Ảnh minh họa.
Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, ngày 2/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo TTHC và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất và đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo đó, Luật đã có nhiều nội dung sửa đổi liên quan trực tiếp đến việc xử phạt tạm giữ người, áp giải người theo TTHC.
Trong quá trình thi hành, Nghị định số 112 đã bộc lộ một số những điểm hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung, như: Chưa có các quy định hướng dẫn xử lý trong trường hợp người nước ngoài thuộc diện bị trục xuất nhưng không có điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định; trường hợp không xác định được quốc tịch của người nước ngoài bị trục xuất..., gây khó khăn trong công tác quản lý và thi hành pháp luật.
Vì vậy, để bảo đảm cho việc tạm giữ, áp giải người vi phạm theo TTHC và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xử lý VPHC, bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả của việc xử lý VPHC thì việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 112 là cần thiết.
Theo dự thảo, người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo TTHC được thực hiện theo quy định tại điểm đ Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý VPHC.
Người bị trục xuất có quyền được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp; được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 14 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Chấp hành nhanh chóng, đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có); hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC theo quy định tại Chương I, phần thứ tư của Luật Xử lý VPHC.
Đối với công tác quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất, dự thảo nêu rõ, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hoặc trưởng phòng quản lý xuất, nhập cảnh công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất) đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hoặc giám đốc công an cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất trong những trường hợp sau đây: Khi có căn cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất; để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các biện pháp quản lý gồm: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý; chỉ định chỗ ở của người bị quản lý; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu; bắt buộc lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý thuộc trường hợp quy định.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ, không được sử dụng nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
DUY ANH
Thủ tướng chỉ đạo 10 tỉnh thành chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19