Ảnh minh họa.
Đăng ký bào chữa được hiểu là việc một người được người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ mời hoặc được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật nhằm thể hiện ý chí của họ mong muốn tham gia tố tụng để bảo vệ cho người bị buộc tội với tư cách là người bào chữa. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sau khi xem xét các giấy tờ này và đồng ý xác nhận vào sổ đăng ký bào chữa thì làm xuất hiện tư cách người bào chữa trên thực tế, phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ trong tố tụng hình sự.
Quy định thủ tục đăng ký bào chữa tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trực tiếp tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý, người đại diện của người bị buộc tội tiếp cận sớm với người bị buộc tội. Nhìn chung, quy định về thủ tục đăng ký bào chữa có các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, về chủ thể đăng ký bào chữa: là người được người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ nhờ thực hiện việc bào chữa hoặc người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định bào chữa cho người bị buộc tội, bao gồm: Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý [3].
Thứ hai, về giai đoạn tố tụng có thể thực hiện việc đăng ký bào chữa: việc đăng ký bào chữa có thể được thực hiện sớm nhất ở giai đoạn khởi tố khi có người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc được thực hiện trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.
Thứ ba, về hoạt động đặc trưng: Người muốn trở thành người bào chữa cho người bị buộc tội thực hiện việc nộp các giấy tờ theo nội dung yêu cầu của điều luật; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký bào chữa, vào sổ đăng ký bào chữa hoặc từ chối đăng ký bào chữa.
Thứ tư, về giá trị của văn bản thông báo người bào chữa: Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa [4].
Thứ năm, về hủy bỏ đăng ký bào chữa: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, làm chấm dứt tư cách người bào chữa khi phát hiện người bào chữa thuộc những trường hợp không được bào chữa [5] hoặc khi người bào chữa vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa [6].
Nhìn chung, quy định thủ tục đăng ký bào chữa tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một trong những nội dung cải cách tư pháp mang tính đột phá, xóa bỏ hẳn thủ tục cấp giấy nhận người bào chữa của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự trước đây [7]. Tuy nhiên, do lần đầu tiên được ghi nhận nên quy định này không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét thay đổi hoặc hướng dẫn kịp thời.
Hạn chế và đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam
Xác định tư cách người thực hiện việc đăng ký bào chữa
Hoạt động đăng ký bào chữa có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính gồm: chủ thể thực hiện đăng ký bào chữa và chủ thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký bào chữa. Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa”. Theo quy định của pháp luật thì một người được xem là người bào chữa khi họ được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa [8]. Nói cách khác, một người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc một người được cơ quan có thẩm quyền chỉ định bào chữa cho người bị buộc tội không phải là người bào chữa nếu họ chưa thực hiện việc đăng ký bào chữa và được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, vào sổ đăng ký bào chữa.
Tuy nhiên, xem xét quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhà làm luật xác định tư cách người thực hiện việc đăng ký bào chữa là “người bào chữa” [9]. Điều này là không thể vì tại thời điểm đăng ký bào chữa, họ chỉ mang một trong những tư cách Luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội hoặc trợ giúp viên pháp lý được nhờ hoặc được chỉ định. Những người này cần phải nộp các giấy tờ theo quy định của pháp luật để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét chấp thuận vào sổ đăng ký bào chữa hoặc từ chối đăng ký bào chữa. Trong trường hợp bị từ chối thì người đăng ký không được xem là người bào chữa theo luật định và dĩ nhiên họ không có quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bào chữa [10].
Để giải quyết mâu thuẫn như đã phân tích ở trên, tác giả kiến nghị khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thay thế cụm từ “người bào chữa” thành “người đăng ký” và khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thay thế cụm từ “người bào chữa” thành “người được chỉ định”, cụ thể:
“Điều 78. Thủ tục đăng ký bào chữa
2. Khi đăng ký bào chữa, người đăng ký phải xuất trình các giấy tờ:...
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người được chỉ định xuất trình các giấy tờ:...”.
Tuy chỉ là thay đổi về câu chữ, cách dùng từ nhưng thiết nghĩ sự thay đổi này tạo nên sự thống nhất trong cách hiểu về thời điểm xuất hiện tư cách người bào chữa trong tố tụng hình sự, tránh trường hợp người tiếp cận quy định pháp luật có thể hiểu nhầm người thực hiện đăng ký bào chữa là người bào chữa tại thời điểm đăng ký hoặc chắc chắn sẽ trở thành người bào chữa dù chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét các giấy tờ theo yêu cầu và vào sổ đăng ký bào chữa.
Quy định về hủy bỏ việc đăng ký bào chữa
Khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận một trong các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tung thực hiện hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, chấm dứt tư cách người bào chữa trong tố tụng hình sự khi người bào chữa vi phạm pháp luật trong khi tiến hành bào chữa cho người bị buộc tội [11]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giới hạn phạm vi, mức độ vi phạm pháp luật của người bào chữa như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành mới được quyền hủy bỏ việc đăng ký bào chữa bởi nội hàm khái niệm “vi phạm pháp luật” là khá rộng, được hiểu là tất cả “hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ” [12].
Xét về câu chữ của quy định thì người bào chữa chỉ cần thực hiện một hành vi vi phạm nói chung thì đã thuộc trường hợp hủy bỏ việc đăng ký bào chữa. Nhưng nếu như vậy thì việc xác định “vi phạm pháp luật” trong trường hợp này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, có thể gây nên sự thiếu thống nhất và không đồng bộ trong thực tiễn áp dụng. Trên thực tế, đã có trường hợp Luật sư bị Tòa án hủy bỏ đăng ký bào chữa vì bị cho rằng có hành vi “đập bàn khi thẩm vấn tại phiên tòa” [13]. Sự việc trên gây bức xúc trong giới Luật sư vì cho rằng hành vi “đập bàn” của Luật sư không đáng để họ bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tiếp tục tham gia bào chữa của Luật sư và quyền được tiếp cận người bào chữa của người bị cáo tại phiên tòa.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như đã phân tích, tác giả cho rằng nội dung “vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa” tại điểm b khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết để thống nhất trong áp dụng. Tác giả kiến nghị văn bản hướng dẫn thi hành nên cụ thể hành vi “vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa” của người bào chữa bao gồm những hành vi vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại khoản 2 điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp người bào chữa là Luật sư thì ngoài những hành vi vi phạm nghĩa vụ người bào chữa theo khoản 2 điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi người bào chữa thực hiện một trong những điều cấm đối với hoạt động hành nghề Luật sư theo Điều 9 Luật Luật sư năm 2012 cũng được xem là “vi phạm pháp pháp khi tiến hành bào chữa”.
Cơ sở cho đề xuất trên là bởi vì tại khoản 2 điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về các nghĩa vụ của người bào chữa và tại khoản 3 điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bào chữa nếu vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà hủy bỏ việc đăng ký bào chữa” [14]. Đồng thời, tại điều 9 Luật Luật sư năm 2012 cũng liệt kê và mô tả cụ thể các hành vi mà Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng hình sự với tư cách người bào chữa bị nghiêm cấm.
Thiết nghĩ, nếu có văn bản hướng dẫn chi tiết, xác định cụ thể hành vi nào là “vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa” của người bào chữa sẽ giúp người bào chữa định hình, kiểm soát được hành vi của mình khi tham gia tố tụng, đồng thời giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, áp dụng thống nhất hoạt động hủy bỏ việc đăng ký bào chữa trên thực tế.
Thủ tục tiếp nhận, giải quyết đăng ký bào chữa của Toà án và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chủ thể tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ đăng ký bào chữa là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra giấy tờ đăng ký bào chữa của từng cơ quan này phụ thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự mà các cơ quan này đang thụ lý, giải quyết.
Qua rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành đối với thủ tục đăng ký bào chữa, nhóm tác giả nhận thấy Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an có quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký bào chữa [15], cụ thể là trách nhiệm điều tra viên hoặc cán bộ điều tra được phân công giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định trách nhiệm tiếp nhận, xem xét giấy tờ đăng ký bào chữa thuộc về Kiểm sát viên [16].
Các thông tư này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân cùng với Viện Kiểm sát thực hiện tốt trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đăng ký bào chữa, bảo đảm quyền của người bị buộc tội. Tuy nhiên, riêng đối với Tòa án và cơ quan điều tra của quân đội nhân dân cũng như cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và các cơ quan khác trong quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn tương tự. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận người bào chữa sớm của người bị buộc tội khi người được mời hoặc được chỉ định bào chữa nộp hồ sơ đăng ký bào chữa ở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng này.
Trước mắt, tác giả đề xuất Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng tham khảo Thông tư số 46/2019/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời căn cứ vào đặc thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của ngành, lực lượng để xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành về trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền điều tra thuộc Bộ Quốc phòng về trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đăng ký việc bào chữa khi các cơ quan này thụ lý, giải quyết vụ án hình sự. Cụ thể, đề xuất Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đăng ký bào chữa trong giai đoạn xét xử; điều tra viên cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân, cán bộ điều tra thuộc bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và các cơ quan khác trong quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đăng ký bào chữa trong giai đoạn khởi tố, điều tra do mình phụ trách.
Tác giả tin rằng với nội dung hướng dẫn trên sẽ giải quyết tình trạng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng viện dẫn lý do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chậm trễ trong việc tiếp nhận, giải quyết đăng ký bào chữa, qua đó đảm bảo hơn nữa quyền được tiếp cận sớm với người bào chữa của người bị buộc tội.
Quy định về phương thức gửi, thông báo kết quả đăng ký bào chữa
Khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản”.
Phương thức gửi, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định tại điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng [17]. Bên cạnh đó, Thông tư số 46/2019/TT- BCA cũng hướng dẫn chi tiết phương thức gửi, thông báo đối với kết quả của các hoạt động liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa, theo đó tại Điều 17, theo đó: “Việc gửi hoặc thông báo văn bản trong Thông tư này được thực hiện thông qua các phương thức: Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính; Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng; Có thể thông báo bằng hình thức liên lạc qua dịch vụ bưu chính (điện thoại, fax...) hoặc qua các ứng dụng mạng xã hội phổ biến do Điều tra viên, Cán bộ điều tra thống nhất với người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.
Có thể thấy quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và văn bản hướng dẫn áp dụng đang liệt kê các phương thức gửi, thông báo mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể lựa chọn để thực hiện việc chuyển tải thông tin về kết quả đăng ký bào chữa. Quy định không buộc cơ quan có thẩm quyền phải ưu tiên thực hiện phương thức nào trước, phương thức nào sau. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thay vì lựa chọn phương thức gửi, thông báo mà người thực hiện đăng ký bào chữa có thể nhanh chóng nhất nắm bắt được thông tin về kết quả đăng ký bào chữa (trực tiếp gọi điện thoại, gửi fax hoặc liên lạc, gửi qua các ứng dụng mạng xã hội phổ biến đã thống nhất trước đó), họ lại chủ ý lựa chọn một trong các phương thức còn lại (như gửi thư qua dịch vụ bưu chính hoặc thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng). Điều này trực tiếp hạn chế sự tham gia sớm vào quá trình tố tụng của người bào chữa hoặc trì hoãn người bị buộc tội thực hiện việc mời người bào chữa khác để bảo vệ cho mình.
Để khắc phục trường hợp trên, đảm bảo tốt hơn quyền được biết thông tin của người đăng ký bào chữa, nhóm tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét ban hành quy định và thiết lập phần mềm “Hệ thống điện tử về quản lý đăng ký bào chữa”. Khi người thực hiện đăng ký bào chữa nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định đến chủ thể có thẩm quyền thì sẽ được cấp mã số và mật khẩu hồ sơ đăng ký bào chữa mục đích để họ có thể đăng nhập vào phần mềm quản lý này, kiểm tra tình trạng kết quả đăng ký bào chữa của mình, đồng thời cũng giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuận tiện trong việc thống kê, tra cứu, xử lý việc đăng ký bào chữa.
Tuy nhiên, đề xuất về “Hệ thống điện tử về quản lý đăng ký bào chữa” cần thời gian dài để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, xem xét, thí điểm và triển khai. Trước mắt, tác giả kiến nghị phương thức gửi, thông báo kết quả đăng ký bào chữa đến người đăng ký theo hướng để họ biết được kết quả đăng ký bào chữa sớm nhất. Cụ thể, (1) cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ưu tiên áp dụng phương thức gửi, thông báo theo sự thống nhất giữa người đăng ký và người tiếp nhận đăng ký bào chữa (điện thoại, fax, email, ứng dụng mạng xã hội phổ biến,...) và đồng thời gửi, thông báo trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. (2) Trong trường hợp không thể thực hiện phương thức gửi, thông báo theo sự thống nhất giữa hai bên trước đó cho người đăng ký vì lý do khách quan thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
“Việc chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa sang thủ tục đăng ký bào chữa là một trong những điểm đột phá trong việc xác lập địa vị pháp lý của người bào chữa trong tố tụng hình sự Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003” [18]. Quy định về thủ tục đăng ký bào chữa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc kiểm tra giấy tờ đăng ký bào chữa và thông báo kết quả đăng ký bào chữa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin – cho giữa người muốn trở thành người bào chữa và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ mà quy định pháp luật thủ tục đăng ký bào chữa mang lại thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót cần được các chuyên gia, nhà làm luật tiếp tục xem xét hoàn thiện, để người bào chữa có thể tham gia sớm nhất vào quá trình tố tụng, đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
======================= [1] UNDP, Báo cáo về quyền bào chữa trong pháp luật hình sự và thực tiễn tại Việt Nam, Hà Nội, năm 2010, tr. 8. [2] Xem: Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [3] Xem: khoản 1, 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [4] Xem: khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [5] Khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể “Những người sau đây không được bào chữa”, bao gồm: “a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.” [6] Xem: khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [7] PGS.TS Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật”, Hà Nội, năm 2016, tr. 190. [8] Xem: Khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [9] “Điều 78. Thủ tục đăng ký bào chữa 1. ... 2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:... 3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:...”. [10] Xem: khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [11] Xem: Điểm b Khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [12] Phan Trung Hiền, Lý luận về Nhà nước và Pháp luật- quyển 2, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2012, tr.165. [13] Nguyễn Văn Quynh, Khi nào Luật sư bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, /khi-nao-luat-su-bi-huy-bo-viec-dang-ky-bao-chua.html, truy cập ngày 10/8/2021. [14] Xem thêm Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. [15] Xem: Điều 6 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an. [16] Xem: khoản 3 Điều 11 Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. [17] Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “1. Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện thông qua các phương thức: a) Cấp, giao, chuyển trực tiếp; b) Gửi qua dịch vụ bưu chính; c) Niêm yết công khai; d) Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng”. [18] TS. Trần Văn Biên, TS. Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Thế giới, 2017, tr. 83. |
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; 2. Thông tư số 46/2019/TT- BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công An “Về quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”; 3. Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố”; 4. TS. Trần Văn Biên, TS. Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Thế giới, 2017; 5. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật”, Hà Nội, năm 2016; 6. Phan Trung Hiền, Lý luận về Nhà nước và Pháp luật- quyển 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2012, tr.165; 7. Nguyễn Văn Quynh, Khi nào Luật sư bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, /khi-nao-luat-su-bi-huy-bo-viec-dang-ky-bao-chua.html, truy cập ngày 10/8/2021; 8. UNDP, Báo cáo về quyền bào chữa trong pháp luật hình sự và thực tiễn tại Việt Nam, Hà Nội, năm 2010. |
NGUYỄN CHÍ HIẾU
Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ
TRẦN VĂN TOÁN
Công ty luật TNHH Tín Nguyễn
Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành