Một số vấn đề về người làm chứng dưới 18 tuổi tham gia phiên tòa hình sự

26/04/2023 05:02 | 1 năm trước

(LSVN) - Xuất phát từ đặc điểm tâm lý tư pháp riêng của nhóm chủ thể tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nên việc tiến hành tố tụng, trong đó có hoạt động xét xử có sự tham gia của người làm chứng là người dưới 18 tuổi được quy định riêng biệt. Tuy nhiên, quy định hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề, có vấn đề quy định chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến những khó khăn, bất cập khi thực hiện.

Ảnh minh họa.

Quy định về người làm chứng và xét xử vụ án có người làm chứng dưới 18 tuổi

Khoản 1, 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định về người làm chứng như sau:

“1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. 

Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn…”.

Theo quy định trên thì người dưới 18 tuổi cũng có thể xác định là người làm chứng, kể cả trẻ em, miễn là đáp ứng đủ điều kiện của người làm chứng trong tố tụng hình sự.

Vụ án có người làm chứng dưới 18 tuổi phải được tiến hành theo thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, tuân thủ các nguyên tắc riêng. Trong đó, việc xét xử vụ án có người làm chứng dưới 18 tuổi phải đặc biệt chú ý quy định về Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa và thành phần Hội thẩm. Cụ thể thủ tục này được quy định tại Chương XXVIII BLTTHS năm 2015; Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH, riêng đối với các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi còn có Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH.

Một số khó khăn khi xét xử vụ án có người làm chứng là người dưới 18 tuổi

Thứ nhất, về việc xác định vụ án có thuộc trường hợp có người làm chứng dưới 18 tuổi hay không?

Đây là trường hợp vụ án chỉ có 01 người làm chứng là người dưới 18 tuổi, được lấy lời khai đầy đủ, rõ ràng trong hồ sơ vụ án, ngoài ra không còn đối tượng nào dưới 18 tuổi. Đối với trường hợp này, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án nhận thấy không cần triệu tập họ tham gia phiên tòa vẫn giải quyết vụ án khách quan, toàn diện. Vậy, khi Tòa án không triệu tập người đó tham gia phiên tòa thì có áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi hay không? 

Quan điểm thứ nhất cho rằng, do không triệu tập, tức là họ không tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử vụ án này, không có mặt tại phiên tòa nên không áp dụng các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù Tòa án không triệu tập, nhưng về bản chất người đó vẫn là người làm chứng - một thành phần tham gia tố tụng, do đó các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phải được bảo đảm như Thẩm phán phải là người có kinh nghiệm, phải có ít nhất một Hội thẩm là giáo viên… 

Quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất. Việc triệu tập hay không triệu tập là thẩm quyền của Chủ tọa phiên tòa trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, mặc dù người làm chứng là một tư cách tham gia tố tụng nhưng chỉ khi người làm chứng được triệu tập thì bản thân người đó mới được coi là “tham gia tố tụng”, lúc này mới đặt ra vấn đề bảo đảm quyền, nghĩa vụ và cần thiết phải áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện. 

Thứ hai, xác định tuổi người làm chứng. Hiện nay, chưa có quy định về xác định tuổi của người làm chứng. 

Cũng giống như người bị buộc tội, bịa hại, thực tế cũng có nhiều trường hợp cần phải xác định tuổi của người làm chứng. BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 mà không có quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi. 

Do đó, cần bổ sung quy định về vấn đề này.

Thứ ba, việc triệu tập người làm chứng và người đại diện của người làm chứng dưới 18 tuổi. 

Theo đó, việc tham gia của người đại diện của người làm chứng dưới 18 tuổi là bắt buộc, người này khi tham gia phiên tòa có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, về hình thức triệu tập thì chưa được quy định cụ thể. Theo đó, BLTTHS hiện nay chỉ quy định về việc triệu tập người làm chứng, sự có mặt của người làm chứng mà không quy định về hình thức triệu tập đối với người làm chứng dưới 18 tuổi và người đại diện của họ. 

Vậy, khi triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi thì giấy triệu tập phải gửi cho ai, hình thức là “gửi” hay phải “giao”; đối với người đại diện thì triệu tập hay thông báo cho họ, yêu cầu về sự có mặt của họ tại phiên tòa như thế nào? Vấn đề này vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Trong khi đó, hoạt động lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi trong giai đoạn điều tra được quy định khá rõ ràng là “phải gửi giấy triệu tập”, giấy triệu tập được “giao cho cha, mẹ, người đại diện khác”. 

Theo quan điểm của tác giả, việc triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi tham gia phiên tòa được thực hiện tương tự các quy định triệu tập thành phần khác, kết hợp quy định liên quan đến bảo vệ người dưới 18 tuổi. Theo đó, việc triệu tập được thể hiện bằng giấy triệu tập, đồng thời người đại diện của họ cũng được triệu tập thông qua giấy triệu tập. Cả hai giấy triệu tập này phải được gửi cho người đại diện của họ. 

Đối với sự có mặt của người làm chứng dưới 18 tuổi áp dụng tương tự quy định tại Điều 293 BLTTHS, đối với người đại diện của họ thì họ phải có mặt theo quy định tại Điều 420 BLTTHS, nếu họ cố tình vắng mặt thì áp dụng tương tự như đối với người làm chứng (đó là nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể dẫn giải). Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở đây là BLTTHS quy định đối tượng của dẫn giải không bao gồm người đại diện. Vậy, trường hợp này cần phải có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, việc hạn chế người làm chứng tiếp xúc với bị cáo. 

Khoản 5 Điều 423 BLTTHS quy định, trong vụ án có người làm chứng dưới 18 tuổi thì HĐXX phải hạn chế việc tiếp xúc giữa người làm chứng với bị cáo khi người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, về mức độ “hạn chế tiếp xúc” thì vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể. Theo đó, việc hạn chế tiếp xúc là chỉ sự tiếp xúc trực tiếp hay bao gồm cả sự tiếp xúc về ánh nhìn, thái độ. Nếu hiểu theo hướng là sự tiếp xúc trực tiếp, thì HĐXX chỉ cần bảo đảm bị cáo và người làm chứng không tiếp xúc trực tiếp với nhau, có nghĩa là việc bảo đảm khoảng cách giữa hai thành phần này. Nhưng nếu hiểu theo hướng rộng hơn, thì HĐXX phải bảo đảm người làm chứng và bị cáo không có sự tiếp xúc về cả ánh nhìn, cảm xúc, tinh thần, việc nghe, nói… 

Do đó, có thể hiểu là người làm chứng phải được cách ly với bị cáo, tuy nhiên, với điều kiện hiện nay thì việc này là quá khó để bảo đảm. Thực tiễn xét xử, căn cứ vào tính chất, mức độ, đặc điểm của từng vụ án, thái độ của các thành phần tham gia tố tụng mà HĐXX có cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên, để thống nhất trong nhận thức, tránh kiến nghị, kháng nghị, kháng cáo và thống nhất trong áp dụng thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể.

Thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi là một chế định phù hợp và nhân đạo, thể hiện rõ quan điểm, đường lối bảo vệ sự phát triển toàn diện của người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, để bảo đảm mục đích, ý nghĩa đó thì hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án đóng vai trò quan trọng. Do đó, để phát huy hiệu quả, áp dụng pháp luật thống nhất, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết để khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn: Cần đánh giá đa chiều trong xây dựng pháp luật