/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề vấn đề về tội 'Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động' tại Điều 216 Bộ luật Hình sự

Một số vấn đề vấn đề về tội 'Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động' tại Điều 216 Bộ luật Hình sự

18/12/2023 06:22 |

(LSVN) - Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động là bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức sử dụng lao động. Đây là chính sách luôn luôn được Nhà nước ta đề cao và yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật về BHXH để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Hành vi không đóng bảo hiểm cho người lao động là vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người, tổ chức sử dụng lao động đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm trốn tránh việc đóng bảo hiểm cho người lao động, từ đó làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi hợp pháp của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước ta.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự hiện hành

Định nghĩa

Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được hiểu là hành vi của người, tổ chức sử dụng lao động là cá nhân hoặc pháp nhân không đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật cho người lao động bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ khi đơn vị được thành lập và đi vào hoạt động đến bị hành vi bị phát hiện gây thiệt hại cho quỹ BHXH của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể là bất kỳ người nào và bất kỳ pháp nhân thương mại nào có trách nhiệm thu, đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Khách thể của tội phạm

Hành vi trên đã xâm phạm trực tiếp đến chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu:

Về mặt hành vi:

Có hành vi gian dối bằng thủ đoạn để không đóng 03 loại bảo hiểm  trên hoặc đóng không đủ cho người lao động từ 06 tháng trở lên.

Hành vi gian dối là hành vi đưa các ra thông tin sai lệch làm cho người lao động cơ quan bảo hiểm tin là sự thật đã đóng bảo hiểm.

Thủ đoạn khác để không đóng bảo hiểm hoặc đóng không đầy đủ là ngoài thủ đoạn gian dối thì có thể dùng bất kỳ thủ đoạn nào khác để thực hiện được mục đích phạm tội của mình.

Dấu hiệu khác của tội phạm này là hành vi trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm từ 10 người trở lên.

Ngoài các dấu hiệu nêu trên, thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm mà còn vi phạm.

Mặt chủ quan

Người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Một số vướng mắc 

Thứ nhất: Trên thực tiễn hiện nay có hàng loạt doanh nghiệp thành lập và đưa ra các chính sách ban đầu rất tốt cho người lao động. Tuy nhiên, khi tuyển dụng lao động thì ngay tại hợp đồng lao động cũng rất lập lờ, thậm chí gài bẫy người lao động trong các điều khoản về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn tinh vi khiến cho người lao động thiếu hiểu biết pháp luật không thể phát hiện ra, ví dụ: Đưa ra chính sách cắt giảm nhân sự; đưa ra lí do bất hợp lý để sa thải, hủy hợp đồng lao động trước thời hạn,… nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm.

Mặc dù, pháp luật đã có cơ chế xử lý song trong thời gian qua có thể thấy rất nhiều phản ánh của người lao động đã lên tiếng về việc bị cá nhân và pháp nhân sử dụng lao động trốn tránh thậm chí “quỵt” tiền đóng bảo hiểm mà không có cách nào để giải quyết và bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Đây thực sự là một thách thức lớn trong việc kiểm soát, thực thi pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Thứ hai: Việc phát hiện các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực này trước tiên phải thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm. Mặc dù pháp luật có quy định về hành vi trên là tội phạm nhưng trên thực tế số vụ án bị phát hiện và xử lý còn hạn chế, vì chưa có một cơ chế hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy định phối hợp với nhau trong việc phát hiện xử lý, chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm từ cơ quan thanh tra chuyên ngành sang cơ quan tố tụng.

Thứ ba: Trường hợp là tổ chức doanh nghiệp (pháp nhân) có hành vi trốn đóng bảo hiểm (ba loại trên) thì hiện nay cũng chưa có hướng dẫn xử lý.

Thứ tư: Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn thực nhiệm vụ trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đồng phạm trong vụ án mặc dù không trục lợi cho bản thân nhưng gây thiệt hại thì sẽ xử lý như thế nào cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất: Trong thời gian tới cơ quan cơ thẩm quyền cần có hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể trong việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm quy chế phối hợp, chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang cơ quan tố tụng để kịp thời giải quyết những vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thứ hai: Cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản quy định ràng buộc, bắt buộc các cá nhân, pháp nhân sử dụng lao động phải tuân thủ pháp luật về bảo hiểm cho người lao động

Thứ ba: Cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý hình sự các pháp nhân có hành vi phạm tội trên.

Thứ tư: Cần có hướng dẫn trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước đồng phạm với cá nhân, pháp nhân trong việc trốn đóng bảo hiểm mà không có hành vi trục lợi chỉ gây thiệt hại thì sẽ xử lý như thế nào, áp dụng pháp luật như thế nào để giải quyết triệt để các vụ án có đồng phạm là cán bộ nhà nước có thẩm quyền trong vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.

VŨ VIỆT PHƯƠNG

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 1

Trí tuệ nhân tạo AI - Robot làm báo và vai trò Nhà báo trong kỷ nguyên chuyển đổi số

 

Nguyễn Hoàng Lâm