Ảnh minh họa.
Hôm nay, ngày 25/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc phẩm để xem xét kháng cáo của các bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu".
Đáng chú ý, trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã nhận tội, đồng thời tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Cùng với đó, bị cáo Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Trước đó, trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Hưng liên tục kêu oan, bác bỏ toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố. Ông Hưng khẳng định, bản thân không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không nhận khoản tiền đặc biệt lớn từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng thông qua bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, để giúp đỡ bị cáo Hằng và bị cáo Lê Hồng Sơn trong quá trình điều tra vụ án.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội nhận định, đủ căn cứ xác định bị cáo Hoàng Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỉ đồng) và đã quyết định tuyên phạt bị cáo này mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không phạm tội. Tuy nhiên, trước ít ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Hưng đã thay đổi quan điểm trước những cáo buộc, quy kết của cấp sơ thẩm.
Căn cứ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt
Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, việc bị cáo nhận tội, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Về nguyên tắc phạm vi xét xử phúc thẩm là chỉ xem xét phần nội dung bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu có thêm tình tiết mới có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc có thêm những tình tiết có ý nghĩa được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm thường sẽ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để giảm một phần hình phạt cho bị cáo. Có những trường hợp bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mặc dù không có tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm nhưng xét tính chất mức độ hành vi phạm tội và đánh giá hậu quả xảy ra, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử như vậy là quá nghiêm khắc chưa phù hợp, chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi nhân thân và hậu quả xảy ra thì cũng có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo trong giai đoạn này.
Vì vậy, với một số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mặc dù không có thêm tình tiết mới thì vẫn có cơ hội để Tòa án xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt nếu xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt như vậy là quá nghiêm khắc.
Theo Luật sư Cường, trong vụ án này đối với các bị cáo mà giai đoạn sơ thẩm chưa thành khẩn khai báo, giai đoạn phúc thẩm thực sự thành khẩn ăn năn hối cải thì cũng là một trong những tình tiết Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt trong trường hợp xác định bị cáo có tội. Ngoài ra với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng là tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ một hình phần hình phạt ở cấp phúc thẩm.
Trong tố tụng hình sự, thực tiễn có rất nhiều bị cáo giai đoạn sơ thẩm kêu oan nhưng giai đoạn phúc thẩm thì thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả để có tình tiết xin giảm nhẹ một phần hình phạt. Kinh nghiệm kỹ năng tranh tụng cho thấy, muốn giảm hình phạt ở giai đoạn cấp phúc thẩm thì phải có những tình tiết mới hoặc họ đánh giá lại tính chất mức độ hành vi phạm tội so với đánh giá của Tòa án cấp sơ thẩm. Trong đó, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì có nhiều cơ hội để được giảm hình phạt (trừ những vụ án về các tội "Giết người", vụ án ma túy hoặc tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia).
Phân tích thêm, Luật sư Cường nhấn mạnh, về nguyên tắc chung của pháp luật, lời nhận tội của bị can, bị cáo không phải căn cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội của bị can bị cáo chỉ được coi là chứng cứ buộc tội nếu như lời nhận tội đó phù hợp với các tình tiết chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Và bị cáo kêu oan, không nhận tội thì cũng không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật, bị cáo không có nghĩa vụ phải nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có tội...
Nếu bị cáo nhận tội nhưng về mặt lý luận liên quan đến cấu thành tội phạm, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị cáo nhận tội thay cho người khác thì cơ quan tố tụng cũng không thể sử dụng lời khai nhận tội để buộc tội. Bởi vậy, lời khai nhận tội thì không phải là yêu tố quyết định bị cáo có tội hay không theo nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung".
Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về lời khai của bị can, bị cáo như sau: Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án. "Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội".
Mặc dù lời nhận tội của bị can bị cáo không phải là bắt buộc, không phải là tình tiết tăng nặng, tuy nhiên có ý nghĩa để đánh giá nhận thức, thái độ khai báo, khả năng cải tạo giáo dục của bị cáo. Trong trường hợp bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng không nhận thức được hành vi của mình, không thành khẩn ăn năn hối cải mà Tòa án kết tội bị cáo thì đương nhiên sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc, kéo dài thời gian cải tạo giáo dục hơn so với bị cáo đã thành khẩn ăn năn, đã nhận thức được hành vi của mình. Vì thế, mặc dù không nhận tội không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhận tội không phải là căn cứ để buộc tội nhưng trường hợp bị cáo có tội thì lời khai nhận tội, thái độ ăn năn hối cải là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đến loại và mức hình phạt.
Điều 50 Bộ luật Hình sự quy định việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quyết định hình phạt phải phù hợp đối với từng hành vi, từng hoàn cảnh, từng đối tượng sao cho hình phạt thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ý nghĩa trong việc giáo dục và đảm bảo có thể răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Liên quan đến vấn đề bị cáo xin xét xử vắng mặt tại giai đoạn phúc thẩm, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
"2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.". |
Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định sự có mặt của người kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm như sau:
"b) Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự;
c) Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.
2. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định triệu tập những người khác tham gia phiên tòa".
Như vậy, theo quy định của pháp luật, bị cáo cũng có thể vắng mặt tại phiên tòa và Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo. Việc bị cáo xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo, tuy nhiên Tòa án cấp phúc thẩm có cho phép bị cáo vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của Hội đồng xét xử về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
DUY ANH