/ Tin tức
/ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề về giáo dục, y tế

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề về giáo dục, y tế

28/10/2022 23:18 |

(LSVN) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, ngày 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn có ở tất cả các nước trên thế giới và luôn rất căng thẳng, trong đó có 03 vấn đề tương đồng với Việt Nam.

Thứ nhất là làm sao có sự cân đối với khả năng bảo đảm của nền kinh tế và cả hệ thống giữa yêu cầu, kỳ vọng của người dân, yêu cầu về chuyên môn của những người làm giáo dục, y tế. Đặc biệt là y tế, giáo dục cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Thành tích của giáo dục, y tế phải nhiều năm mới thấy rõ, còn bất cập, hạn chế phải sau nhiều năm mới bộc lộ và mất nhiều năm để khắc phục.

Thứ hai là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.

Thứ ba là cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục, y tế công lập, đồng thời thúc đẩy các cơ sở tư nhân, bảo đảm sự bình đẳng tương đối giữa hai thành phần này.

Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế, giáo dục ở Việt Nam còn có thêm một số đặc trưng khác.

Thứ nhất là yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng, sự bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cao hơn nhiều so với các nước khác. Ý kiến đóng góp của người dân đối với 02 lĩnh vực này cũng nhiều hơn, trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ.

Thứ hai, hàng năm ngân sách Nhà nước vẫn phải dành khoảng 30% cho đầu tư hạ tầng, do đó, nguồn lực dành cho y tế, giáo dục không bằng các nước. Thu nhập của người dân còn thấp nên khả năng chi trả không được như người dân các nước phát triển, thu nhập trung bình cao.

Thứ ba, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Trong khoảng 02 triệu biên chế hiện nay, có khoảng 1,15 triệu cán bộ, giáo viên và 250.000 cán bộ y tế. Trong khi, ngân sách không có khả năng chi trả mức lương cao như các nước.

Đây là những vấn đề khiến nhiều vấn đề giáo dục, y tế luôn ở trong tình trạng căng thẳng, chỉ có thể được giải quyết trong thời gian được tính bằng hàng chục năm như nhiều nước trên thế giới.

Về biên chế, Phó Thủ tướng nêu thực tế: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về đào tạo giáo viên, chuẩn giáo viên và luôn muốn ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên đủ các môn học với số lượng học sinh trong một lớp ít nhất có thể. Tuy nhiên, để có đủ giáo viên thì phải tăng biên chế, trong khi không phát triển được giáo dục ngoài công lập, thì ngân sách phải tăng lên trong khi đang rất khó khăn.

Để giải bài toán này, trước hết kinh tế phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, đồng thời phải tạo điều kiện cho y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển thực chất như ưu đãi về đất đai khi xây dựng cơ sở y tế, giáo dục ngoài công lập. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ đại học, có cơ chế để một số giáo viên ở đô thị không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà từ nguồn thu học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả.

Tương tự đối với y tế, Phó Thủ tướng cho biết, trình độ chuyên môn nhiều bác sĩ Việt Nam không thua kém đồng nghiệp các nước phát triển, nhưng tỉ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ ở nước ta chưa đến 1,5, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới là 03-04 điều dưỡng viên/01 bác sĩ, còn tại Nhật Bản là 9 điều dưỡng viên/01 bác sĩ. Vì vậy, để đảm bảo bằng mức trung bình của thế giới, số biên chế của ngành y tế phải tăng gấp đôi hiện nay.

Về vấn đề học phí, viện phí, Phó Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao việc bảo đảm chất lượng giáo dục, y tế của Việt Nam so với những nước có cùng mức chi. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, không thể nào đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới trong khi chi ngân sách và thu nhập của người dân lại ở mức thấp trên thế giới.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng mệnh giá BHYT, ngoài phần đóng góp thêm của người dân thì ngân sách Nhà nước phải dành thêm. Bởi vì hiện nay, mệnh giá BHYT ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 đến 1/30 mệnh giá ở các nước phát triển, trong khi thuốc, máy móc điều trị được yêu cầu phải như các nước phát triển.

Tương tự, đối với giáo dục, hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% học phí để chi cho chuyên môn. Vừa qua, Chính phủ đưa ra chủ trương không tăng phần đóng góp của người dân trong học phí, nhưng để các trường vận hành được thì ngân sách Nhà nước phải bù vào.

Đối với tự chủ trong trường học, bệnh viện, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ trên 10.000 đơn vị xuống dưới 1.000 và có thêm 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp (chủ yếu là trường học, bệnh viện), trong 02 năm qua, đã giảm về đầu mối nhưng tổng biên chế không giảm. Thời gian qua, cơ chế tự chủ trường học, bệnh viện được thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, "nếu ngân sách Nhà nước còn lo thì không có tự chủ". Vấn đề đặt ra là cơ chế quản trị trong các đơn vị sự nghiệp phải thay đổi theo xu thế thế giới. Đó là, quản trị trường học, bệnh viện phải xuất phát từ nhu cầu chuyên môn là phát huy tính tự chủ, sáng tạo từ cơ sở, từ đó tự chủ về bộ máy, nhân sự, đầu tư, chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định các ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề tự chủ trong trường học, bệnh viện sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất lớn, trong đó có những bất cập đã được bộc lộ, nhận diện để giải quyết, nhưng cũng cần một thời gian dài để khắc phục.

HOÀNG TRẦN

Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về vấn đề cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước

Lê Minh Hoàng