/ Thư viện pháp luật
/ Những văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Công an ban hành và lấy ý kiến trong tháng 01/2023

Những văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Công an ban hành và lấy ý kiến trong tháng 01/2023

04/02/2023 12:40 |

(LSVN) - Quy định liên quan đến mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan; dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân là những nội dung liên quan đến công tác Công an được ban hành, lấy ý kiến và có hiệu lực trong tháng 01/2023.

Quy định liên quan đến mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan

Ngày 31/12/2022, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 68/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 73/2021/TT-BCA, ngày 29/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan (Thông tư 68) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Theo đó, Điều 1 Thông tư 68 đã sửa đổi, bổ sung thông tin trong trang 2 và trang 3 mẫu hộ chiếu ngoại giao (mẫu HCNG); mẫu hộ chiếu công vụ (mẫu HCCV); mẫu hộ chiếu phổ thông (mẫu HCPT) ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.

Từ ngày 01/01/2023, Bộ Công an và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai cấp hộ chiếu bổ sung thông tin “nơi sinh” quy định tại Thông tư 68. Hộ chiếu được cấp trước ngày 01/01/2023 theo các mẫu đã ban hành trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.

Lấy ý kiến dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 Chương 45 Điều, quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật này quy định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây viết gọn là người gốc Việt Nam); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.  

Công dân có quyền sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước công dân tại dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, người được cấp thẻ Căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên..

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, dự thảo Luật gồm 02 Điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Trong đó, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định, như sau: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật CAND.

Bên cạnh đó, bổ sung 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 theo hướng quy định Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. 

PV

Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ An ninh trên không

Bùi Thị Thanh Loan