/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Những vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung trong Luật Giao dịch điện tử

Những vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung trong Luật Giao dịch điện tử

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Những quy định chung trong Luật từ Điều 1 đến Điều 9 về cơ bản đã tạo được khung pháp lý cần thiết để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu về thúc đẩy việc sử dụng các giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế và bảo đảm an ninh- quốc phòng.

Những vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung trong Luật Giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, các yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp hơn với tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, công dân số và Chính phủ số đang hình thành và phát triển trong tương lai. Quy định về thông điệp dữ liệu Theo Chương II của Luật Giao dịch điện tử, Điều 10 đến Điều 15 quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, được công nhận và có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được tham chiếu khi cần thiết hoặc sử dụng làm chứng cứ khi đảm bảo độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; quy định về gửi, nhận thông điệp dữ liệu được quy định từ Điều 16 đến Điều 20 Chương II của Luật. Dù đã quy định chi tiết về thông điệp dữ liệu, nhưng trong thực tế, trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử thường phát sinh nhiều thông điệp dữ liệu, các văn bản điện tử và hình thành hồ sơ điện tử, các giao dịch đảm bảo của các ngành tài chính, ngân hàng, hải quan, bảo hiểm… luôn hình thành hồ sơ điện tử và hiện trạng đảm bảo an toàn cho hồ sơ điện tử nhưng trong Luật chưa có quy định đối với hồ sơ điện tử.

Vì vậy, cần bổ sung các khái niệm và các quy định có liên quan về hồ sơ điện tử và hiện trạng đảm bảo an toàn cho hồ sơ điện tử. Quy định về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử Quy định pháp lý của chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử được quy định tại Chương III của Luật, từ Điều 21 cho đến Điều 32.

Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật, ngày 15/02/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; ngày 01/02/2016 Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 08/2016/TT-BQP quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội; Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP); Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày 04/12/2019 hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ (thay thế Thông tư số 08/2016/TT-BQP).

Sự ra đời của chữ ký số, các dịch vụ chứng thực chữ ký số đã tạo điều kiện cho việc phát triển, sử dụng mạnh mẽ văn bản điện tử, khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử và phát triển giao dịch điện tử. Quá trình thực tiễn sử dụng chữ ký số đã phát sinh các vấn đề cần giải quyết về quy định đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng (Điều 78 và Điều 79) và nguyên tắc chữ ký số, về nghĩa vụ, trách nhiệm của người ký chữ ký số với nghĩa vụ của bên chấp thuận là các tổ chức ngành ngoại giao, ngân hàng, chứng khoán… có yêu cầu bảo mật cao, chỉ sử dụng mạng nội bộ dùng riêng, không kết nối qua môi trường mạng Internet sẽ không thể thực hiện được việc kiểm tra trạng thái chứng thư số và kiểm tra hiệu lực chứng thư số theo quy định. Bên cạnh đó, trong nội dung Nghị định số 130/2018/NĐ-CP vẫn còn có những nội dung mâu thuẫn nhau, nếu tại Điều 13 quy định tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải có hệ thống thiết bị đảm bảo yêu cầu thiết kế theo xu hướng giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường mạng Internet thì tại Điều 78 và Điều 79 quy định tổ chức hoặc cá nhân sử dụng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp để thực hiện giao dịch điện tử đều phải kết nối với mạng Internet với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia để kiểm tra trạng thái chứng thư số và hiệu lực chứng thư số. Việc tổng hợp, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giao dịch điện tử, xác định những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để từ đó xác định các phương án, giải pháp để điều chỉnh, bổ sung vào nội dung của Luật là điều rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử và nền kinh tế số trong tương lai.

SỸ HẠNH - RALA

/an-mang-o-ha-giang-chu-nha-nghi-nghi-bi-sat-hai-bang-sung.html