Ảnh minh hoạ.
Trong suốt hơn hai nhiệm kỳ từ khi Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư được thành lập (2009) đến nay, theo dõi và thực hiện công tác hỗ trợ, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, Ủy ban GSHTLS đã ghi nhận sự phát triển của pháp luật tố tụng đi theo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở, nền tảng thuận lợi cho hoạt động của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế, bất cập là rào cản, trở ngại cho luật sư khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vự tố tụng hình sự. Ở bài viết này, chúng tôi làm rõ những thuận lợi khó khăn của luật sư khi tham gia hành nghề trong lĩnh vực tố tụng hình sự, từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 có hiệu lực.
Những điểm thuận lợi
Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều điểm mới, tiến bộ, trong đó quyền bào chữa và quyền được bào chữa của công dân được quy định hoàn chỉnh hơn, thành một chương riêng (Chương V - Bào chữa, bảo vệquyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự). Trong đó có nhiều quy định mới về quyền tự bào chữa và quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Các nội dung mới tiến bộ cụ thể như sau:
(1) Ngoài ba chủ thể được bảo đảm quyền bào chữa (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) thì Bộ luật TTHS năm 2015 còn bổ sung người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa(1).
(2) Mở rộng diện người bào chữa gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách thay vì chỉ có luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân(2).
(3) Mở rộng trường hợp cơ quan tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù, thay vì mức cao nhất là chung thân, tử hình(3).
(4) Quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn (kể từ khi có người bị bắt) thay vì tham gia từ khi có quyết định tạm giữ(4). Đồng thời, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, luật sư có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố(5).
(5) Nhằm tạo điều kiện để người bào chữa nhanh chóng tiếp cận vớiquá trình giải quyết vụ án, Bộ luậtTTHS năm 2015 quy định thay thủ tục “cấp giấy chứng nhận người bào chữa” bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”; đồng thời rút ngắn thời gian đăng ký bào chữa từ 03 ngày xuống còn 24 giờ(6).
(6) Thay vì chỉ có người bị buộc tội và người đại diện hợp pháp của họ có quyền mời người bào chữa, Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung thêm người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa(7).
(7) Để tháo gỡ những khúc mắc liên quan đến việc bào chữa cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định bổ sung: “Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối”(8).
(8) Quy định bổ sung cho người bào chữa quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật; đồng thời quy định người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá(9).
(9) Bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa về thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để người bào chữa tham gia theo quy định(10).
(10) Bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật, để nâng cao ý thức trách nhiệm của người bào chữa khi tham gia tố tụng(11).
(11) Bổ sung điều luật về nguyên tắc suy đoán vô tội đối với người bị buộc tội, một mặt có tác động tích cực đến cơ quan và người tiến hành tố tụng về nhận thức, thái độ ứng xử đúng mực, có lợi cho người bị buộc tội, mặt khác làm cơ sở cho người bào chữa đề nghị tuyên vô tội cho người bị buộc tội nếu cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ buộc tội(12).
(12) Bộ luật TTHS năm 2015, Thông tư số 46/2019/TT-BCA của Bộ Công an cho phép người bào chữa gửi hồ sơ đăng ký người bào chữa đến cơ quan tiến hành tố tụng thông qua dịch vụ bưu chính, tạo điều kiện cho người bào chữa ở xa sớm tham gia hoạt động tố tụng(13).
(13) Thông báo người đăng ký bào chữa có giá trị trong tất cả các giai đoạn tố tụng(14).
(14) Không hạn chế số lần hay thời gian trong lần gặp người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo...
Như vậy, Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều bổ sung, quy định mới về quyền bào chữa và quyền được bào chữa của người bị buộc tội, đồng thời đặt ra vấn đề tráchnhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để bảo đảm về quyền bào chữa cho người bị buộc tội. Tuy nhiên trên thực tế, việc người bào chữa có thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình như quy định của pháp luật hay không còn phụ thuộc vào nhận thức, thái độ trách nhiệm và ứng xử của cơ quan và người THTT đối với người bào chữa, người bị buộc tội.
Những nỗi khó khăn
Từ khi được thành lập (tháng 5/2009) đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có nhiều báo cáo dựa trên kết quả hoạt động của Ủy ban, kết quả khảo sát thực trạng hoạt động nghề nghiệp của luật sư, nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự. Sau khi Bộ luật TTHS năm 2015 được ban hành, Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư Việt Nam (trước đây là Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư) là đầu mối và tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi luật sư, đã tham mưu để Thường trực Liên đoàn có nhiều văn bản gửi các Ban Đảng (Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, Ban Nội chính Trung ương), các Cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương để phản ánh những vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự.
Qua quá trình theo dõi và thực hiện công tác hỗ trợ, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, Ủy ban GSHTLS nhận thấy luật sư gặp một số khó khăn, cản ngại khi tham gia hoạt động tố tụng trong các vụ án hình sự, bao gồm hai nhóm nguyên nhân: xuất phát từ hành vi xâm phạm quyền hành nghề luật sư của cơ quan THTT và người THTT gây ra; do bất cập từ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành.
Những khó khăn do hành vi xâm phạm quyền hành nghề luật sư của một số cơ quan THTT, người THTT gây ra
Trong hơn hai nhiệm kỳ vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên tục nhận được đơn kiến nghị của các luật sư từ các Đoàn luật sư trong cả nước, phản ánh về việc luật sư bị một số người THTT và cơ quan THTT có hành vi vi phạm pháp luật tố tụng, xâm phạm, cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, trong đó nổi bật là các hành vi sau đây:
(1) Không cấp thông báo đăng ký người bào chữa cho luật sư với lý do không chính đáng, biểu hiện như: luật sư đã nộp bộ hồ sơ đăng ký bào chữa/bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gồm các tài liệu theo quy định, trong đó có bản sao thẻ luật sư có công chứng gửi qua đường bưu chính, cơ quan tố tụng đã nhận được, nhưng không cấp thông báo đăng ký người bào chữa với lý do luật sư chưa xuất trình thẻ luật sư (bản chính). Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định: “Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính”. Mặt khác, Điều 17 Thông tư số 46/2019/TT-BCA quy định việc gửi, nhận hồ sơ, thông báo bao gồm cả hình thức qua đường bưu chính. Trên thực tế, cơ quan tố tụng ở nhiều địa phương chấp thuận việc nộp hồ sơ qua đường bưu chính, trong hồ sơ có bản sao thẻ luật sư có công chứng (Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) thực hiện và tuân thủ đúng các quy định nêu trên.
Một thực tế khác là luật sư đã nộp bộ hồ sơ đăng ký bào chữa/bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gồm các tài liệu theo quy định, nhưng người THTT buộc luật sư phải nộp thêm giấy xác nhận luật sư khôngthuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 BLTTHS, tức là xác nhận không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 72 quy định về những người không được bào chữa, thì mới cấp thông báo đăng ký người bào chữa cho luật sư; hoặc cơ quan THTT không xem xét hồ sơ và không cấp thông báo đăng ký người bào chữa, cho đến khi bị luật sư khiếu nại nhiều lần mới cấp thông báo. Khi bị khiếu nại, cơ quan THTT lấy lý do người bị buộc tội từ chối người bào chữa nhưng không đưa ra tài liệu chứng minh hoặc tạo điều kiện để người bào chữa vào gặp người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam cùng điều tra viên.
(2) Vi phạm thời hạn cấp thông báo việc đăng ký người bào chữa. Khoản 4 Điều 78 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định thời hạn cấp thông báo việc đăng ký người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, quy định này đã không được cơ quan THTT tôn trọng. Cụ thể, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ghi nhận, từ năm 2015 đến nay, Liên đoàn đã tiếp nhận 72 đơn thư khiếu nại và yêu cầu hỗ trợ can thiệp việc cơ quan THTT nhận hồ sơ đăng ký người bào chữa nhưng không cấp thông báo đăng ký người bào chữa cho luật sư.
(3) Lấy lý do người bị buộc tội từ chối người bào chữa để không cấp thông báo người bào chữa nhưng không cho luật sư gặp người bị buộc tội để xác nhận việc từ chối người bào chữa, vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 46/2019/TT-BCA.
(4) Được cấp thông báo người bào chữa nhưng không cho gặp mặt người đang bị tạm giam, tạm giữ… vi phạm Điều 80 Bộ luật TTHS năm 2015, Điều 12 Thông tư số 46/ TT/2019/TT-BCA, như trường hợp Công ty luật Hợp danh Atlantic Việt Nam cử LS Phạm Ngọc Hải và LS Trịnh Thị Dương bào chữa cho bị can Hoàng Minh Nhật trong vụán “vận chuyển trái phép chất ma túy”, sau khi được cấp thông báo bào chữa, các luật sư đã 06 lần tới Trại tạm giam Công an TP. Hải Phòng đề nghị cấp trích xuất cho gặp, làm việc cùng bị can nhưng đều bị từ chối.
(5) Tổ chức việc giám sát khi luật sư gặp gỡ người bị tạm giam, tạm giữ không theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 01/2018/TTLT- BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
(6) Không cho luật sư tiếp cận hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định tại Thông tư số 46/ TT/2019/TT-BCA với lý do không chính đáng.
(7) Chỉ giao một phần hồ sơ vụ án cho luật sư khi nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn truy tố.
(8) Chỉ cho luật sư ghi chép mà không cho luật sư sao chụp bằng phương tiện điện tử cá nhân (máy ảnh, điện thoại, máy tính bảng..).
(9) Luật sư không được người tiến hành tố tụng thông báo về thời gian, địa điểm thực hiện các hoạt động điều tra như: lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, tham gia giám sát việc khám nghiệm hiện trường, giám định, đối chất...
(10) Việc thu thập chứng cứ, tài liệu của luật sư trên thực tế luôn gặp nhiều khó khăn, các chứng cứ được luật sư thu thập, đưa ra thường không được các cơ quan tố tụng chấp nhận. Có trường hợp chứng cứ do luật sư thu thập bị coi là làm giả chứng cứ, giấy tờ tài liệu và bị cơ quan tố tụng kiến nghị khởi tố luật sư tội làm giả chứng cứ, tài liệu.
(11) Hạn chế thời gian luật sư gặp gỡ người bị tạm giam, tạm giữ, thời gian luật sư xét hỏi tại phiên tòa.
(12) Không nghe lời trình bày của luật sư trong quá trình tranh tụng, ngắt lời luật sư trong khi phát biểu quan điểm. Không ghi nhận lời phát biểu, luận cứ bào chữa của luật sư trong bản án.
(13) Có dấu hiệu lạm quyền trong xét xử, buộc luật sư rời phòng xử án không căn cứ pháp luật, dẫn giải luật sư rời phòng xử án bằng lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp mặc dù luật sư không có hành động chống đối, kháng cự.
(14) Người tiến hành tố tụng tìm cách tránh né, với lý do bận việc, đi công tác để không gặp luật sư, gây khó khăn, làm luật sư phải đi lại nhiều lần, tốn kém cho luật sư khi trụ sở tổ chức hành nghề xa nơi thụ lý vụ án.
(15) Cá biệt có trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi hành hung luật sư ngày tại trụ sở cơ quan THTT, có các luật sư khác và khách hàng chứng kiến, bị luật sư khiếu nại, tố cáo nhưng đến nay (kéo dài hai năm) vẫn chưa được xem xét giải quyết(15).
(16) Luật sư bị từ chối tham gia các hoạt động tiền tố tụng như việc cơ quan tố tụng không khởi tố vụ án về tai nạn giao thông (vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiệm trọng) nhưng bị hại có khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án và có nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng không được cơ quan tố tụng chấp nhận và không được tiếp cận hồ sơ vụ án/biên bản hiện trường vì vụ án không khởi tố.
Những khó khăn do bất cập từ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành
(1) Về thủ tục đăng ký bào chữa
Điểm a khoản 2 Điều 78 BLTTHS năm 2015 quy định khi đăng ký bào chữa, luật sư phải xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.
Hiện nay, một số cơ quan và người THTT hiểu cụm từ “xuất trình” có nghĩa là luật sư phải có mặt trực tiếp “xuất trình thẻ luật sư” mới được coi là đủ điều kiệncấp thông báo người bào chữa cho luật sư. Từ quy định này, nhiều luật sư bị từ chối cấp thông báo người bào chữa, đặc biệt rất nhiều luật sư là thành viên các Đoàn luật sư ở các tỉnh miền Bắc, khi tham gia vụ án hình sự ở miền Trung hoặc miền Nam bị cơ quan THTT buộc phải đến trực tiếp nộp hồ sơ và “xuất trình thẻ luật sư” mới cấp thông báo người bào chữa.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015của Chính phủ quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính. Như vậy, việc yêu cầu luật sư xuất trình thẻ luật sư (bản gốc) khi đăng ký là không cần thiết và chỉ yêu cầu đối chiếu trong trường hợp hồ sơ đăng ký chỉ có bản sao (chưa chứng thực) thì mới hợp lý.
(2) Về nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án
Theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy chế tổ chức phiên tòa, thì nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 Bộ luật TTHS, Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 153 Luật Tố tụng hành chính và các quy định tại Thông tư này.
Thực tế thời gian vừa qua đã có nhiều trường hợp luật sư là người bào chữa bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa buộc phải rời khỏi phòng xử án, không có căn cứ pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Có hiện tượng này là do quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC (Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự) còn chung chung, không rõ ràng, không quyđịnh các loại hành vi nào bị coi là vi phạm nội quy phiên tòa, phòng xử án, hành vi nào là không tôn trọng hội đồng xét xử, nên đã có sự lạm quyền, vượt quyền của thẩm phán chủ tọa phiên tòa buộc luật sư rời khỏi phòng xử án.
(3) Về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ
Điểm h khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Điều 86, 87 và 88 Bộ luật này quy định về chứng cứ, nguồn chứng cứ và thu thập chứng cứ.
Thẩm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa là quy định mới của BLTTHS năm 2015, mở rộng phạm vi các quyền khi tham gia tố tụng của người bào chữa trong vụ án hình sự, nhưng cơ chế để thực hiện quyền này lại không được hướng dẫn cụ thể. Thực tiễn áp dụng, các luật sư khi thực hiện quyền của mình không có sự thống nhất về hình thức thu thập, loại chứng cứ được phép thu thập, hình thức biên bản được lập trong quá trình thu thập và hình thức giao nộp cho các cơ quan có thẩm quyền THTT. Điều này dẫn tới tình trạng luật sư mất rất nhiều công sức để thu thập chứng cứ nhưng khi trình ra cơ quan có thẩm quyền lại không được chấp nhận. Ngoài ra, do không có hướng dẫn cụ thể, nên khi luật sư thu thập chứng cứ, ghi nhận lời khai của bị cáo, đương sự (có xác nhận của trại tạm giam hoặc ủy ban nhân dân địa phương), nhưng tại phiên tòa, bị cáo hoặc đương sự vì nhiều lý do khác nhau đã thay đổi lời khai, dẫn đến trường hợp Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội kiến nghị khởi tố 02 luật sư vì bị coi là cố ý thu thập, cung cấp chứng cứ, tài liệu không đúng sự thật, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
(4) Về gặp người bị buộc tội bị tạm giữ, tạm giam
Khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theoquy định của Bộ luật TTHS và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ về việc bào chữa.
Điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa có quyền “gặp, hỏi người bị buộc tội” và Điều 80 BLTTHS năm 2015 quy định khi gặp mặt người buộc tội thì “người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, thẻ luật sư hoặc thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân”. Các quy định trên trong BLTTHS không quy định “quyền giám sát” của cơ quan THTT đối với luật sư. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA- BQP-TANDTC-VKSNDTC lạithêm quy định về “quyền giám sát” trong khi người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam (trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát).
Mục đích của việc giám sát này chỉ là nhằm phát hiện người bào chữa vi phạm nội quy để xử lý thể hiện trong đoạn cuối của khoản 3 Điều 10: Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.
Từ quy định này, dẫn đến việc áp dụng quyền giám sát không phù hợp đã cản trở và gây khó khăn rất lớn cho luật sư, khi cơ quan THTT không bố trí được người giám sát thì luật sư không được gặp bị can, bị cáo.
(5) Về quyền hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can
Điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bàochữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can…”.
Việc quy định “người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi” sẽ dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền khi tiến hành lấy lời khai căn cứ vào quy định này để ngăn cản quyền hỏi của người bào chữa. Mặt khác, nên thay cụm từ “người bào chữa có thể hỏi…” bằng “người bào chữa có quyền hỏi…” để khẳng định vai trò của luật sư và vị trí bình đẳng trong thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự.
(6) Quyền được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án của luật sư. Điểm l khoản 1 Điều 73 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra.
Điều 82 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Mặc dù Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định việc các cơ quan THTT phải bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong vụ án hình sự, tuy nhiên, hiện nay luật sư chỉ được sao chụp trong giai đoạn điều tra đối với bị can mà mình bào chữa, các hoạt động mà luật sư tham gia, còn các tài liệu khác (các lời khai của bị can khác, tài liệu khác..) thì không được, đồng thời lại chỉ cho sao chụp lời khai, tài liệu liên quan người mình bào chữa. Như vậy, quyền sao chép hồ sơ của luật sưbị hạn chế, không có ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức.
Một số kiến nghị và đề xuất giải pháp khắc phục
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Ủy ban GSHTLS kiến nghị và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề như sau:
(1) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự. Cùng với các cơ quan tư pháp các cấp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư và các luật sư được giao nhiệm vụ đã tiến hành nghiên cứu, rà soát các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 nhằm sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật này, trong đó có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật tố tụng, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
(2) Đối với các cơ quan tố tụng, từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt đến cán bộ, công chức, những người có chức danh tư pháp thực hiện THTT trong các vụ án hình sự năng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng để có nhận thức đúng đắn về nghề luật sư và ý nghĩa các hoạt động của luật sư trong hoạt động tố tụng để tạo điều kiện giúp đỡ luật sư hoàn thành nhiệm vụ.
(3) Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký năm 2011; xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao nhằm tăng cường phối hợp trên cơ sở thực thi trách nhiệm theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, giữa Đoàn luật sư với các cơ quan THTT địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tham gia tố tụng.
(4) Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ động trao đổi, phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương chủ trì tọa đàm, hội thảo về những chủ đề mang tính thời sự trong hoạt động tố tụng, tìm kiếm giải pháp chonhững sự kiện pháp lý mang tính đột phá, là cơ sở lý luận áp dụng vào thực tiễn cũng như sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật, xây dựng pháp luật mới liên quan trong hoạt động tố tụng và nghề nghiệp luật sư.
(5) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp thực tiễn, cản trở hoạt động tố tụng và nghề nghiệp luật sư (theo các kiến nghị tại Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2015 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
(6) Từng bước nghiên cứu, thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, chuyển từ hồ sơ giấy thành hồ sơ file văn bản lưu trữ trên máy tính và thiết bị điện tử để thuận tiện trong tra cứu và nghiên cứu. Khi người bào chữa xin tiếp cận đọc, nghiên cứu, sao chép hồ sơ vụ án, thì cơ quan THTT có biên bản bàn giao file hồ sơ vụ án cho người bào chữa để thuận tiện trong nghiên cứu, không ảnh hưởng thời gian của các bên.
(7) Đối với những hành vi vi phạm của cơ quan THTT, người THTT xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định những việc cơ quan THTT, người THTT không được làm trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng.
(8) Cần thể chế hóa quy định số 17 nêu trong Quy định số 132-QĐ/ TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chế tài áp dụng đối với cơ quan THTT, người THTT khi có hành vi vi phạm pháp luật tố tụng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của luật sư.
(9) Khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng liên quan đến hoạt động của luật sư cần được tham khảo ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
(1) Điều 85 BLTTHS năm 2015. (2) Điều 72 BLTTHS năm 2015. (3) Điều 76 BLTTHS năm 2015. (4) Điều 74 BLTTHS năm 2015. (5) Điều 83 BLTTHS năm 2015. (6) Điều 78 BLTTHS năm 2015. (7) Điều 75 BLTTHS năm 2015. (8) Khoản 2 Điều 77 BLTTHS năm 2015. (9) Điều 73 BLTTHS năm 2015. (10) Điều 79 BLTTHS năm 2015. (11) Điều 73 BLTTHS năm 2015. (12) Điều 13 BLTTHS năm 2015. (13) Điều 17 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 21/6/2019 của Bộ Công an. (14) Khoản 6 Điều 78 BLTTHS năm 2015. (15) Trường hợp LS Lê Hoàng Tùng khiếu nại, tố cáo bị hành hung tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh (PC01). |
Luật sư PHẠM ĐỨC HÙNG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát,hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam