Ảnh minh họa.
Giao dịch giữa người có liên quan về mặt bản chất là hiện tượng kinh tế được hình thành một cách khách quan, tuy nhiên trong trường hợp việc thực hiện giao dịch này được tiến hành bởi sự cố ý nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm thì lúc này giao dịch được xem là gây hại cho hệ thống ngân hàng và các chủ thể có liên quan. Vì vậy, để ngăn chặn được mối nguy hại này thì đòi hỏi cần phải kiểm soát được các giao dịch giữa người có liên quan tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Hiện nay, kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại các NHTM là một vấn đề cấp thiết mà cả pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài đều có sự quan tâm điều chỉnh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại mà loại giao dịch này mang lại. Các quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các NHTM tiến hành hoạt động cũng như bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng. Đó cũng chính là cơ sở để tùy vào tình hình thực tế mà các NHTM xây dựng cho mình các quy định nội bộ để hạn chế thấp nhất giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan gây ra.
Tuy nhiên, để hiểu được bản chất cũng như áp dụng hiệu quả được các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động kiểm soát các giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM thì việc hiểu và xác định được nội hàm và bản chất các nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật đối với việc kiểm soát các loại giao dịch này là rất quan trọng. Nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Nguyên tắc bảo đảm sự công bằng
Bảo đảm sự công bằng giữa các nhà đầu tư
Nhà đầu tư là người bỏ vốn vào ngân hàng, nhà đầu tư có thể là cổ đông, thành viên góp vốn hay thậm chí là chủ nợ của ngân hàng. Trong mối quan hệ giữa cổ đông và nhà đầu tư, xét cho cùng cổ đông cũng chính là các nhà đầu tư. Pháp luật các quốc gia trên thế giới nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đều định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn mô hình kinh doanh thích hợp nhằm tối đa hóa lợi ích và phù hợp với ý tưởng kinh doanh của mình.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), khi đánh giá về tình trạng bảo vệ nhà đầu tư của một quốc gia thì chắc chắn phải quan tâm đến ba vấn đề cơ bản sau đây: (i) Sự công khai hóa các thông tin về sở hữu trong công ty và tài chính của công ty; (ii) Bảo vệ cổ đông thiểu số; (iii) Năng lực thực thi pháp luật của tòa án và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Như vậy, pháp luật kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm được công bằng giữa tất cả các nhà đầu tư nói chung chứ không vì đặc quyền, đặc lợi của nhóm nhà đầu tư này mà hy sinh lợi ích của nhóm nhà đầu tư khác hay không thể quá tập trung bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số hoặc cổ đông lớn.
Bên cạnh đó, tại ngân hàng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, việc bị các nhà đầu tư lớn dùng quyền lực gây áp lực cũng là một yếu tố khiến họ bị đối xử bất bình đẳng. Các cổ đông lớn có trong tay sức mạnh quyền lực được tạo ra từ phần vốn góp trong ngân hàng, còn các cổ đông thiểu số với thẩm quyền ít ỏi của mình thì dù họ có nhận thức được việc mình bị chèn ép hay các quyền lợi đang bị xâm phạm, họ cũng đành cam chịu chấp nhận. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan thì yếu tố “niềm tin” của các nhà đầu tư sẽ bị sụt giảm, lúc này họ không còn mặn mà với việc đầu tư vốn. Khi đó sẽ dẫn đến trường hợp các nhà đầu tư rút vốn, ngân hàng có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vì thế, để bảo đảm sự công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư từ việc kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM được xem là mục tiêu hàng đầu và mang tính chiến lược.
Bảo đảm sự công bằng giữa các khách hàng
Đối với một khách hàng khi sử dụng dịch vụ của bất kỳ tổ chức nào, điều họ mong muốn nhất là được tổ chức đó đối xử bình đẳng với những khách hàng còn lại. Trong lĩnh vực ngân hàng cũng vậy, khi bảo đảm đủ các điều kiện của pháp luật, khách hàng sẽ được ngân hàng cho vay bình đẳng với các khách hàng khác trong các điều kiện về lãi suất, thẩm định hồ sơ vay vốn, chất lượng dịch vụ... Điều đó đồng nghĩa, nếu khách hàng A. và B. có các điều kiện như nhau thì ngân hàng C. phải cho A. và B. vay với cùng một lãi suất.
Việc các chủ thể có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ra lệnh cấp dưới cho người thân của mình vay với các điều kiện ưu đãi (lãi suất, thẩm định hồ sơ qua loa…) đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các khách hàng của cùng một ngân hàng. Điều đó có thể dẫn đến khách hàng không còn tin tưởng sử dụng dịch vụ của ngân hàng, khi không còn khách hàng, tức là ngân hàng sẽ có nguy cơ chấm dứt hoạt động. Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng giữa các khách hàng, pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM cũng đặt ra tiêu chí này trong việc điều chỉnh.
Bảo đảm công bằng giữa các NHTM
Tương tự như các nhà đầu tư hay các khách hàng thì giữa các ngân hàng trong cùng hệ thống cũng cần được bảo đảm sự công bằng. Bởi lẽ, các chủ thể trong giao dịch giữa người có liên quan có thể lách các quy định của pháp luật nhằm mục đích chi phối hay thâu tóm các ngân hàng mà họ nắm quyền kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến một trường hợp tiêu cực được ví nôm na là “người đỡ đầu”. Chẳng hạn, A. là một ngân hàng lớn trong khu vực, thông qua sở hữu chéo A nắm quyền kiểm soát B. là một ngân hàng nhỏ. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhờ kênh dẫn vốn từ A. vào B. mà B. trở thành một ngân hàng lớn mạnh; vì mục đích kinh doanh không lành mạnh, B. dựa vào nguồn tài trợ vốn từ A. đã tiến hành các hoạt động nghiệp vụ tác động vào ngân hàng C. (là một ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ), khiến C. lâm vào tình trạng không có khả năng chi trả, sau đó đã thâu tóm toàn bộ C. Như vậy, có thể nói rằng, chính A. là người giúp B. một tay có thể thâu tóm được C. dựa vào sức mạnh tài chính thông qua sở hữu chéo mà A. cung cấp, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các ngân hàng. Do đó, nguyên tắc bảo đảm sự công bằng giữa các NHTM bởi sự điều chỉnh của pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan được đặt ra trong những tình huống đã nói ở trên.
Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền
Bên cạnh những yếu tố tác động tới quyết định gửi tiền như lãi suất, chất lượng dịch vụ, uy tín của ngân hàng… thì đa số những người gửi tiền có tâm lý rằng liệu họ có được bảo đảm một cách hợp lý để được nhận lại tiền họ đã gửi khi họ muốn hay không, quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ như thế nào khi họ khó có thể kiểm soát được hành vi sử dụng tiền của ngân hàng, tiền gửi của họ có được sử dụng một cách hợp pháp không, hay các biện pháp bảo đảm nào các cổ đông ngân hàng và các nhà quản trị ngân hàng đưa ra để bảo đảm an toàn cho người gửi và giữ chân người gửi tiền...
Người gửi tiền là chủ thể có sự khác biệt so với các chủ nợ khác trên thị trường, họ hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đồng thời họ lại phải chịu phần lớn thiệt hại nếu tình trạng sức khỏe thực tế của ngân hàng xấu đi. Do đó, với bất kỳ sự điều chỉnh của pháp luật nào đối với tính an toàn của hệ thống ngân hàng thì nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền không thể không được các nhà làm luật chú trọng đến.
Nguyên tắc bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, tự do kinh doanh và lợi ích của NHTM
Môi trường kinh doanh tốt nhất đồng nghĩa với việc làm sao thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời chú trọng đúng mức đến các doanh nghiệp trong nước, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng cũng cần môi trường đầu tư công bằng để phát triển một cách lành mạnh. Vì vậy, thu hút được càng nhiều nhà đầu tư thì nền kinh tế sẽ càng phát triển và đem lại hiệu quả cao cho xã hội.
Giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM gây ảnh hưởng đến lợi ích ngân hàng, đồng thời có khả năng phá hoại sự bền vững của nền kinh tế vĩ mô. Do đó, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì nguyên tắc này rất quan trọng đòi hỏi các nhà lập pháp phải thực hiện theo đúng chính sách của Nhà nước. Đây cũng là yêu cầu xuất phát từ nguyên tắc tự do kinh doanh của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, khi vận dụng nguyên tắc này đòi hỏi các nhà làm luật cần phải cẩn trọng trong việc định ra các quy chuẩn kiểm soát, bởi lẽ nếu định ra các quy chuẩn quá khắt khe, quá chi tiết, quá sâu vào nội bộ ngân hàng có thể dẫn đến khả năng làm chậm lại các quyết định theo đuổi các cơ hội giao dịch hợp tác có lợi cho chính bản thân ngân hàng đó.
Nguyên tắc bảo đảm tính an toàn cho hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường
Trong nền kinh tế thị trường, NHTM chính là nơi "bơm" vốn vào nền kinh tế, giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội được tiến hành một cách suôn sẻ. Khi các NHTM hoạt động tốt sẽ giúp nền kinh tế quốc gia ổn định và phát triển thuận lợi. Nếu các NHTM hoạt động không tốt thì không những tác động xấu đến bản thân các NHTM này, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của cả hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp và thậm chí có thể ảnh hưởng dây chuyền lên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế. Như vậy, một hệ thống ngân hàng lành mạnh luôn được xem là nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia nhắm đến mục tiêu phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.
Xuất phát từ vai trò là một định chế tài chính trung gian nên bất cứ hành vi nào của NHTM cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bởi lẽ, hệ thống ngân hàng này vừa là công cụ chủ chốt để tập trung, phân phối vốn cho toàn bộ nền kinh tế, vừa là nhân tố rất quan trọng góp phần duy trì trạng thái cân bằng của kinh tế vĩ mô. Do vậy, để hạn chế những rủi ro do ngân hàng mang lại, bảo đảm tính an toàn cho hệ thống ngân hàng, pháp luật các quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam đặt nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu để điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng.
Nguyên tắc bảo đảm tính độc lập giữa chủ thể có thẩm quyền kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát
Chủ thể kiểm soát phải độc lập với đối tượng bị kiểm soát mới bảo đảm được sự khách quan, vô tư trong quá trình đánh giá, quản lý, điều hành kinh doanh của ngân hàng. Chủ thể kiểm soát phải độc lập về mặt tổ chức lẫn kinh tế để không chịu sự chi phối của các đối tượng bị kiểm soát. Đây là một nguyên tắc quan trọng mang tính rõ ràng, minh bạch trong hoạt động lập pháp của pháp luật nước ta. Bởi khi bảo đảm sự độc lập giữa chủ thể có thẩm quyền kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong quá trình kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp giữa những người có liên quan trong NHTM. Thực tế, vấn đề chi phối trong quá trình kiểm soát các giao dịch giữa những người có liên quan diễn ra khá phổ biến, điều này xuất phát bởi nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó phổ biến nhất vẫn là do xuất phát từ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Chính vì vậy, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng mà đòi hỏi các NHTM phải tuân thủ và đáp ứng được trong quá trình hoạt động để góp phần giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Kết luận
Nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh về vấn đề này. Đây sẽ là cơ sở để các nhà lập pháp, các NHTM có thể thực hiện tốt công việc, vai trò và hoạt động của mình cũng như góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Chính vì vậy, việc hiểu và xác định được các nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM là điều rất quan trọng và cấp thiết cần phải bảo đảm.
Tài liệu tham khảo: 1. Luật Các tổ chức tín dụng 2010. 2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. 3. Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 4. Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 5. Tạ Chương Lâm (2009), Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại tại Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. |
Thạc sĩ TRẦN LINH HUÂN
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. HCM
Thạc sĩ PHẠM THỊ THU THẢO
Công ty TNHH Vinacompass
Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị