Nhà con gái ông Mển, bà Bình làm trên phần đất cụ Xiêng để lại.
Đang sinh sống, canh tác trên thửa đất 114 theo đúng với bản di chúc của bố mẹ đẻ (ông Xiêng, bà Bướm) để lại năm 1999 cho 6 người con trước khi qua đời, bỗng dưng gia đình ông Diêm, bà Thiểu bị chị dâu cả là bà Trần Thị Ngọc Bình kiện ra tòa đòi lại đất. Bị đơn trong vụ kiện còn có người hàng xóm Huỳnh Thị Sen, được ông Xiêng bán 300m2 đất từ năm 2000 cũng bị kiện ra Tòa...
Vụ án tranh chấp đất đai hy hữu này xảy ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bắt đầu từ cuối năm 2011, đến nay đã hơn 10 năm với 2 lần đưa ra xét xử sơ thẩm, 1 lần xét xử phúc thẩm.
Vụ án đã được xét xử sơ thẩm lần 1 vào ngày 26/5/2017 và xét xử phúc thẩm lần 1 vào ngày 29/8/2017, cả hai bản án đều quyết định bác tất cả các yêu cầu khởi của bà Trần Thị Ngọc Bình, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đã cấp cho bà Bình ngày 14/11/2008, đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Diêm, bà Thiểu là phần đất ai đang sử dụng thuộc về người đó, họ được quyền kê khai để làm thủ tục cấp Giấy CNQSD đất theo hiện trạng thực tế.
Đối với bà Huỳnh Thị Sen, sau khi được UBND huyện Châu Thành cấp Giấy CNQSD đất vào năm 2014 đúng với hiện trạng đất đã mua năm 2000 của cụ Xiêng, thì bà đã rút yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tòa án cũng ghi nhận phần đất có diện tích 303m2 bà Sen đã mua trên phần đất đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của bà Sen.
Bản án sơ thẩm lần 2 ngày 22/6/2022.
Tuy nhiên, Quyết định Giám đốc thẩm ngày 07/5/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Châu Thành giải quyết sơ thẩm lại. Ngày 22/6/2022, Tòa án sơ thẩm huyện Châu Thành đã xét xử sơ thẩm lần hai và tuyên án:
- Giao cho ông Diêm phần đất có nhà kiên cố đang sử dụng (247,8m2), đồng thời phải trả cho bà Bình 3,4 triệu/1m2 giá trị đất và 293,4 m2 diện tích đất còn lại, còn bà Bình phải trả tiền công sức cải tạo cho ông Diêm và giá trị cây trồng trên đất tổng số tiền 179.790.000 đồng.
- Giao bà Thiểu phần đất có nhà kiên cố đang sử dụng (266,5m2), đồng thời phải trả cho bà Bình 3,4 triệu/1m2 giá trị đất và 893,7m2 diện tích đất còn lại, còn bà Bình phải trả tiền công sức cải tạo cho ông Diêm và giá trị cây trồng trên đất tổng số tiền 563.670.000 đồng.
- Đối với phần đất 300m2 bà Sen đã mua của ông Xiêng năm 2000 thì hủy Giấy CNQSD đất cấp năm 2014 cho bà Sen, buộc bà Sen trả lại đất cho bà Bình, còn bà Bình trả cho bà Sen 5.160.000 đồng tiền cây trồng và di dời cây cau kiểng và 5 triệu đồng tiền di dời nhà ở.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Mạnh Khôi, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, tranh chấp đất đai là tranh chấp rất phức tạp và khó giải quyết, vì vậy cần phải xem xét nguồn gốc, quá trình sử dụng cũng như quy định pháp luật tương ứng với từng thời kỳ. Quyết định giám đốc thẩm ngày 07/5/2019 và Bản án sơ thẩm ngày 22/6/2022 đều không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện.
Thứ nhất, đối với việc cấp Giấy CNQSD đất ngày 17/12/1991 cho ông Mển và cấp đổi ngày 14/11/ 2008 cho bà Trần Thị Ngọc Bình không đúng quy định. Tất cả các đương sự trong đó có bà Bình (nguyên đơn trong vụ án) đều thống nhất phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông Xiêng và bà Bướm để lại. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao ngày 17/12/1991 ông Mển lại được UBND huyện Châu Thành cấp Giấy CNQSD đất? Căn cứ khoản 4 Điều 12, khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai năm 1987 thì chỉ có hai trường hợp ông Mển được cấp Giấy CNQSD đất là:
- Nhà nước thu hồi đất của ông Xiêng và có quyết định giao đất cho ông Mển;
- Ông Xiêng chuyển đi nơi khác hoặc đã chết mà thành viên trong hộ của người đó vẫn còn tiếp tục sử dụng đất đó.
Nhưng trên thực tế, năm 1991 ông Xiêng vẫn đang còn sống và đang canh tác trên thửa đất này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng không hề có quyết định thu hồi đất của ông Xiêng. Như vậy, việc cấp giấy CNQSD đất vào năm 1991 cho ông Mển là trái quy định pháp luật. Do đó, bản án sơ thẩm xác định việc ông Mển được cấp Giấy CNQSD đất ngày 17/12/1991 có nghĩa là quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 114 tờ bản đồ số 5 thuộc ông Mển mà không đánh giá chứng cứ, tài liệu một cách khách quan, không căn cứ vào quy định của pháp luật là nhận định không khách quan, toàn diện, hợp pháp.
"Thậm chí việc UBND huyện Châu Thành cấp đổi Giấy CNQSD đất cho bà Trần Thị Ngọc Bình cũng không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, trong hồ sơ vụ án, ngày 23/7/2001 ông Mển chết (Bút lục 57), còn ông Xiêng chết vào ngày 28/7/2001 (Bút lục 103). Do đó, tại thời điểm mở thừa kế của ông Mển (23/7/2001), thì hàng thừa kế thứ nhất gồm có bà Bình, các con của ông Mển bà Bình và ông Xiêng. Khi ông Xiêng chết thì hàng thừa kế thứ nhất gồm có 5 người con gồm ông Sển, ông Diêm, bà Bui, bà Ruôi, bà Thiểu.
Năm 2008, bà Bình làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Mển (Bút lục 379) thì chỉ khai nhận bà Bình và các con chung của ông Mển bà Bình mà thiếu năm người con còn lại. Như vậy, việc khai nhận và phân chia di sản thừa kế của ông Mển vào năm 2008 đã thiếu sót người thừa kế nên việc cấp đổi Giấy CNQSD đất cho bà Bình năm 2008 là không đúng quy định pháp luật", Luật sư nói.
Thứ hai, năm 2007- 2008, khi đoàn đo đạc đến đo đạc các thửa đất, bà Bình cũng đã cắm ranh đất tại thửa 291 (thửa cũ là thửa 104, tờ bản đồ số 5). Còn thửa đất số 114, tờ bản đồ số 5 đã được tách ra thành các thửa gồm:
- Thửa đất số 300, tờ bản đồ số 7, diện tích 303m2 là do bà Huỳnh Thị Sen sử dụng;
- Thửa đất số 52 tờ bản đồ số 7 gồm có: bà Nguyễn Thị Thiểu sử dụng diện tích 1.163,4m2, ông Nguyễn Văn Diêm sử dụng diện tích 552,6m2, bà Trần Thị Ngọc Bình sử dụng diện tích 185,2m2.
Thứ ba, thời điểm ông Xiêng bán đất cho bà Huỳnh Thị Sen vào năm 2000 đã bàn bạc với các con trong đó có ông Mển. Lúc đó, ông Mển hoàn toàn đồng ý và đã ký tên vào giấy tờ mua bán quyền sử dụng 300m2 đất giáp lộ cho bà Sen. Điều này chứng tỏ, thời điểm năm 2000 ông Mển đã thừa nhận phần đất này thuộc quyền sử dụng của cụ Xiêng, và cụ Xiêng có quyền bán. Không những vậy, vào năm 2014, UBND huyện Châu Thành đã cấp lại Giấy CNQSD đất cho bà Sen đúng với thửa đất giáp lộ mà bà Sen đã mua và đang sử dụng.
"Vậy mà TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cũng như TAND huyện Châu Thành chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng năm 2000, UBND huyện Châu Thành ban hành Công văn số 1090 ngày 13/4/2013 khẳng định rằng việc TAND 2 cấp chấp nhận yêu cầu của bà Sen là không có căn cứ mà không đánh giá những chứng cứ khác, không xem xét lời trình bày của các đương sự, không xem xét thực tế sử dụng ổn định, ý chí của người bán, người mua là không khách quan, toàn diện”, Luật sư Khôi nhấn mạnh.
Được biết, bản án sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Châu Thành ngày 22/6/2022 đang bị kháng cáo.
HỮU LIÊM