nhân thường xuyên bị đau đớn về thể xác còn rất khó khăn vì trên thực tế chủ thể phạm tội sẽ dùng mọi thủ đoạn để che giấu hành vi của mình, ví dụ: Có vụ việc người phạm tội thường thể hiện ra bên ngoài, cố tình cho người khác biết là đối xử tốt, thường xuyên chăm lo cha, mẹ già cao tuổi tuy nhiên thực tế thì lại thường xuyên hành hạ, ngược đãi, trên thực tế nhiều người cao tuổi thì trí tuệ không được minh mẫn, do đó việc phát hiện, xử lý hành vi hành hạ, ngược đãi trong trường hợp này rất khó hay tương tự đối với trường hợp mà nạn nhân là trẻ nhỏ( tâm sinh lý, suy nghĩ chưa hoàn thiện, nhận thức còn hạn chế, chưa đầy đủ).
Trong trường hợp xác định nạn nhân thường xuyên bị đau đớn về thể xác mặc dù rất khó do việc phạm tội thường xảy ra ở nhà riêng, nơi ở riêng của đối tượng, tuy nhiên nếu để lại dấu vết như: Bầm, tím,… thì cơ quan chức năng còn có cơ sở để điều tra, xử lý; nhưng trường hợp xác định thế nào là đau đớn về tinh thần thì hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý hay hướng dẫn nghiệp vụ nào để xác định. Trên thực tế có những vụ việc nạn nhân đã tự sát do thường xuyên bị xúc phạm về tinh thần nhưng do sự thông đồng, câu kết của các đối tượng là thành viên trong một gia đình, các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định tội phạm, vì đây là hậu quả về tinh thần lại mang tính cá thể.
Thứ ba, trên thực tiễn có những vụ việc người phạm tội mặc dù họ cố ý thực hiện hành vi của mình nhưng nguyên nhân lại bắt nguồn từ hành vi của nạn nhân, ví dụ: Con của chủ thể tội phạm thường xuyên có hành vi trộm cắp đồ đạc của nhà mang đi bán để lấy tiền để chơi game online; cha mẹ thường xuyên có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm con,… do nạn nhân trước đó đã có những hành vi vi phạm pháp luật nên mặc dù phát hiện được hành vi của chủ thể tội phạm nhưng không thể xử lý trách nhiệm hình sự, vì rõ ràng nguyên nhân sâu xa của hành vi phạm tội chính là từ phía nạn nhân.
Mặt khác, do đối tượng tác động của hành vi phạm tội thường có mối quan hệ với nạn nhân (ví dụ cha mẹ với con, ông bà với cháu) nên mặc dù có hành vi phạm tội xảy ra nhưng nhiều trường hợp nạn nhân lại bao che, không hợp tác với lực lượng chức năng, hầu hết nạn nhân sẽ không tố giác tội phạm nên tạo ra khó khăn lớn trong việc đấu tranh với loại tội phạm này đồng thời làm cho ý nghĩa pháp lý của điều luật là không cao.
2. Kiến nghị
Một là, cần có văn bản hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, con bao gồm con rể, con dâu, con nuôi; cháu bao gồm cháu rể, cháu dâu kể cả cháu nuôi. Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết trong các trường hợp chủ thể ngoài con, cháu ruột phạm tội.
Ngoài ra, những người sống chung như vợ chồng trước năm 1987 được Nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân thì theo tôi cơ quan có thẩm quyền cũng cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng người sống chung như vợ chồng với người khác trước 03/01/1987 mà có hành vi thường xuyên hành hạ, ngược đãi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên.
Hai là, cơ quan có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn thế nào hành vi làm nạn nhân lâm vào tình trạng thường xuyên bị đau đớn về thể xác, tinh thần; hướng dẫn nghiệp vụ về việc xác định nguyên nhân khiến nạn nhân thường xuyên bị đau đớn về thể xác, tinh thần để cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở để giải quyết các vụ việc.
Ba là, để có thể giải quyết triệt để các vụ việc có dấu hiệu vi phạm vào Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 thì cần phải có giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng, đặc biệt là phải nắm vững tâm lý học, tâm lý tội phạm, phát huy vai trò của Toà án Gia đình và Người chưa thành niên và đội ngũ Thẩm phán chuyên trách để xử lý các loại vụ việc trong thẩm quyền.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Tòa án Quân sự khu vực - Quân khu 1