LSVNO - Ngày 23/11, sau hai ngày xét xử phúc thẩm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ” giữa một người bệnh với Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, TAND TP. Cần Thơ tạm hoãn phiên tòa để làm rõ chứng cứ. Vụ kiện thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều vấn đề trong khám chữa bệnh. PV Luật sư Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đại diện theo ủy quyền của Bệnh viện tại tòa.
Thưa Luật sư, sự việc từ chữa bệnh dẫn đến vụ kiện như thế nào?
Trả lời: Ngày 06/12/2011, chị Hứa Cẩm Tú (sinh năm 1975, ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, Cần Thơ) được bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Quá trình mổ xảy ra tai biến chuyên môn nên chuyển sang mổ hở và do thận móng ngựa dính vào nhau nên cắt hết 2 quả thận của chị Tú. Sau đó, chị Tú được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật ghép thận. Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ hỗ trợ tiền cho chị đi ghép thận và tiền hàng tháng. Đến tháng 5/2013, Bệnh viện ngưng hỗ trợ thì chị Tú khởi kiện yêu cầu bồi thường một lần hơn 707 triệu đồng, cùng kèm hàng tháng 7,6 triệu đồng. Phiên xét xử sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) ngày 29/6/2017, buộc Bệnh viện bồi thường cho chị một lần hơn 302 triệu đồng và tiền hỗ trợ hàng tháng 5,8 triệu đồng cho tới cuối đời. Bệnh viện kháng án, vì thấy bản án sơ thẩm vi phạm về tố tụng, nội dung trái pháp luật.
Tại phiên phúc thẩm, trước khi tạm hoãn, hai bên thỏa thuận được điều gì không?
Trả lời: Bệnh viện đồng ý hỗ trợ cho chị Tú một lần 200 triệu đồng, hỗ trợ khám và điều trị cho chị suốt đời. Ông Nguyễn Thiện Trí, chồng và là người đại diện theo ủy quyền của chị Tú yêu cầu phải hỗ trợ thêm tiền hàng tháng 5,8 triệu đồng cho tới cuối đời. Theo Luật sư Lê Quang Vũ, người đại diện cho chị Tú cho rằng, chị còn phải đối diện với nhiều biến chứng tiềm tàng nên cũng yêu cầu Bệnh viện trợ cấp hàng tháng. Tôi cho rằng, yêu cầu của nguyên đơn chưa phù hợp.
Luật sư Nguyễn Trường Thành
Thưa Luật sư, căn cứ vào đâu để đánh giá chưa phù hợp?
Trả lời: Chị Tú bị thận móng ngựa, một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, cả nước mới gặp 2-3 ca mổ trong hơn 30 năm, còn tại Cần Thơ đây là trường hợp đầu tiên. Dị tật làm hai quả thận dính lại thành một, khiến thực tế, chỉ Tú chỉ có 1 thận là thận móng ngựa. Cái thận móng ngựa di tật này, phần bên trái đã chướng nước, cần cắt bỏ và xử lý mổ là hoàn toàn đúng. Khi mổ, các bác sĩ đã cắt bỏ phần thận chướng nước, thì máu chảy nhiều, không cầm được nên cắt phần thận dính với thận chướng nước để cứu chị Tú. Trong mổ phải truyền 3 đơn vị máu. Nếu bình thường sẽ không bao giờ cắt cả hai thận được vì 2 thận nằm tách biệt xa nhau 2 bên cột sống. Như thế, thực tế đã cắt bỏ nhầm phần thận bên phải của thận móng ngựa. Đây là tai biến chuyên môn trong quá trình điều trị, không phải sai sót chuyên môn.
Luật sư có thể giải thích thêm “tai biến chuyên môn” và “sai sót chuyên môn”?
Trả lời: Luật Khám bệnh, Chữa bệnh có quy định rõ trường hợp này, là cấp cứu nhưng do chưa có qui định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh thì đó là tai biến chuyên môn. Biên bản họp Hội đồng Chuyên môn số 118/BB-BVCT ngày 15/12/2011, của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng xác định đây là tai biến chuyên môn. Bởi vì, ca phẫu thuật đã thực hiện các qui định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Do chưa bao giờ gặp trường hợp này nên “bác sỹ chẩn đoán hình ảnh chưa nhận định được thận hình móng ngựa”; còn phẫu thuật viên “chưa nhận định được thận hình móng ngựa trước và trong lúc mổ, nên cắt lấy hết thận (nghĩ thận trái là thận đôi và còn thận phải). Đây là trường hợp dị tật hiếm gặp”.
Hội đồng Chuyên môn có nhà chuyên môn nào ngoài Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ không?
Trả lời: Có mời ba cố vấn chuyên môn ở các trường đại học, bệnh viện lớn của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh. Các cố vấn chuyên môn đều khẳng định đây là dị tật hiếm gặp. PGS.TS Vũ Văn Chuyên - Chủ tịch Hội thận - Tiết niệu Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ (2/1) mà phẫu thuật viên chưa gặp lần nào nên dễ mắc sai lầm như trường hợp này”. Ca phẫu thuật đã làm đúng các yêu cầu trong khám và chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến với chị Tú, vì bệnh chưa có quy định chuyên môn, xảy ra trường hợp bất khả kháng.
Y khoa trên thế giới đánh giá tai biến chuyên môn như thế nào thưa Luật sư?
Trả lời: Y khoa là một ngành khoa học với mục tiêu chăm sóc sức khỏe con người. Y khoa chữa bệnh nhưng luôn có tỉ lệ tai biến, chiếm khoảng 5-15% số người bệnh. Tại Mỹ hàng năm có hàng trăm ngàn trường hợp bị tai biến y khoa, nguyên nhân có nhiều, trong đó có cả do người bệnh (cơ địa, bệnh mới, bệnh nặng, khó…). Tai biến y khoa không loại trừ ai, cả thầy thuốc, người nhà thầy thuốc cũng là nạn nhân của tai biến y khoa. Tai biến y khoa có thể hạn chế chứ không thể loại bỏ hoàn toàn, đó là sự thật. Với những trường hợp hiếm gặp, không có qui trình chuyên môn điều trị sẽ dễ xảy ra tai biến vì hiểu biết của con người là giới hạn. Khi người bác sĩ làm hết tâm sức, thực hiện đúng các quy định chuyên môn mà vẫn xảy ra tai biến thì đây là tai biến chuyên môn, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh cũng đã nói rõ. Về trường hợp chị Tú, sau khi sự việc xảy ra, nhiều giáo sư đã phát biểu trên báo và đài nói rõ, đặc biệt khó chẩn đoán, chuyện cắt hết thận của người thận móng ngựa hoàn toàn có thể xảy ra. Chẳng hạn phát biểu của PGS.TS Phạm Minh Thông, PGĐ kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai.
Bản án sơ thẩm cũng căn cứ Biên bản của Hội đồng Chuyên môn ngày 15/12/2011, cho rằng bác sỹ chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật viên không nhận định được thận hình móng ngựa để cắt hết hai thận là “bị đơn có lỗi”, Luật sư thấy sao?
Trả lời: Quy kết bị đơn có lỗi là không đúng, bởi lỗi chỉ xảy ra khi người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Còn ở đây, Hội đồng Chuyên môn kết luận người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, mà là xảy ra tai biến chuyên môn. Khi xảy ra tai biến chuyên môn, theo quy định tại Mục a, Khoản 2, Điều 73 của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh thì không phải bồi thường. Đây là mấu chốt vấn đề cần xác định rõ, nếu không sẽ trái với Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Nhưng thực tế, Bệnh viện cũng đã bồi thường cho chị Tú trước đây và đang thỏa thuận bồi thường thêm tại phiên tòa phúc thẩm?
Trả lời: Tôi xin nói rõ thêm chỗ này. Khi tai biến chuyên môn xảy ra với chị Tú, Bộ Y tế chỉ đạo ghép thận cho chị, các cấp chính quyền Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, cá nhân bác sĩ phẫu thuật và nhất là Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ tài chính, đó là thể hiện sự nhân đạo. Tổng cộng khoảng 1,7 tỷ đồng gồm chi phí điều trị, ăn ở và cả cho chị xây lại nhà, sắm sửa đồ đạc, gạo, tập vở cho con chị đi học. Đây hoàn toàn không phải là bồi thường. Kể cả việc Bệnh viện kiểm điểm rút kinh nghiệm, không cho bác sĩ mổ một thời gian cũng không phải là cơ sở để quy kết là sai sót chuyên môn. Đây là vấn đề bình thường của ngành y tế, có tai biến thì phải phân tích, mổ xẻ rút kinh nghiệm chung. Đây cũng là trường hợp được quan tâm, hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay đối với một tai biến y khoa trên cả nước. Sức khỏe của chị Tú hiện đã khá ổn định sau 5 năm ghép thận, được tái khám hàng tháng tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ.
Kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia ngày 22/6/2015, đánh giá tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị Tú là 81%?
Trả lời: Bệnh viện đã khiếu nại về đánh giá ấy và ngày 11/11/2015, Viện Pháp y Quốc gia có văn bản trả lời, tỷ lệ tổn thương cơ thể 81% của chị Tú “là so với tình trạng sức khỏe bình thường”. Như thế, không đúng với tình trạng chị Tú khi đến Bệnh viện là đã hư thận bên trái, chứ không phải sức khỏe bình thường. Tai biến chuyên môn chỉ xảy ra khi cắt phần thận bên phải thì cũng đã được ghép 1 thận khác. Cho nên, phiên tòa phúc thẩm tạm hoãn có lý do để yêu cầu cơ quan chức năng giám định lại tình trạng sức khỏe của chị Tú.
Sáu Nghệ