Nhiều điểm mới tại dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

17/03/2021 08:19 | 3 năm trước

(LSVN) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc, cấp bộ, ngành, tỉnh, cấp cơ sở; bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”...

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004 và đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2013. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi để hoàn thiện hơn các quy định của Luật cho phù hợp với thực tiễn như:

- Việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất.

- Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất;

- Một số quy định về thủ tục, hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, thành phần số lượng hồ sơ còn nhiều; quy định thủ tục một số loại hình khen thưởng chưa hợp lý.

Do vậy, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị được nêu tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của Luật Thi đua, khen thưởng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc, cấp bộ, ngành, tỉnh, cấp cơ sở; bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”...

Về danh hiệu Chiến sĩ thi đua (cấp toàn quốc; cấp bộ, ngành, tỉnh; cấp cơ sở) 

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; bổ sung tiêu chuẩn “có đề án khoa học” vì trên thực tế có nhiều cá nhân có Đề án nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu và được áp dụng có hiệu quả; bỏ từ “nhất” trong cụm từ “tiêu biểu xuất sắc nhất”, vì trên thực tế việc so sánh, đánh giá tiêu biểu “nhất” giữa các cá nhân trong bộ, ngành, địa phương chưa có tiêu chí chung để thực hiện, nhất là đối với các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc cá nhân xét tặng danh hiệu thi đua gồm nhiều đối tượng khác nhau (công nhân, nông dân, công chức) trong cùng một địa phương.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề án khoa học, đề tài khoa học đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh” (Điều 19 và Điều 20) và thẩm quyền công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề án khoa học, đề tài khoa học. Nội dung nêu trên đã được quy định tại Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành và thực hiện có hiệu quả thời gian qua, vì vậy đề nghị quy định vào Luật để có tính pháp lý cao hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 27). Việc bổ sung danh hiệu thi đua này xuất phát từ thực tế tại địa phương đã thực hiện tặng danh hiệu thi đua này trong nhiều năm, đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện và để thực hiện chủ trương của Đảng là khen thưởng tập thể nhỏ và hướng về cơ sở.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn về khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất được quy định tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật về công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”; Huân chương Lao động hạng Nhất (khoản 2 Điều 40), Huân chương Lao động hạng Nhì (khoản 2 Điều 41), Huân chương Lao động hạng Ba (Khoản 2 Điều 42); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (khoản 2 Điều 72), Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh (khoản 2 Điều 73) thực hiện chủ trương của đảng về chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng (từ Điều 33 đến Điều 36 và Điều 40, Điều 41, Điều 42); bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Hữu nghị (Điều 51), Huy chương Hữu nghị (Điều 56) để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về khen thưởng đối ngoại theo Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và để phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.

Bổ sung quy định mức độ đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đoàn thể đối với tập thể khi đề nghị khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công để phù hợp với quy định về xếp loại tổ chức đảng hiện nay (từ Điều 32 đến Điều 39).

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được đối với cá nhân từ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thành “hoàn thành tốt nhiệm vụ” đối với các hình thức Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 73), Bằng khen Chính phủ (Điều 72), Huân chương Lao động hạng Ba (Điều 43), Huân chương Lao động hạng Nhì (Điều 41) để phù hợp với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Bổ sung tiêu chuẩn về thời gian khi xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ nhân dân dân”, cá nhân phải có thời gian được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân ưu tú” thời gian từ 06 năm trở lên (Điều 62, 63, 64, 65) để cá nhân có thời gian tiếp tục phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

HỒNG HẠNH

Tiền ảo có thể được xem là tài sản?