/ Luật sư - Bạn đọc
/ Những thay đổi về hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp từ ngày 01/01/2023

Những thay đổi về hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp từ ngày 01/01/2023

27/02/2023 09:55 |

(LSVN) - Ngày 01/01/2023, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực, luật này đã sửa đổi bổ sung rất nhiều nội dung từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ… Bài viết này đề cập đến những thay đổi liên quan đến điều kiện hành nghề và hoạt động đại diện đại diện sở hữu công nghiệp. Đặc biệt sẽ có nhiều thuận lợi cho Luật sư tham gia hành nghề trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.

Phân hoá hành nghề và hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp

Theo khoản 61, Điều 1, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cơ bản về hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp (“đại diện”) đó là luật chia hai mảng đại diện rất rõ rệt. Mảng thứ nhất gồm dành cho những người có văn bằng trình độ tương đương cử nhân (đại học) chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề đại diện trong lĩnh vực sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; mảng thứ hai dành cho những người có văn bằng trình độ tương đương cử nhân không phân biệt chuyên ngành khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều được, gồm: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh. Việc thay đổi này nhằm phân hóa hơn qua đó giúp cho những người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp “tiệm cận” hơn trong công việc đại diện, hơn nữa quy định này cũng định hướng hành nghề đại diện chuyên sâu hơn, thực chất hơn, không cho phép người làm đại diện hoạt động quá rộng; tránh trường hợp đại diện chỉ làm một số thủ tục đơn giản như: điền đơn, kiểm tra thành phần hồ sơ mà không nắm rõ nội hàm của hồ sơ mà mình làm đại diện. Thay đổi này phù hợp với hành nghề và hoạt động đại diện ở hữu công nghiệp của các nước phát triển.

Như vậy, từ sau ngày 01/01/2023 sẽ tồn tại ba loại chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp: (i) thứ nhất là chứng chỉ cấp cho những người đã thi và vượt qua kỳ thi đại diện trước ngày 01/01/2023. Đối với loại chứng chỉ này người đại diện sẽ được hành nghề trong cả tất cả các lĩnh vực sở hữu công nghiệp như: sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; (ii) thứ hai là chứng chỉ đại diện sở hữu công nghiệp của người đã hành nghề Luật sư và tốt nghiệp lớp đào tạo về sở hữu công nghiệp, chứng chỉ này được cấp sau ngày 01/01/2023 và lĩnh vực hành nghề là: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; (iii) thứ 3 là chứng chỉ đại diện sở hữu công nghiệp của người có văn bằng trình độ tương đương cử nhân (đại học) chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật và hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Qua đó cho thấy có sự phân hoá mạnh mẽ trong quá trình hành nghề và hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, những sửa đổi này cũng phù hợp với các nước có hoạt động sở hữu công nghiệp pháp triển mạnh như Mỹ, Nhật, Úc và Liên minh Châu âu.

Trong thực tiễn hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp cho thấy hoạt động đại diện thường gặp phải những vấn đề khó khăn và trở ngại đối với những người không được đào tạo ở lĩnh vực khoa học xã hội khi làm đại diện trong lĩnh vực mà đòi hỏi người đại diện phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đặc thù khi đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và bố trí mạch tích hợp. Vì những mảng này rất rộng và hiện diện trong nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, chế tạo, hoá chất, dược phẩm, xây dựng... Nếu những người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp mà không được đào tạo chuyên môn trong lĩnh các lĩnh vực này thì rất khó để hiểu hết, phân tích, viết được “bảng mô tả” và viết “yêu cầu bảo hộ”. Ngoài ra việc thẩm định “tính mới”, “trình độ/tính sáng tạo”, cũng như đánh giá “khả năng áp dụng công nghiệp” để xác định được khả năng đối tượng trong đơn có đáp ứng yêu cầu bảo hộ và tư vấn cho chủ đơn có nên nộp đơn hay không, nếu nộp thì nộp theo những phương án bảo hộ nào là hiệu quả nhất cũng là điều không hề đơn giản đối với người không được đào tạo đúng chuyên môn trong những lĩnh vực đặc thù.

Rộng cửa hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp đối với Luật sư

Theo Luật Sở hữu trí tuệ trước đây một người tốt nghiệp cử nhân muốn hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp thì phải (i) tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp hoặc đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên (ii) đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ tổ chức(1). Đây là hai điều kiện chính mà một số người không đáp ứng được, trong đó việc vượt qua kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp với 5 môn thi gồm: Pháp luật về sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiêp, nhãn hiệu kèm theo chỉ dẫn địa lý và môn thông tin sở hữu công nghiệp.

Trong quá trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ trước đây, nhiều ý kiến trong giới Luật sư không đồng tình với quy định trong luật hiện hành với lý do là lĩnh vực đại diện sở hữu công nghiệp hoàn toàn phù hợp với điều kiện hoạt động của Luật sư, mà cụ thể là tư vấn pháp luật và đại diện pháp lý cho khách hàng, theo đó đại diện sở hữu công nghiệp cũng là một trong những hình thức hành nghề của Luật sư. Nhưng để được hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp thì Luật sư phải đáp ứng các yêu cầu khác như quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là không cần thiết, trái với luật Luật sư, quy định này đặt thêm nhiều điều kiện cản trở và gây khó khăn cho quá trình hành nghề của Luật sư. Trong khi đó nhiều người không phải là Luật sư nhưng vượt qua được kỳ thi kiểm tra hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp và được cấp chứng chỉ hành nghề thì được làm đại diện sở hữu công nghiệp. Điều này cho thấy có một độ vênh nhất định giữa Luật Sở hữu trí tuệ và luật Luật sư nên cần phải thay đổi cho phù hợp.

Tiếp thu những ý kiến nêu trên trong quá trình sửa đổi luật lần này ban soạn thảo đã đưa ra một số thay đổi về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, có nhiều phương án được đưa ra như: (i) giữ nguyên điều kiện hành nghề như luật hiện hành (ii) cho phép người có thẻ Luật sư hoạt động đại diện mà không cần bất kỳ điều kiện nào khác (iii) cho phép Luật sư làm đại diện nhưng chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh và phải được đào tạo qua khóa học về pháp luật sở hữu công nghiệp. Quá trình dự thảo được đưa ra lấy ý kiến có nhiều ý kiến phản đối về việc thay đổi này và muốn giữ như luật hiện hành, nhất là những ý kiến của những người hiện đang hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp. Tổng hợp các ý kiến và tham luận cuối cùng ban soạn thảo đã thống nhất về điều kiện hành nghề như luật đã thông qua đó là bổ sung khoản 2a vào Điều 155, Luật Sở hữu trí tuệ “Công dân Việt Nam là Luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận”.

Riêng đối với Luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được hành nghề và không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đặc thù nên ngoài kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề của Luật sư thì người muốn hành nghề ở lĩnh vực này cần phải có kiến thức chuyên môn, nghiên cứu sâu và đây là hoạt động đặc thù. Vì vậy, Luật sư hành nghề trong lĩnh vực này cần phải được đào tạo và nghiên cứu một cách sâu rộng thì khi hành nghề mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và bảo vệ tốt nhất cho chủ đơn khi đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Một số lưu ý đối với khách hàng là chủ đơn khi xác lập quyền

Từ ngày 01/01/2023 thì rất nhiều người hành nghề Luật sư đã được “chắp thêm cánh” để hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, vì vậy số lượng tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cho phép hoạt động đại điện tăng lên đáng kể. Do đó những người nộp đơn (chủ đơn) xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần phải lưu ý lựa chọn tổ chức đại diện có chức năng và phạm vi đại diện phù hợp với nhu cầu xác lập quyền của mình. Giả sử chủ đơn có nhu cầu đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc thiết kế bố trí mạch tích hợp thì tìm đến những đại diện có phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực này, trường hợp chủ đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh thì các tổ chức hành nghề Luật sư được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận cho phép hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên các tổ chức đại diện được chấp thuận hoạt động trước ngày 01/01/2023 thì vẫn được phép đại diện theo như Luật Sở hữu trí tuệ trước đây(2).

Ngoài ra chủ đơn cũng nên tìm hiểu về kinh nghiệm và đội ngũ nhân sự khi ủy nhiệm cho họ xác lập quyền, sẽ có rất nhiều tổ chức đại diện ra đời nhưng không phải tổ chức nào cũng làm tốt vai trò của đại diện cho chủ đơn. Chủ đơn cần tìm các tổ chức đại diện phù hợp với yêu cầu đăng ký của mình thì trên cơ sở đó họ mới đại diện khách hàng trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp từ lúc nộp đơn, xử lý đơn, cung cấp tài liệu, có ý kiến phản hồi xác đáng và kịp thời với Cục Sở hữu trí tuệ khi nhận được yêu cầu, vì nếu không là tổ chức đại diện thì việc xử lý quá trình nộp đơn sẽ không hiệu quả khi đó cơ hội để xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình sẽ không cao.

(1) Theo khoản 2, Điều 155, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 và 2019.

(2) Theo khoản 6, Điều 4, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật sư NGUYỄN HOÀNG HẢI

 Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lãi: Cách hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật

Nguyễn Hoàng Lâm