/ Tin thế giới
/ Quan hệ Trung - Ấn: Leo thang căng thẳng, Nga âm thầm giúp “hạ nhiệt”

Quan hệ Trung - Ấn: Leo thang căng thẳng, Nga âm thầm giúp “hạ nhiệt”

05/01/2021 18:05 |

(LSO) -Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan, thuộc Ladakh nằm trên đường Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) đêm 15/6. Các nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, Moscow đang tích cực vận động để Ấn Độ và Trung Quốc sớm tìm được giải pháp cho tranh chấp biên giới hiện tại.

Quan hệ Trung - Ấn leo thang căng thẳng

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh/Ấn Độ.
Ảnh: AFP/TTXVN

Đây được đánh giá là sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến tranh chấp biên giới giữa hai bên kể từ năm 1967, vượt xa vụ đối đầu kéo dài 73 ngày tại Doklam, mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng, năm 2017.

Trước đó, đã xuất hiện một số động thái điều chuyển lực lượng tiềm ẩn leo thang đối đầu. Cuối tháng 5, Trung Quốc triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Về phần mình, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đóng dọc theo LAC.

Hai bên tìm cách đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cáo buộc Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng LAC tại thung lũng Galwan. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng binh sĩ Ấn Độ đã vi phạm cam kết giữa hai bên và vượt qua LAC để thực hiện “các hoạt động bất hợp pháp” và tấn công lính Trung Quốc.

Đối đầu Trung-Ấn cũng đã lan sang các lĩnh vực khác. Nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã nổ ra tại Ấn Độ. Dân chúng nước này kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền New Delhi cũng lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với khoảng 300 mặt hàng Trung Quốc.

Bộ Viễn thống Ấn Độ cấm các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng bị cấm tham gia đấu thầu mọi dự án phát triển hạ tầng viễn thông Ấn Độ.

Ngày 17/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điền đàm nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc đối thoại này, hai bên nhất trí "giải quyết công bằng" các vấn đề tại thung lũng Galwan và duy trì hòa bình ở khu vực biên giới.

Ông Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh và New Delhi đồng thuận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, cùng nỗ lực giảm đối đầu, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới. Ông Triệu Lập Kiên hy vọng hai nước sẽ không tái diễn các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới.

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 19/6 tuyên bố quân đội nước này được toàn quyền thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo các đảng phái bàn về căng thẳng biên giới Ấn-Trung, ông Modi nói rằng Ấn Độ coi trọng hòa bình và tình hữu nghị, nhưng bảo vệ chủ quyền luôn là điều tối thượng.

Nga âm thầm giúp “hạ nhiệt” căng thẳng Ấn - Trung

Đụng độ xảy ra sau khi binh sĩ Ấn Độ được cho là tìm cách ngăn Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp. Hai bên đều đã huy động hàng loạt xe cơ giới, khí tài đến đây trước đụng độ. (Ảnh minh họa: ANI)

Theo đó, Nga – một đối tác thân thiết của cả Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực sau hậu trường nhằm làm dịu căng thẳng quân sự tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hơn 1 tháng qua, đặc biệt sau vụ đụng độ của binh lính hôm 15/6.

Dự kiến, ngày thứ Ba 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến 3 bên với Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Các động thái ngoại giao của Nga bắt đầu hôm 17/6, khi Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov có cuộc thảo luận với đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma về tình hình an ninh khu vực. Trong đó, 2 bên đề cập tới “những diễn biến tại đường Kiểm soát Thực tế” (LAC) nằm trên biên giới Ấn- Trung tại dãy Himalaya. Cuộc gặp diễn ra ngay sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan, khiến cả hai bên đều thiệt hại nhiều sinh mạng.

Bộ Ngoại giao Nga không công bố chi tiết về cuộc gặp này nhưng các nguồn tin ngoại giao nước này khẳng định với tờ The Hindu thông tin rằng Moscow muốn ‘đặt cược’ vào một nghị quyết giúp hạ nhiệt tình hình hiện tại giữa hai quốc gia có chung lãnh thổ trên dãy Himalaya này.

Một nhà ngoại giao Nga cho biết, động lực để Nga giúp cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là bởi “mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á này là trung tâm của sự trỗi dậy của khu vực Á – Âu; cũng như sự nổi lên của trật tự thế giới đa cực, nơi không quốc gia nào có thể thống trị”.

Nga cũng muốn đề cao vai trò trung tâm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga cùng hầu hết các nước Trung Á là thành viên; coi đây là nền tảng cho hệ thống toàn cầu “hậu phương Tây”. Nga cũng lo ngại, căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tác dụng tiêu cực với SCO mà còn cả với nhóm các cường quốc mới nổi BRICS mà 3 nước này cùng tham gia.

Tuy nhiên, theo thông tin mà phía Nga hé lộ, nước này sẽ chỉ đóng vai trò “xây dựng sau hậu trường” bởi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có thể tự giàn xếp được các khác biệt. Ngoài chủ đề tranh chấp biên giới Ấn- Trung, cuộc họp bộ trưởng Ngoại giao 3 bên Nga - Ấn – Trung tuần tới còn bàn về các xu hướng chính trị và tài chính toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 cũng như các cơ hội để vượt qua khủng hoảng hiện tại.

LÂM HOÀNG(t/h)

/bac-kinh-xu-ly-60-vu-tung-tin-don-ve-covid-19-zimbabwe-bat-bo-truong-y-te-trong-be-boi-mua-thiet-bi-chong-dich.html