/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và giải pháp khắc phục

Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và giải pháp khắc phục

02/10/2022 17:42 |

(LSVN) - Với vai trò của án lệ đối với hệ thống pháp luật quốc gia trong việc tham gia với các loại nguồn luật khác điều chỉnh các quan hệ xã hội, sau quá trình chuẩn bị, án lệ chính thức trở thành một loại nguồn luật trong hệ thống pháp luật nước ta kể từ ngày Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình áp dụng, mặc dù, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và TAND Tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển án lệ. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng án lệ được ban hành còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của Tòa án nhân dân tối cao và nhu cầu của đời sống pháp lý. Vì lẽ đó, trong phạm vi bài viết này, tác giả lần lượt trình bày thực trạng ban hành án lệ của TAND Tối cao; nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và đề xuất giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa.

Thực trạng phát triển án lệ của TAND Tối cao

Án lệ chính thức trở thành một loại nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ ngày 16/12/2015, thời điểm Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 03/2015) có hiệu lực pháp luật. Sau thời gian áp dụng, để khắc phục những bất cập, rút ngắn thời gian tuyển chọn, công bố án lệ, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (HĐTP TAND Tối cao) ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 04/2019) thay thế Nghị quyết số 03/2015. Trong thời gian qua, để phát huy vai trò nguồn luật trong hệ thống pháp luật của án lệ, TAND Tối cao đã tăng cường công tác tác tuyển chọn, công bố án lệ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như sau:

Về số lượng, kể từ khi Nghị quyết số 03/2015 có hiệu lực (ngày 16/12/2015) cho đến nay (ngày 06/9/2022), đã có 52 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ và được công bố (1). Tính trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019 có hiệu lực) đến ngày 06/9/2022, chỉ có 29 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ. Tính theo năm, hàng năm, TAND Tối cao tuyển chọn, công bố từ 03 đến 13 án lệ. Cụ thể, năm 2016 công bố 10 án lệ; năm 2017 công bố 06 án lệ; năm 2018 công bố 10 án lệ; năm 2019 công bố 03 án lệ; năm 2020 công bố 10 án lệ và năm 2021 công bố 13 án lệ (2).

Về loại án lệ, trong 52 án lệ có 11 án lệ hình sự, 27 án lệ dân sự, 08 án lệ kinh doanh thương mại, 01 án lệ lao động, 02 án lệ tố tụng dân sự, 03 án lệ về tố tụng hành chính. Về Tòa án có phán quyết được phát triển thành án lệ, trong số 52 án lệ được công bố thì có 31 phán quyết của HĐTP TAND Tối cao (các án lệ số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 17, 20, 21, 24, 26, 27, 28, 29, 31, 32, 36, 38, 39, 43, 46, 47, 48, 49 và 50); 07 phán quyết của các Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm thuộc TAND Tối cao trước đây gồm: 01 của Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng; 05 của Tòa dân sự, 01 của Tòa hình sự (các án lệ số 3, 14, 15, 16, 19, 25, 41);  10 phán quyết của TAND Cấp cao gồm: 07 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, 01 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và 02 của TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (các án lệ 18, 30, 33, 34, 35, 37, 40, 44, 45 và 52); 03 phán quyết của TAND cấp tỉnh gồm: 02 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh và 01 của TAND Thành phố Hà Nội, các án lệ số 22, 23, 51) và 01 phán quyết của TAND cấp huyện (TAND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, án lệ số 42).

Nhìn chung, số lượng án lệ được định kỳ công bố, góp phần làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; góp phần hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và về cơ bản, đáp ứng yêu cầu bổ khuyết hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao có nhiều hoạt động nhằm tạo cơ chế thông thoáng trong việc tuyển chọn, công bố án lệ như: (1) chỉ đạo toàn hệ thống TAND tăng cường đề xuất bản án, quyết định làm nguồn án lệ (3); (2) tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo góp ý đối với việc phát triển án lệ (4); (3) kịp thời biểu dương và định kỳ khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp cho việc phát triển án lệ (5); (4) thành lập Hội đồng tư vấn án lệ với sự tham gia của đại diện các cơ quan có liên quan và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như uy tín nghề nghiệp; (5) xây dựng và đưa vào hoạt động trang tin điện tử về án lệ để tạo diễn đàn bình luận, tiếp nhận và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động phát triển án lệ; (6) phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; (7) Nghiên cứu, biên tập và xuất bản 03 Cuốn án lệ và bình luận án lệ  - tập 1, tập 2, tập 3 và cấp phát tới tất cả các Thẩm phán trong toàn hệ thống TAND; (8) hoàn thiện Giáo trình “Án lệ và thực tiễn xét xử” (6); (9) tổ chức tập huấn kỹ năng viết bản án để tạo nguồn bản án được tuyển chọn, phát triển thành án lệ (7)…

Như vậy, từ khi án lệ được quy định là nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, TAND Tối cao có nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự phát triển của nguồn luật này, đáp ứng yêu cầu của đời sống pháp lý, nhất là khắc phục những hạn chế của văn bản quy phạm pháp luật, góp phần thực hiện thẩm quyền được hiến định, là đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (8).

Tuy nhiên, số lượng bản án, quyết định được đề xuất dự nguồn án lệ (9) và số lượng bản án, quyết định được phát triển thành án lệ trong thời gian qua khá khiêm tốn, chưa đáp ứng sự kỳ vọng của TAND Tối cao và đáp ứng yêu cầu của đời sống pháp lý, (10) ngay cả khi Nghị quyết số 04/2019 đã quy định thủ tục rút gọn trong quy trình tuyển chọn, công bố án lệ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, nổi bật nhưng chất lượng pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, tính ổn định chưa cao, một số quy định mâu thuẫn chồng chéo (11) và để nâng cao chất lượng thể chế, một trong những hoạt động mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là “TAND Tối cao đẩy mạnh việc lựa chọn, xây dựng, công bố án lệ để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà chưa được pháp luật quy định cụ thể” (12).

Vì lẽ đó, cần có sự đánh giá về nguyên nhân dẫn đến số lượng án lệ được tuyển chọn, công bố làm án lệ chưa nhiều và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và đề xuất giải pháp   khắc phục

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng án lệ được phát triển trong thời gian qua chưa nhiều. Thông qua nghiên cứu quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng, có thể nêu lên một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, quy định hiện hành về tiêu chí lựa chọn án lệ quá chặt chẽ

Theo Điều 2, Nghị quyết số 04/2019, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí gồm: Tiêu chí (1) có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; Tiêu chí (2) có tính chuẩn mực; Tiêu chí (3) có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Việc lựa chọn bản án, quyết định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này để phát triển thành án lệ rất khó đáp ứng. Theo Nghị quyết số 04/2019, bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ không giới hạn bản án, quyết định của Tòa án nào. Đồng thời, một khi bản án, quyết định đã được phát triển thành án lệ sẽ ràng buộc tất cả các Tòa án, bất kể bản án, quyết định đó do Tòa án cấp nào ban hành. Tuy nhiên, để đáp ứng cả 03 điều kiện trên chỉ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của HĐTP TAND Tối cao hoặc thấp hơn là bản án, quyết định của TAND Cấp cao có thể đáp ứng; còn bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện khó có thể đáp ứng yêu cầu này. Bởi vì, bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, cấp huyện có thể đáp ứng tiêu chí (1); còn các tiêu chí (2), (3) bên trên sẽ khó đảm bảo. Theo đó, để một phán quyết của Tòa án cấp dưới (cấp tỉnh, cấp huyện) “có tính chuẩn mực”, “có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” thuyết phục Tòa án cấp trên, thậm chí HĐTP TAND Tối cao là khó có thể thực hiện (13). Đây cũng là lý do mà trong số các án lệ được công bố mới chỉ có 03 bản án của TAND cấp tỉnh (các án lệ số 22, 23 phát tiển từ bản án, quyết định của TAND Thành phố Hồ Chí Minh; án lệ số 51 phát tiển từ bản án của TAND Thành phố Hà Nội) và 01 bản án của TAND cấp huyện (án lệ số 42 được phát triển từ bản án của TAND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được lựa chọn.

Để khắc phục nguyên nhân này, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị quyết số 04/2019 theo hướng, bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ chỉ cần đáp ứng 01 trong 03 tiêu chí lựa chọn án lệ được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2019. Trong trường hợp giữ nguyên quy định phải đảm bảo cả 03 tiêu chí, kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết số 04/2019 quy định giá trị thứ bật của án lệ được phát triển từ bản án, quyết định do từng cấp Tòa án ban hành. Theo đó, án lệ được phát triển từ phán quyết của HĐTP TAND Tối cao có giá trị áp dụng chung trong toàn hệ thống TAND; án lệ được phát triển từ phán quyết của TAND Cấp cao, TAQS Trung ương có giá trị áp dụng đối với các TAND Cấp cao, TAQS Trung ương trở xuống; án lệ được phát triển từ phán quyết của TAND cấp tỉnh, TAQS Quân khu có giá trị đối với các TAND cấp tỉnh, TAQS Quân khu trở xuống. Riêng bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAQS khu vực thì không được tuyển chọn để phát triển thành án lệ.

Thứ hai, cần giới hạn phạm vi ban hành Công văn, Giải đáp nghiệp vụ của TAND Tối cao

Hàng năm, TAND Tối cao ban hành rất nhiều Công văn, Giải đáp nghiệp vụ (14). Đồng thời, mỗi văn bản lại chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý, thậm chí đa lĩnh vực (15). Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của Công văn, Giải đáp nghiệp vụ đối với việc đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nhất là trong hệ thống TAND (như: khắc phục kịp thời quy định có nhiều cách hiểu khác nhau; xử lý, áp dụng chính xác các quy định mâu thuẫn, chồng chéo; khắc phục cách hiểu sai tương tự; đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề mà phải áp dụng lẽ công bằng…). Đồng thời, các văn bản này phần lớn được lấy từ khó khăn, vướng mắc, bất cập, sai sót trong quá trình giải quyết vụ việc của các Tòa án. Xét ở mức độ nào đó, quy định trong các văn bản này cũng định hướng cho việc áp dụng pháp luật, giải quyết vụ việc tương tự, có thể trong hệ thống TAND có thể trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, việc không giới hạn phạm vi của việc ban hành các loại văn bản này sẽ bao trùm cả những vụ án đã được Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, các Công văn, Giải đáp nghiệp vụ dù có đúng, chính xác, hiệu quả đến đâu thì cũng chưa phải là nguồn luật, không có sự ràng buộc như án lệ. Đây là nguyên nhân làm cho việc lựa chọn bản án, quyết định để phát triển án lệ bị giới hạn.

Để khắc phục nguyên nhân này, kiến nghị cần phân định ranh giới giữa việc ban hành Công văn, Giải đáp nghiệp vụ của TAND Tối cao với việc đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Theo đó, sự giới hạn này có thể xác định thông qua ranh giới giữa đã có sự việc trên thực tế hay chưa. Nếu có sự việc đã được giải quyết trên thực tế và đủ cơ sở phát triển thành án lệ thì không ban hành Công văn, Giải đáp nghiệp vụ mà thay vào đó đề xuất bản án, quyết định phát triển thành án lệ; trường hợp sự việc đang được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đủ cơ sở phát triển thành án lệ thì có thể ban hành Công văn, Giải đáp nghiệp vụ để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ ba, cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm của Thẩm phán khi bản án, quyết định được tuyển chọn làm án lệ có sai sót

Với mỗi Thẩm phán, bán án, quyết định do bản thân tham gia ban hành được công bố làm án lệ là một vinh dự, niềm tự hào. Bởi vì, khi đó, giải pháp pháp lý đối với một vấn đề pháp lý gắn liền với sự việc cụ thể được thừa nhận rộng rãi. Trong thời gian qua, mặc dù Nghị quyết số 03/2015 và Nghị quyết số 04/2019 không quy định về cơ chế khen thưởng đối với Thẩm phán, Tòa án có bản án, quyết định được phát triển thành án lệ nhưng đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của Thẩm phán, xem xét khi vinh danh Thẩm phán, khen thưởng đột xuất (16).

Tuy nhiên, thực tiễn nguồn án lệ đối với bản án, quyết định, nhất là bản án, quyết định do TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện ban hành được đề xuất thành án lệ không nhiều (17), có tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với lượng án mà hệ thống TAND giải quyết hàng năm (18).

Về nguyên nhân, bên cạnh các Tòa án, đơn vị, cá nhân chưa tham gia vào công tác phát triển án lệ, nhiều Thẩm phán chưa thực sự quan tâm đến nâng cao chất lượng các bản án, quyết định dẫn đến một số bản án, quyết định của bản án được ban hành chưa đảm bảo tính chuẩn mực, không đáp ứng yêu cầu làm nguồn án lệ, số lượng bản án, quyết định được đề xuất làm nguồn án lệ còn hạn chế (19), còn có nguyên nhân chưa có cơ chế miễn trừ trách nhiệm của Thẩm phán khi bản án, quyết định được tuyển chọn làm án lệ có sai sót (có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc rút kinh nghiệm). Bởi vì, để đảm bảo các tiêu chí lựa chọn án lệ tại Điều 2, Nghị quyết số 04/2019 (20), bản án, quyết định được lựa chọn phải mang tính đột phá, thoát ra nhận thức thông thường trong cách hiểu, vận dụng pháp luật, có sự khác biệt so với những phán quyết giải quyết vụ án đã tuyên, thể hiện sự mạnh dạn của Thẩm phán trong việc đặt quy định pháp lý vào tình huống cụ thể để đưa ra kết luận, đánh giá chuẩn xác.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, các phán quyết loại này thường tiềm ẩn những rủi ro, có thể bị đánh giá sai sót về nhận thức, năng lực, trình độ. Kéo theo đó, ở mức độ nhất định, Thẩm phán đã ban hành ra chúng có thể bị nhắc nhở rút nghiệm, thậm chí bản án, quyết định đó có thể bị kháng nghị để khắc phục sai sót, ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khen thưởng, việc tái bổ nhiệm Thẩm phán sau khi kết thúc nhiệm kỳ (21).

Cho nên, để các Tòa án, nhất là Tòa án địa phương, Thẩm phán chủ động, mạnh dạn đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ, cần có sự miễn trừ trách nhiệm của Thẩm phán, Tòa án (như: không tính tỉ lệ khi tái bổ nhiệm, không xem xét khi đề xuất thi đua khen thưởng cho đơn vị Tòa án, cá nhân Thẩm phán…) khi bản án, quyết định được đề xuất, giới thiệu phát triển thành án lệ bị phát hiện sai, thậm chí bị kháng nghị hủy, sửa.

Như vậy, từ khi án lệ chính thức được thừa nhận là nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến nay, mặc dù, TAND Tối cao rất khẩn trương, tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thể chế, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển án lệ nhưng số lượng án lệ được phát triển chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trong khi các loại nguồn luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại nhất định.

Vì lẽ đó, việc nghiên cứu thực trạng phát triển án lệ của TAND Tối cao, chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ trong thời gian qua là vô cùng cần thiết, cấp bách. Với các nguyên nhân làm cho án lệ được công bố, nguồn án lệ chưa phong phú, tương xứng với số lượng vụ việc mà hệ thống TAND giải quyết hàng năm và giải pháp khắc phục được nêu trong bài viết, tác giả mong muốn góp phần nhỏ để hoàn thiện, phát huy giá trị của loại nguồn luật này trong thời gian tới.

(1) Vào ngày 07/9/2022, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua 04 án lệ nhưng Chánh án TAND Tối cao chưa ban hành Quyết định công bố. Cho nên, trong bài viết này chưa đề cập đến 04 án lệ này.

(2) Xem: 08 Quyết định về việc công bố án lệ của Chánh án TAND Tối cao từ năm 2016 cho đến nay, gồm: (1) Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016; (2) Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016; (3) Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017; (4) Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018; (5) Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09/9/2019; (6) Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020; (7) Quyết định số 276/QĐ-CA ngày 22/10/2020; (8) Quyết định số 42/QĐ-CA ngày 12/3/2021; (9) Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12/2021.

(3) Trong đó, có thể kể đến Chỉ thị số 04/2016/CT-CA ngày 30/5/2016 của Chánh án TAND Tối cao về tăng cường công tác phát triển và công bố áp dụng án lệ trong xét xử, Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 của TAND Tối cao về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử; Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 của TAND Tối cao về công tác phát triển án lệ.

(4) Xem: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao, “TAND Tối cao tổ chức Hội thảo công tác phát triển án lệ để sơ kết công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021”, tại địa chỉ:

https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND169434 [cập nhật ngày 27/4/2021]; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và dự thảo Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam”, tại địa chỉ: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND094734 [ngày 09/12/2019].

(5) Xem: Điều 6 Quyết định số 170/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 21/6/2021 của Chánh án TAND Tối cao ban hành Quy chế khen thưởng đột xuất trong TAND; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao, “TAND Tối cao tổ chức vinh danh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021 (đợt 1)”, tại địa chỉ: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND168820 [cập nhật ngày 27/4/2021].

(6) Xem: Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án của TAND Tối cao.

(7) Xem: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị “Tập huấn về kỹ năng soạn thảo bản án, quyết định của TAND”, tại địa chỉ:

https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND095216 [cập nhật ngày 16/12/2019].

(8) Theo khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013, “TAND Tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”

(9) Tính đến ngày 12/4/2021, đã có 1.021 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ (xem: Bảo thư, Hội thảo “Công tác phát triển án lệ”, tại địa chỉ: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/hoi-thao-%E2%80%9Ccong-tac-phat-trien-an-le%E2%80%9D [cập nhật ngày 27/4/2021]).

(10) Vấn đề này được TAND Tối cao kết luận tại Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 về công tác phát triển án lệ.

(11) Xem: Các Mục 2, 3 Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tại địa chỉ: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=204336.

(12) Xem: Mục 6 Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tại địa chỉ: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=204336.

(13) Bởi một số nguyên nhân sau: (1) Năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ của Thẩm phán công tác tại TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh có hạn chế nhất định so với Thẩm phán công tác tại TAND Cấp cao, Thẩm phán TAND Tối cao, mặc dù, không thể phủ nhận có trường hợp năng lực trình độ của Thẩm phán Tòa án cấp dưới có sự vượt trọi so với mặt bằng chung về trình độ năng lực của Thẩm phán cấp trên nhưng số lượng rất hạn chế; (2) Khả năng trình bày một bản án, quyết định để có thể phát triển thành án lệ của Thẩm phán công tác tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện chưa có sự đảm bảo; (3) Thực tiễn số lượng phán quyết của TAND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn phát triển thành án lệ chiếm tỉ lệ rất thấp chỉ 7,69% (04/52).

(14) Chẳng hạn, trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 cho đến nay, TAND Tối cao đã ban hành nhiều Công văn, Giải đáp nghiệp vụ, trong đó có thể kể đến một số văn bản quan trọng như: Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử; Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử; Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 về một số vấn đề về tố tụng hành chính; Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 về một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự; Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản; Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2020 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

(15) Chẳng hạn, Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TAND Tối cao hướng dẫn 22 vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hình sự (05 vấn đề), tố tụng hình sự (04 vấn đề), dân sự (03 vấn đề), tố tụng dân sự (10 vấn đề).

(16) Chẳng hạn, theo điểm d, khoản 1; điểm a, khoản 3, Điều 6, Quyết định số 170/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 21/6/2021 của Chánh án TAND Tối cao ban hành Quy chế khen thưởng đột xuất trong TAND, khi có có từ 02 bản án, quyết định trở lên trong năm được lựa chọn phát triển thành án lệ; có từ 02 đề xuất trở lên (ngoài các chỉ tiêu được giao trong năm), được HĐTP TAND Tối cao thông qua làm án lệ được đề nghị khen thưởng đột xuất.

(17) Tính đến ngày 06/9/2022, tổng nguồn án lệ là 1.531, trong đó, hình sự 334, hành chính 136, dân sự 726, hôn nhân gia đình 143, kinh doanh thương mại 161, lao động 28; của HĐTP TAND Tối cao 138, TAND Cấp cao 491, TAQS Trung ương 2, Tòa chuyên trách TAND Tối cao (trước đây) 306, TAND cấp tỉnh 216, TAND cấp huyện 376 (xem: Tổng số nguồn án lệ tại địa chỉ: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/nguonanle [cập nhật ngày 06/9/2022]).

(18) Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các Tòa án của TAND Tối cao, trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỉ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc); trong đó, năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỉ lệ 90,4%).

(19) Các lý do này được TAND Tối cao khẳng định tại Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 về công tác phát triển án lệ.

(20) Theo đó, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: (1) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (2) Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

(21) Theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND được ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TAND Tối cao, tủy theo tỉ lệ giải quyết án, lượng án tồn, án bị hủy, sửa mà Thẩm phán sẽ bị xem xét bằng nhiều hình thức khác nhau như: (1) kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị, (2) tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao, (3) bố trí làm công việc khác, (4) chưa xem xét hoặc không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán…

Thạc sĩ THÁI CHÍ BÌNH

TAND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Tội 'Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán'

Admin