/ Luật sư - Bạn đọc
/ Phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm là hành vi trái luật

Phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm là hành vi trái luật

01/10/2021 07:27 |

(LSVN) - Hành vi cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19 (phá khóa, tự vào nơi ở, để cưỡng chế, ép buộc người dân thực hiện xét nghiệm...) là trái với các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở của công dân.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS. 

Mới đây, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phải xin lỗi công khai Hoàng Thị Phương Lan, người bị phá khóa cửa cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 

Trước đó, tối 28/9, nhiều đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư để cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội. 

Theo trình bày của bà Lan tại cơ quan điều tra, khoảng 10h30 ngày 28/9, khi bà đang dạy yoga cho học viên (trực tuyến) thì thấy có người đập cửa, đề nghị ra lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng mình đang dạy và mình tự test rồi, đến giờ vẫn an toàn, không có nhu cầu tụ tập test hoài ở chỗ đông người và không muốn cắt ngang buổi giảng dạy. Sau đó, một nhóm người gồm đại diện của phường Vĩnh Phú, Công an, Cảnh sát cơ động và ban quản lý chung cư đã phá khóa cửa căn hộ, cưỡng chế bà Lan ra sân lấy mẫu trước sự chứng kiến và la khóc của con trẻ. Bà Lan cũng thừa nhận có vài lần khi lực lượng y tế xuống lấy mẫu ở chung cư, bà không ra ngoài nên có một lần nhân viên y tế phải vào tận nơi để lấy mẫu cho bà.

Giải thích về việc phá khóa, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Phú cho rằng, do bà Lan không hợp tác nên phải cưỡng chế. Đại diện phường cho rằng trước đó bà Lan có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi căn hộ của bà Lan tại tầng trệt, chung cư Ehome 4 từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao.

Phá cửa cưỡng chế người dân xét nghiệm là hành vi trái luật

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định (Điều 20).

Đồng thời, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Vvệc khám xét chỗ ở phải do pháp luật định định (Điều 22). Do đó, việc bắt, giữ người, áp giải, dẫn giải, hoặc khám xét, hoặc các biện pháp cưỡng chế khác có ảnh hưởng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và về chỗ ở của công dân chỉ được thực hiện trong các trường hợp, và theo đúng các căn cứ, trình tự và thủ tục mà pháp luật có quy định.

Theo quy định tại Điều 122 và Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Nếu người bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì sẽ bị áp giải theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định về biện pháp khám xét nơi ở của công dân, khi có căn cứ cho rằng nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Mặc dù, việc từ chối xét nghiệm Covid-19 khi đã có yêu cầu của các cơ quan, người có thẩm quyền là vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh, có thể gây nguy hiểm, làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp quy hiện hành không có quy định về việc cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế, để buộc người dân phải thực hiện việc xét nghiệm bệnh dịch.

"Vì vậy, nếu người dân không chấp hành yêu cầu xét nghiệm Covid-19 thì các cơ quan, người có thẩm quyền chỉ có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính mà không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện việc xét nghiệm. Hành vi cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19 (phá khóa, tự vào nơi ở, để cưỡng chế, ép buộc người dân thực hiện xét nghiệm...) là trái với các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở của công dân", Luật sư Hùng khẳng định. 

Ngoài ra, nội dung vụ việc, sai phạm và trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có liên quan như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những hành vi phá khóa, vào nơi ở và cưỡng chế người dân đi xét nghiệm này đã có có dấu hiệu của tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 157) và tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác” (Điều 158) của Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Nếu những người có vi phạm là Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì còn có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Từ chối xét nghiệm, xử lý thế nào? 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, có thế nói xét nghiệm trong cộng đồng là một trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đây là biện pháp hết sức cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, giúp các cơ quan chức năng có thể kịp thời phát hiện, cách ly, điều trị cho những người bị bệnh, cũng như kịp thời khoanh vùng, truy vết, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.  Do đó, người dân đã nhận được thông báo, yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền mà từ chối, không thực hiện việc xét nghiệm là hành vi trái pháp luật, có thể bị phạt theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm với mức phạt tiền  từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trường hợp trốn tránh, không thực hiện việc xét nghiệm theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền mà làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội này cũng có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Việc xét nghiệm trong cộng đồng là biện pháp hết sức cần thiết và đã mang lại những hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân hiểu và hợp tác, chấp hành việc xét nghiệm. Trong trường hợp, người dân do lo sợ lây nhiễm chéo, không muốn đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm tập chung thì các cơ quan chức năng có thể tiến hành lấy mẫu tại nhà, hoặc cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm có sự giám sát phù hợp.

Đối với những trường hợp ngoan cố, quyết liệt chống đối, không hợp tác thì cần tiến hành xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cao các chế tài xử lý vi phạm, cũng như áp dụng các quy định hạn chế đi lại, tiếp xúc, hoặc tham gia các hoạt động, thực hiện các công việc nhất định đối với những người từ chối xét nghiệm mà không có lý do chính đáng, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.   

LINH NHI 

Bình Dương: Một bí thư phường phải xin lỗi công khai cá nhân bị cưỡng chế xét nghiệm Covid-19

Admin