Ảnh minh họa.
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho hay, theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai hợp nhất năm 2018 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; Đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế có các quyền như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Như vậy, người dân đang sử dụng đất nông nghiệp hoàn toàn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Đối với đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng, tặng cho đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền công nhận giao dịch chuyển nhượng đất nông nghiệp?
Theo khoản 5 Điều 2 của Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT thì Sở TN&MT có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; tổ chức thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo thẩm quyền; giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện việc trưng dụng đất theo quy định.
Như vậy, Sở TN&MT sẽ có quyền và nghĩa vụ về xác định các hoạt động liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương.
Quy định pháp luật thế nào về mua bán đất nông nghiệp?
Theo Điều 188 Luật Đất đai hợp nhất năm 2018 thì người sử dụng đất sẽ có quyền chuyển nhượng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ), đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên, trong thời hạn sử dụng đất và các điều kiện khác được quy định trong Luật Đất đai.
Theo Điều 191 Luật Đất đai hợp nhất năm 2018 thì những đối tượng nhận chuyển nhượng đất bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức kinh tế trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Theo Điều 130 Luật Đất đai hợp nhất năm 2018 thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
Như vậy, để mua bán đất nông nghiệp thì người dân cần chú ý đến điều kiện của người chuyển nhượng đất nông nghiệp, người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
TRẦN VŨ
Trường hợp nào được tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh?