LSVNO - Ngày 14/02/2020, tại Hà Nội, Trung tâm Unesco Khoa học pháp lý và quyền tác giả Việt Nam phối hợp với họ Phan Việt Nam tổ chức buổi Lễ dâng hương tri ân “Tổ nghề” Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường.
Đoàn dâng hương tại lăng mộ Tiến sĩ. Luật sư Phan Văn Trường.
Tham dự buổi lễ có Luật sư Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Unesco Khoa học pháp lý và quyền tác giả Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư và đông đảo con, cháu họ Phan.
Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩ nhân văn sâu sắc “nhớ về cội nguồn”, là dịp để giới luật sư Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đến “Tổ nghề” Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường – người đầu tiên đặt “nền móng” cho nghề luật sư ở Việt Nam.
Đồng thời, cũng là hoạt động trong chuỗi hoạt động của đội ngũ luật sư cả nước nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2020).
Buổi lễ dâng hương diễn ra với các hoạt động: Dâng hương tri ân tại lăng mộ Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường và tại Nhà thờ họ Phan, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Cách đây hơn 05 năm, Trung tâm Unesco Khoa học pháp lý và quyền tác giả Việt Nam đã xây dựng Đề án “Tôn vinh Tổ nghề luật sư Việt Nam” với hai nội dung quan trọng, là: Có ngày giỗ tổ tại từ đường họ Phan Việt Nam và Giải thưởng Phan Văn Trường.
Hiện nay, đề án này đã được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương để công nhận, dự kiến trong năm nay sẽ có kết quả. Đây là dự án đánh dấu mốc son chói lọi để hàng năm giới luật sư Việt Nam có ngày giỗ Tổ như các ngành nghề khác ở Việt Nam”.
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính chia sẻ tình cảm của mình đối với Luật sư Phan Văn Trường.
Trước nhà thờ họ Phan, Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính (người từng du học tại Trường Đại học Sorbonne, Paris - nơi Luật sư Phan Văn Trường từng theo học) chia sẻ: “Một học giả người Pháp Pierre Brocheux có dành một từ cho cụ Phan Văn Trường là “một nhân cách phi thường” với bằng chứng là: Người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiễn sĩ Luật tại Đại học Luật Khoa Paris; người Việt Nam đầu tiên được kết nạp vào Đoàn luật sư Paris; người Việt Nam đầu tiên giảng dạy tiếng Việt tại Trường ngôn ngữ phương Đông; người đầu tiên lãnh đạo một tờ báo chính trị; người tù chính trị Việt Nam đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên có tư tưởng mac-xit.
Cụ cùng với 4 người: Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền đã thành lập nên nhóm Ngũ Long để cùng nhau tìm cách tranh đấu vì sự độc lập tự do của đất nước. Cụ được coi như người soạn thảo chính bản Yêu sách của người dân An Nam để Nguyễn Ái Quốc trình bày trước Hội nghị Hòa Bình ở Versailles.
Đoàn làm lễ bái tế Luật sư Phan Văn Trường tại nhà thờ họ Phan.
Như vậy, thế hệ luật sư trẻ chúng tôi giờ đây thấy được từ cụ tấm gương của một người trí thức quên thân. Mới thấy được sự cao quý của nghề luật sư. Nghề luật sư không chỉ là một phương tiện kiếm sống mà nếu biết sử dụng nó thì người luật sư còn đóng góp được rất nhiều cho đất nước.
Giờ đây, giới luật sư không còn phải đấu tranh giành độc lập như thời cụ Phan Văn Trường. Tuy nhiên, đất nước vẫn luôn cần đến sự đóng góp của giới luật sư. Đó là đóng góp để hoàn thiện hệ thống pháp luật vốn vẫn còn rất nhiều bất cập; đó là đóng góp để đấu tranh với những hành động vi phạm chủ quyền; đó là đóng góp để chống lại những điều xấu, điều ác trong xã hội,...”.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với con, cháu Luật sư Phan Văn Trường.
Có thể thấy, Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường là luật sư tiên phong trong nghề luật sư tại Việt Nam. Với học thức uyên bác, tinh thông, lòng yêu nước sâu sắc ông là một trong những tấm gương sáng, là niềm tự hào cho các thế hệ luật sư noi theo.
Luật sư Phan Văn Trường (1876 - 1933) ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Năm 1908, ông lên đường sang Pháp theo học ngành Luật tại Đại học Sorbonne, Paris, rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ và hành nghề luật sư, ông trở thành Tiến sĩ Luật học và là luật sư đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1912, ông hoạt động tại Đoàn luật sư Paris và hành nghề ở Tòa Thượng thẩm. Chủ nhiệm Đoàn luật sư là một người Pháp tiến bộ, rất tin tưởng tài năng và đức độ của ông, kính trọng một luật sư người Việt xuất sắc, ham học.
Năm 1917, Phan Văn Trường cùng với Nguyễn Ái Quốc thành lập và chỉ đạo “Hội những người Việt Nam yêu nước”. Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles. Chính Phan Văn Trường là người công bố Bản yêu sách bằng tiếng Pháp trên các báo ở Paris - một văn bản có giá trị khiến Chính phủ Pháp phải bối rối.
Cuối năm 1919, ông sang Mayence (Đức) làm Luật sư và thỉnh thoảng mới trở về Paris.
Cuối năm 1923, ông từ bỏ tất cả về nước tiếp tục đấu tranh cho độc lập dân tộc. Ông kết hợp giữa pháp lý với báo chí để chiến đấu. Ông đã tham gia một số hoạt động trong Ban nghiên cứu thuộc địa và viết nhiều bài đăng báo Le Paria (Người cùng khổ) - tờ báo do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Ngày 21/7/1927, ông bị bắt và khám nhà với tội danh "Kích động dân bản xứ nổi loạn". Tuy nhiên, do không có bằng chứng nên ông được tại ngoại. Từ đó, Phan Văn Trường không tham gia chủ nhiệm báo L'Annam mà tham gia Đoàn luật sư Nam Kỳ.
Ngày 27/3/1928, Tòa án Sài Gòn xử tội ông 2 năm tù. Ông chống án sang Pháp. Tháng 8/1929, Tòa Thượng thẩm Paris xử y án. Ông bị giam tại nhà lao ở Pháp đến năm 1931 mới mãn hạn tù và trở về Sài Gòn.
Năm 1933 ông quay ra Hà Nội để thăm gia đình và thị sát tình hình chính trị ở miền Bắc, nhưng ngã bệnh và qua đời ngày 22/4/1933.
Đoàn Vĩnh