LSVNO - TP. HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn căn hộ tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nhưng đến nay hầu hết bị bỏ hoang và đang trên đà xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều người dân xung quanh cũng như nhiều lao động nghèo có nhu cầu về nhà ở thì không được tạo điều kiện.
Hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí?
Khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B (tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM) được khởi công từ năm 2008 và đưa vào sử dụng năm 2011. Dự án có tổng diện tích hơn 30,9 ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ.
Chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị TP. HCM. Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc chương trình nâng cấp đô thị và các dự án khác của thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, đến nay mới chỉ có khoảng 25% hộ dân di dời đến ở tại khu TĐC Vĩnh Lộc B và được phân bổ không tập trung trên 23 lô; hiện vẫn còn 22 lô bỏ trống giữa hệ thống hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, thiếu trước, hụt sau. Tính đến 28/11/2017, dự án mới bố trí được 479/1.939 căn hộ, đạt 24,7%.
Các hộ dân Khu tái định cư Vĩnh Lộc B đang phản ánh sự việc cho phóng viên.
Theo quan sát của phóng viên, tại các lô chung cư không người ở thì các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, rong rêu bám đầy tường, cỏ hoang mọc khắp lối đi, sân nhà, rác thải cũng không người dọn dẹp...
Các tòa nhà cũng chung tình trạng khi xuất hiện nhiều vết nứt, kính vỡ, tầng trệt hư hỏng… Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn tiền ngân sách và quỹ đất của TP. HCM. Trong khi đó, nhiều người dân, các lao động nghèo đang rất cần có chỗ ở để ổn định cuộc sống.
Ngoài việc xây dựng quá nhiều căn hộ thì nguyên nhân bố trí chỗ ở tại khu TĐC không đạt. Bởi người dân không chấp nhận phương án chính quyền đưa ra (quá xa trung tâm, hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh, khu vực TĐC khó kiếm việc làm, phát sinh khiếu kiện kéo dài…).
Một trong các đối tượng được bố trí đó là các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án Đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1).
Chính vì vậy, nhiều người dân được bố trí TĐC tại đây sau đó đã sang nhượng lại cho người có nhu cầu về nhà ở hoặc những người lao động nghèo…
Nên có cơ chế bán lại cho người có nhu cầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hộ dân dân được bố trí các căn hộ TĐC chỉ miễn cưỡng nhận nhà. Sau đó, họ tiến hành sang nhượng lại cho người khác sử dụng vì nhiều lý do.
Tại 2 Block B2.5 và B2.6 có gần 40 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu đã mua lại các căn hộ theo hình thức thuê mua khấu hao 30 năm và sinh sống ở đây được 5 năm. Họ mua lại từ những hộ gia đình được bố trí TĐC thuộc dự án Đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1). Việc mua bán này được các hộ dân lập dưới hình thức là Hợp đồng (HĐ) ủy quyền được công chứng.
Nhiều căn hộ tái định cư lúm sụt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Công ty TNHH Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh (Đơn vị được giao quyền quản lý, vận hành khu TĐC) đã yêu cầu các hộ dân nơi đây liên hệ với Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp và các cơ quan ban ngành quận Gò Vấp. Lý do đơn vị này đưa ra yêu cầu xem xét các hộ dân có đủ điều kiện giải quyết cho thuê mua nữa hay không.
Lo sợ trước viễn cảnh bị “đuổi ra đường” bất cứ lúc nào, người dân đang sinh sống tại 2 Block này đã nhiều lần gửi đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Nội dung đơn đề nghị xin được chuyển đổi từ hình thức thuê căn hộ khấu hao 30 năm sang hình thức mua trả chậm hoặc trả góp 15 năm. Tuy vậy, nhiều tháng trôi qua vẫn không nhận được câu trả lời khiến họ vô cùng hoang mang, lo lắng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ căn hộ 4.10 lô B2.5), cho biết: “Năm 2015, gia đình tôi ký HĐ thuê mua căn hộ 4.10 với ông Phạm Quốc Thuần (chủ sở hữu căn hộ TĐC nói trên) theo dạng HĐ ủy quyền toàn quyền quản lý sử dụng với giá 145 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, Công ty TNHH Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh đã thông báo cho chúng tôi biết không được tái ký HĐ thuê mua căn hộ mà tôi đang sử dụng. Tương tự như gia đình tôi, gần 40 hộ gia đình đang sinh sống tại block B2.5, B2.6 cũng có nguy cơ bị đuổi ra đường bất cứ lúc nào”.
Quanh khu chung cư có nhiều căn hộ lún, nứt, rêu cỏ mọc đầy.
“Để đảm bảo quyền lợi và tránh lãng phí tiền ngân sách nhà nước, chúng tôi mong muốn được chuyển từ hình thức thuê căn hộ khấu hao 30 năm sang hình thức mua trả chậm, trả góp 15 năm. Như vậy, chúng tôi có thể an tâm sinh sống theo chủ trương của UBND TP. HCM. Tại công văn 3898 (ngày 23/6/2017), lãnh đạo thành phố đã nói rất rõ: “Giải quyết bán trả chậm, trả góp căn hộ TĐC đối với các trường hợp không đủ điều kiện TĐC đã được bố trí cho thuê căn hộ TĐC nhưng có nhu cầu chuyển từ hình thức thuê căn hộ TĐC theo giá khấu hao 30 năm sang mua trả chậm, trả góp với thời hạn tối đa là 15 năm…”, ông Nguyễn Thành Chung (ngụ căn hộ số 10.1 B2.6) cho biết thêm.
Hiện tại, các hộ dân đang sinh sống tại block B2.5, B2.6 đa phần là người lao động nghèo, người già, trẻ em và người mất sức lao động.
Vì vậy, họ cần được ưu tiên giúp đỡ để ổn định cuộc sống, góp phần vào việc ổn định kinh tế xã hội của địa phương trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Lãnh đạo TP. HCM đang hướng tới.
Liên quan đến vấn đề dư thừa nhà TĐC, tại buổi họp báo định kỳ ngày 16/3/2018, lãnh đạo Sở Xây dựng TP. HCM cũng cho biết, hiện thành phố còn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư để trống. Sẽ sử dụng hơn 5.200 căn hộ và nền đất TĐC bán đấu giá, trong đó có 1.000 căn tại khu TĐC Vĩnh Lộc B. Thế nhưng, không biết vì lý do gì đến nay chủ trương này vẫn chưa được triển khai.
Còn theo Kiểm toán Nhà nước đã công bố và cho rằng TP.HCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất TĐC dôi dư.
Như vậy, việc các hộ dân của 2 block B2.5, B2.6 đề nghị được mua trả chậm, trả góp 15 năm tại khu TĐC Vĩnh Lộc B là có cơ sở; các cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết đúng theo chủ trương của lãnh đạo TP. HCM.
Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hồng Điệp - Lưu Bình – Phạm Sinh