Ảnh minh họa.
Theo đó, VKSND Tối cao cho biết, qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự, VKSND Tối cao nhận được ý kiến phản ánh đề nghị hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số quy định của Bộ luật nêu trên. Do vậy, VKSND Tối cao đã hướng dẫn 12 vướng mắc liên quan đến quy định tại BLHS, 4 vướng mắc liên quan đến quy định tại BLTTHS và 5 vướng mắc liên quan đến quy định về thi hành tạm giữ, thi hành án hình sự.
Cụ thể, liên quan đến thi hành án tử hình, thực tiễn đặt ra tình huống: Trường hợp người bị kết án tử hình không làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình mà chỉ có đơn kêu oan thì có được coi là đủ điều kiện để thi hành án tử hình không hoặc đến khi tiến hành thi hành án tử hình bị án mới viết đơn ân giảm lên Chủ tịch nước thì có được hoãn thi hành án không?
Về vấn đề này, theo VKSND Tối cao, khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 quy định đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là đơn người bị kết án xin được giảm án, không phải chấp hành án tử hình và được gửi lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; còn đơn kêu oan là đơn người bị kết án cho rằng mình bị oan, không có tội. Đây là hai loại đơn khác nhau.
Do hiện nay pháp luật chỉ quy định việc bản án tử hình được thi hành khi có đủ hai điều kiện:
Thứ nhất, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm,
Thứ hai, người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nên cần phải xác định: Nếu người bị kết án chỉ có đơn kêu oan, không có đơn xin ân giảm thì Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao phải xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trường hợp Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao không kháng nghị, người bị kết án không có đơn xin ân giảm trong thời hạn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 (Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật) thì đủ điều kiện thi hành án tử hình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015.
Về việc hoãn thi hành án tử hình, VKSND Tối cao cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS gồm: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn;
(ii) Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
(iii) Ngay trước khi thi hành án, người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm.
Trong đó, Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC quy định về việc việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc có quy định về “có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong trường hợp hoãn thi hành án tử hình nêu trên được hiểu là: trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể tổ chức thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc các trường hợp như: trên đường áp giải, người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện; trường hợp trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được.
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng cho rằng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, bảo đảm tính thận trọng trong việc thi hành án tử hình.
PV
Đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa với lái xe kinh doanh vận tải