Ảnh minh họa.
Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham gia tiếp công dân trực tuyến do Thanh tra Chính phủ chủ trì; người khiếu nại (KN), kiến nghị, phản ánh (KNPA); người tham gia tiếp công dân tại các điểm cầu trực tuyến.
Việc tổ chức tiếp công dân trực tuyến phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiếp công dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người KN, KNPA; người tiếp công dân và người tham gia tiếp công dân; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Tiếp công dân trực tuyến phải đảm bảo sự tham gia của các thành phần tham gia tiếp công dân vào cùng một thời điểm, các điểm cầu phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, đường truyền và phải tuân thủ tất cả trình tự, thủ tục của buổi tiếp bằng lời nói, hình ảnh và âm thanh, trực tuyến, liên tục.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Ban Tiếp công dân Trung ương với Trung tâm Thông tin và các cục, vụ, đơn vị có liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ trong việc chuẩn bị, điều phối, vận hành hệ thống phục vụ buổi tiếp công dân trực tuyến.
Theo quy chế, vụ việc tiếp công dân trực tuyến bao gồm:
- Vụ việc KN, KNPA đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vựớng mắc, công dân vẫn tiếp tục KN, KNPA, có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Vụ việc KN, KNPA đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;
- Quyết định giải quyết KN đã có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục KN, KNPA vượt cấp, có nguy cơ gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Các vụ việc KN, KNPA liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều địa phương hoặc tại các vùng, địa bàn miền núi đi lại khó khăn gây lãng phí, tốn kém cho cá nhân, tổ chức; các đoàn công dân KN, KNPA đông người phức tạp, kéo dài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy quy định của pháp luật vượt cấp lên Trung ương; các đoàn công dân KN, KNPA đông người phức tạp, các vụ việc KN, KNPA, kéo dài đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng có những nội dung cần xin ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan.
Ngoài ra, các vụ việc lựa chọn để tổ chức tiếp công dân trực tuyến phải được sự đồng ý của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Quy chế cũng yêu cầu, trước khi diễn ra các buổi tiếp công dân trực tuyến phải lựa chọn điểm cầu trung tâm và điểm cầu đại biểu để tổ chức tiếp công dân, thông báo cho người KN, KNPA; các cơ quan tham gia tiếp công dân; chuẩn bị hệ thống, thiết lập các điểm cầu tham gia, kiểm thử và tổng duyệt.
Về địa điểm tiếp công dân trực tuyến, trụ sở Tiếp công dân Trung ương là địa điểm chính tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp lên Trung ương, cần sự phối hợp của các cơ quan Trung ương và địa phương. Tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Trụ sở tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương là địa điểm tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng cần sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan có liên quan khác. Tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quy trình tổ chức tiếp công dân trực tuyến thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân và một số nội dung như: Tiếp công dân của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương chuẩn bị kế hoạch, kịch bản; tham mưu, lựa chọn vụ việc, hồ sơ, nội dung buổi tiếp; báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ít nhất trước 5 ngày diễn ra buổi tiếp. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, đường truyền cho điểm cầu trung tâm; đảm bảo kết nối thông suốt với điểm cầu trụ sở Thanh tra Chính phủ và các điểm cầu đại biểu tham gia (kiểm tra thử trước 1 ngày và trước 2 giờ diễn ra buổi tiếp).
HÀ ANH