LSVNO - Theo Báo cáo Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019 doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam là nhóm chào bán nhiều trái phiếu nhất.
Tính đến cuối tháng 8/2019, có tổng cộng 44/108 doanh nghiệp bất động sản chào bán trái phiếu với giá trị đạt 47.804 tỷ đồng, và 36.946 tỷ đồng trong số này được phát hành. Còn lại 10.858 tỷ đồng là lượng dư bán không có nhà đầu tư chào mua. Đồng thời, các ngân hàng thương mại đã mua hơn 20% số này, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong số các ngân hàng chi tiền mua trái phiếu bất động sản thời gian qua điển hình MBbank, Techcombank và PVcombank là một trong 3 ngân hàng có giá trị mua lớn nhất, lần lượt đạt 1.710 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, trong số 36.876 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, riêng nhóm ngân hàng thương mại đã gom 7.410 tỷ (20,1%), cùng với đó là 3.250 tỷ trái phiếu (8,8%) được mua bởi các công ty chứng khoán (trong đó có nhiều công ty chứng khoán là công ty con của ngân hàng).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cùng với đó, các Công ty Chứng khoán VNSC mua nhiều trái phiếu bất động sản nhất, với giá trị 1.300 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Chứng khoán MB với 1.000 tỷ đồng, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng đã mua 700 tỷ đồng trái phiếu từ các doanh nghiệp bất động sản…
Cũng theo SSI cho rằng, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; và 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản theo Thông tư 36.
Song song đó, với lãi suất trái phiếu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản phát hành từ đầu năm 2019 vào khoảng 10,01%/năm. Trong hàng chục nghìn tỷ trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản phát hành, khoảng 94,3% trái phiếu có lãi suất dưới 12%/năm.
Theo TS Bùi Quang Tín – Chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà các ngân hàng thương mại lại là trái chủ lớn rất đáng ngại. Mặc dù, quy mô thị trường trái phiếu hiện vẫn ở mức nhỏ nên một số đợt phát hành với lãi suất lên tới 14,5%/năm chưa tác động nhiều đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng.
Theo định hướng của NHNN là hạn chế và kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản. Ngoài ra, trái phiếu với lãi suất lên tới 12 - 14%/năm thì tỷ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới cân đối được.
Theo ông Tín, đây là tỷ suất sinh lời không dễ để các doanh nghiệp bất động sản đạt được trong tình hình thị trường hiện nay. “Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao.
Những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn”, ông Tín nhấn mạnh.
Đinh Dương – Thanh Tuyền