LSVNO - Dù tỉnh Bến Tre lúc ấy chỉ có 18 Chi bộ với 182 đảng viên nhưng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên cuộc Đồng khởi “long trời, lở đất”.
Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở tỉnh Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi là sự vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả của 3 mũi giáp công: chính trị- quân sự- binh vận, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, Bác Hồ và các cấp ủy Đảng ở tỉnh Bến Tre.
Phong trào Đồng khởi Bến Tre 1960. Ảnh tư liệu.
Từ ngày 17/01/1960, phong trào Đồng Khởi Bến Tre diễn ra đầu tiên và rất khí thế ở các xã Định Thủy- Phước Hiệp- Bình Khánh, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) do bà Nguyễn Thị Định thời điểm đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chỉ huy. Lực lượng ta đã đứng lên bao vây đồn bốt, bắt, trừng trị những tên ác ôn và thu nhiều vũ khí của kẻ thù.
Sau đó, phong trào Đồng Khởi đã sôi sục, lan rộng ra các địa phương khác của tỉnh Bến Tre như Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri… và giành được nhiều thắng lợi. Từ ngày 17 - 24/01/1960, ở 47 xã của huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), lực lượng nổi dậy đã tiêu diệt 37 đồn bốt, bắt 300 tên địch, thu 150 súng và nhiều đạn dược; giải phóng hoàn toàn 22 xã và 18 ấp.
Từ phong trào Đồng Khởi Bến Tre, các cuộc nổi dậy chống chính quyền tay sai lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Đến cuối năm 1960, ở nhiều nơi, quân dân ta đã giành được quyền làm chủ. Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre 1960 đã phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, là mũi đột phá, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công địch, giành thắng lợi.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định - một trong những người chỉ huy phong trào Đồng khởi Bến Tre 1960. Ảnh tư liệu.
Theo ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, để phong trào Đồng khởi Bến Tre thắng lợi từ ngày 01 - 03/01/1960, Tỉnh ủy Bến Tre do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Định chủ trì tổ chức hội nghị để triển khai Nghị quyết 15 của TW, chủ trương của Khu ủy Nam bộ về việc tổ chức chu đáo mọi điều kiện cần thiết cho phong trào Đồng khởi. Dù tỉnh Bến Tre lúc ấy chỉ có 18 Chi bộ với 182 đảng viên nhưng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên cuộc Đồng khởi “long trời, lở đất”.
"Để phong trào Đồng khởi đảm bảo thắng lợi, Hội nghị đã dành nhiều thời gian bàn về yêu cầu, mục đích nổi dậy, xây dựng lực lượng, phương pháp nổi dậy, khẩu hiệu hành động. Điểm mấu chốt là phải tin, dựa vào lực lượng quần chúng, phát động quần chúng nổi dậy: đồng lòng, đồng loạt, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Với nhiều hình thức nghi binh, nghi trang của Tiểu đoàn 502 trong điều kiện tỉnh chưa có lực lượng vũ trang tập trung. Đồng thời, kết hợp với cơ sở nội tuyến, bứt hàng, bứt rút đồn bốt của địch. Sau hội nghị, công tác chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Nghị quyết được truyền đạt rộng rãi đến nhân dân thông qua cán bộ đảng viên nên ta đã dành được thế chủ động bất ngờ", ông Trần Ngọc Tam nhớ lại.
Tại hội thảo Phong trào Đồng khởi Bến Tre 1960 tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng ta, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; đó là thắng lợi của đức hy sinh, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng lực vận động quần chúng, tổ chức lực lượng của các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt tại Bến Tre, việc cài cắm lực lượng ta vào các tổ chức nội tuyến đã phát huy hiệu quả làm cho địch không kịp trở tay.
Đại tá Phan Văn Thậm, tức ông Tư Định (86 tuổi, ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre - nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi nhớ lại, năm 1958, ông được tổ chức phân công tham gia nội tuyến, hoạt động trong lòng địch, học tập cách sử dụng vụ khí, nắm tình hình nội bộ, âm mưu, thủ đoạn của địch báo ra bên ngoài để bảo vệ cán bộ. Ngày 17/01/1960, được sự chỉ đạo của cấp trên, ông tham gia phong trào Đồng khởi tại ấp Thanh Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày), nhanh chóng chiếm đóng công sở, kêu gọi tiểu đội dân vệ đầu hàng, thu 12 khẩu súng.
Hồi tưởng lại giai đoạn hoạt động bí mật trong lòng địch, ông Phan Văn Thậm chia sẻ: "Nhiều đồng chí hoạt động rất khó khăn, phải bố trí phân tán ở các ấp, cài cắm làm nội tuyến trong hàng ngũ địch, nhưng vẫn hoạt động tích cực. Đây cũng là cơ sở vô cùng quan trọng để lãnh đạo nhân dân nổi dậy khi có điều kiện. Cơ sở nội tuyến nhận sự chỉ đạo thường xuyên của chi bộ, mọi hoạt động đều đảm bảo bí mật và an toàn".
Hội nghị 15 mở rộng của BCH TW Đảng vào tháng 1/1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam; chuyển sang cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, thắng lợi cuối cùng sẽ về ta; trong đó phải sử dụng bạo lực cách mạng từ đội quân chính trị và vũ trang, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu. Quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh, tạo nên phong trào Đồng khởi từ Bến Tre đến trên khắp miền Nam, phá vỡ một mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế khủng hoảng, bị động về chiến lược, đồng thời góp phần làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội thảo Bến Tre Đồng Khởi.
Trong bài phát biểu tại hội thảo Bến Tre Đồng khởi, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi là minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ thông qua Nghị quyết lần 15 của BCH TW khóa 2. Nghị quyết đã chỉ rõ: con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Và con đường đó là: lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của Đế quốc, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân. Có thể nói Nghị quyết 15 đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam, nguyện vọng của nhân dân miền Nam lúc đó.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 ở Bến Tre cũng như vùng ĐBCSL còn là kết quả của tinh thần gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; sự gắn bó "quân dân - cá nước". Trong giai đoạn lịch sử ấy, cán bộ, đảng viên được quần chúng nhân dân cưu mang, đùm bọc đã qua mắt được kẻ thù, cơ sở hoạt động không bị bại lộ.
Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân - Phó Chính ủy Quân khu 9 cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân thì không thể làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ. Phong trào Đồng khởi đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, song âm hưởng và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
"Muốn dân tin Đảng thì trước hết mọi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của mình. Thực tế phong trào Đồng khởi 1960 ở ĐBSCL đã chứng minh rõ điều đó. Trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, kiên trung bất khuất, bám dân, lăn lộn, sống chết cùng nhân dân để chỉ đạo phong trào, để vận động quần chúng. Chính vì vậy, ngay những lúc cách mạng khó khăn nhất, tưởng chừng khó vượt qua nổi nhưng lòng tin của nhân dân với Đảng vẫn không phai mờ mà càng sâu sắc”, Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân khẳng định.
Đã 60 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 ở tỉnh Bến Tre cũng như toàn miền Nam đến nay vẫn còn nguyên bài học giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Phong trào Đồng khởi là sức mạnh tổng hợp, là chiến công lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những bài học sâu sắc, quý báu của Đảng và quân đội ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để tiếp tục làm nên cuộc “Đồng khởi mới”; góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nhật Trường(VOV)