(LSO) - "Bọn chúng đưa con vào Trại Xi Khin, tiếp tục hỏi cung, rồi hỏi con muốn đi nước nào? Ở đó con quen ông Lào Xiêu. Ông ta nói nên xin đi Trung Quốc vì sau này có về Việt Nam cũng gần, nên khai có người thân ruột thịt ở Trung Quốc thì mới được đi. Con nghe lời ông ta. Đến tháng 11/1981, con cùng 39 người nữa ra sân bay Băng Cốc đi Quảng Châu…".
Ngày 29/9/1992, nhận được tin báo, Công an huyện Sông Thao phối hợp với Công an xã đến mời Lê Công Tiến về huyện. Tiến trình bày ở Trung Quốc về nhưng không có giấy tờ tùy thân và giấy nhập cảnh. Do có dấu hiệu của tội nhập cảnh trái phép nên ngày 10/5/1992, Công an tỉnh Vĩnh Phú đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Lê Công Tiến. Trong quá trình thẩm vấn, Tiến khai trước là bộ đội ở Quân khu 7 nên một tuần sau, Công an tỉnh Vĩnh Phú có văn bản đề nghị chuyển hồ sơ vụ án về Cục an ninh quân đội, sau đó vụ án được chuyển về Quân khu 7 vào đầu năm 1993.
Hôm gặp con ở trại giam Phủ Đức - Vĩnh Phú, bà Đoan không khỏi xót xa phải nhìn thấy Tiến già như một ông cụ, râu ria mọc tua tủa. Khi mới gặp mẹ, Tiến không khóc nổi... Có lẽ, quãng đời đau khổ thuở ấu thơ, cùng những năm tháng lưu lạc nơi đất khách quê người đã làm cạn kiệt nước mắt...
Xoa đầu con như một đứa trẻ, bà Đoan sụt sùi:
- Khổ thân con... Hãy nói cho mẹ nghe đi, làm sao đến nông nỗi này?
Gục đầu trên vai bà Đoan, mắt nhắm nghiền. Nhưng Tiến như bừng tỉnh, chậm rãi kể:
- Sau khi con đi bộ đội sang Campuchia, đóng tại Xiêm Riệp được khoảng nửa năm, một buổi chiều con đi vào bản làng cách đơn vị khoảng 5km để đổi gạo và gà. Con nghe tiếng súng nổ ở đơn vị nên quay về. Đến lúc chập choạng tối, bất ngờ một toán lính Pôn Pốt phục kích chặn bắt. Trong bọn chúng có hai tên lính biết tiếng Việt bắt đầu khai thác con. Giữa vòng vây của địch, con lo sợ chưa biết bọn chúng sẽ làm gì mình... Bọn chúng ép con đi lính Pôn Pốt, sẽ được lấy vợ đẹp. Chúng đưa 10 cô gái ra, bảo con thích cô nào chúng sẽ cưới cho và ở đây với chúng. Chúng giam con hơn một tháng và chuyển con sang một ngôi nhà nằm giữa rừng trên đất Thái Lan.
Sau đó, bọn chúng đưa con vào Trại Xi Khin, tiếp tục hỏi cung, rồi hỏi con muốn đi nước nào? Ở đó con quen ông Lào Xiêu. Ông ta nói nên xin đi Trung Quốc vì sau này có về Việt Nam cũng gần, nên khai có người thân ruột thịt ở Trung Quốc thì mới được đi. Con nghe lời ông ta. Đến tháng 11/1981, con cùng 39 người nữa ra sân bay Băng Cốc đi Quảng Châu…
Tiến dừng lại, lấy tay lau hai dòng nước mắt tự nhiên ứa ra. Bao nhiêu năm dồn nén trong cảnh phiêu bạt...
- Ở bên đó, con sống thế nào? Tại sao con điện là có cả vợ con đi cùng? Bà Đoan lo lắng hỏi.
- Sau khi đến sân bay Quảng Châu, có nhiều người ra đón, có quay phim chụp ảnh, rồi hôm sau họ đưa ra ga xe lửa về Giang Tây, họ đưa con về nông trường Kim Khê, bố trí chỗ ở. Con thường đi ra khỏi nông trường nên bị Công an bắt, đưa trở lại. Sau đó con bắt đầu ra nương học cách trồng và hái chè...
Mấy năm sau, con tìm cách đi nhiều nơi khác như Quảng Châu, Phúc Kiến, Vĩnh Thàm, Nản Sang, An Khê, Chay Chan... nhưng đến nơi nào cũng bị Công an bắt, đưa trở về nông trường. Công an phụ trách nông trường nhắc nhở con thì con nói: “Tôi nhớ nhà quá, nên đi lang thang...”. Họ bảo: “Đất nước anh đang có chiến tranh, khi nào hòa bình sẽ cho anh về”.
Con không biết đất nước mình có chiến tranh thật không, nhưng con chỉ muốn về với mẹ... Có lần con đi đến Trân Châu, nhìn xem trong bản đồ in trong sách và la bàn tìm cách trốn về Việt Nam. Lần này họ bắt giam con 3 tháng. Công an nông trường Kim Khê đến nhận con về. Túng quá, con đi buôn gỗ cùng với dân Trung Quốc. Năm 1984, con đi nấu dầu thông thuê cho dân, rồi năm 1985, lấy vợ là người Trung Quốc ở cùng nông trường... Đến đầu tháng 9/1992, con tìm cách trốn về Việt Nam... Cũng chính ông Lào Xiêu, sau này, đã cho vợ chồng con trú ngụ ở Trung Quốc để tìm đường trở lại quê hương.
Câu chuyện kể đến đây cũng là lúc trại tạm giam yêu cầu đưa Tiến gặp cán bộ từ Hà Nội lên. Sau đó mẹ con bà Đoan trở về Sài Gòn lòng bồn chồn, không biết con mình sẽ được xử lý như thế nào. Ông Thành bố dượng của Tiến nhiều lần lên Quân khu hỏi về kết quả xử lý trường hợp của Tiến, nhưng công việc điều tra chưa kết thúc.
Đã gần đến Tết Giáp Tuất, bà Đoan như mụ cả người đi. Chừng ấy năm đã trôi qua, trước mắt bà lúc nào cũng hiện lên hình ảnh thằng Tiến lem luốc cơ cực ngày nào, lang thang trên bờ sông Tam Bạc rét buốt. Nhiều đêm, khi cả nhà ngủ, với tấm lòng người mẹ, bà chỉ đơn giản nghĩ rằng con bà còn sống - thế là đủ.
Bất giác, bà nhớ đến hình ảnh người vợ cùng hai đứa con của Tiến. Làm sao để chúng đừng “Lạc đàn tan nghé” như mẹ con bà.
Tết này, Tiến chưa được về, nhưng mọi chuyện đã dần dần sáng tỏ. Cơ quan điều tra sẽ tìm hiểu được phần nào hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt trong cuộc sống của Tiến. Rồi cũng có ngày mẹ con được sống bên nhau. Đêm giao thừa, bà thắp nén hương khấn vái âm thầm và tin chắc điều đó nay mai sẽ đến…
(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Những quả lừa từ hội chứng POW/MIA (Kỳ 1): Thỏa thuận trên những bộ hài cốt” sẽ được đăng tải vào ngày 20/7/2020).
PHONG LINH