Quy định của pháp luật hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp

26/12/2020 15:38 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong hệ thống thuế ở các nước, thuế thu nhập là một loại thuế quan trọng được áp dụng phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Trong đó có thuế thu  nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư, thay đổi cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn xảy ra trong thời gian dài làm mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Ảnh minh họa.

Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế gắn liền với sự tồn tại, phát triển của Nhà nước và là một công cụ quan trọng mà bất kỳ quốc gia nào cũng sử dụng để thực thi chức năng nhiệm vụ của mình. Tùy thuộc vào bản chất Nhà nước và cách thức Nhà nước sử dụng, các nhà kinh tế có nhiều quan điểm về thuế khác nhau.

Thuế TNDN xuất hiện rất sớm trong lịch sử phát triển của thuế. Hiện nay ở các nước phát triển, thuế TNDN giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước và thực hiện phân phối thu nhập. Mức thuế cao hay thấp áp dụng cho các chủ thể thuộc đối tượng nộp thuế TNDN là khác nhau, điều đó phụ thuộc vào quan điểm điều tiết thu nhập và mục tiêu đặt ra trong phân phối thu nhập của từng quốc gia trong từng thời kỳ nhất định.

Ở Việt Nam, khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp được hiểu là: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu đánh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN), của các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong kỳ tính thuế.

Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, được thu trên thu nhập của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013, để động viên một phần thu nhập của họ vào ngân sách nhà nước, nhằm đóng góp công bằng, hợp lý giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp có các đặc trưng sau:

Thứ nhất, thuế TNDN là thuế trực thu, tính chất trực thu được biểu hiện ở sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế. Đặc điểm của thuế trực thu là việc đánh thuế có tính đến khả năng của người nộp thuế. Tuy nhiên, thuế TNDN thường không sử dụng thuế suất lũy tiến mà sử dụng thuế suất đồng nhất. Mức thuế suất khác nhau có thể áp dụng đối với các nhóm đối tượng hoặc một số loại thu nhập khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu chính sách thuế của mỗi nước.

Ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho NSNN, nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hoà thu nhập xã hội nên thường gắn liền với chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước. Bởi vậy, pháp luật thuế thu nhập ở các nước thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn, giảm thuế để đảm bảo chức năng khuyến khích của thuế thu nhập hoặc thực hiện việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế để thực hiện các mục tiêu điều tiết;

Thứ hai, Thuế TNDN đánh vào thu nhập chịu thuế của DN, mức động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN) đối với loại thuế này phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kinh doanh của DN. Đối với thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thường là một số tiền cộng thêm vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ, người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ là người tập hợp và nộp thuế vào kho bạc. Vì vậy, nó chủ yếu phụ thuộc vào mức tiêu dùng hàng hóa. Khác với thuế TTĐB và thuế GTGT, thuế TNDN được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế, nên chỉ khi DN, các nhà đầu tư kinh doanh có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN.

Thứ ba, về đối tượng nộp thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 thì:

“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

c) Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;

d) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

b) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.”

Như vậy, thuế TNDN cũng mang đặc điểm riêng của loại thu nhập doanh nghiệp dưới góc độ phân biệt với thuế thu nhập cá nhân về đối tượng nộp thuế là tổ chức sản xuất kinh doanh sản xuất hàng hoá, dịch vụ mà không phải là cá nhân, đồng thời pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam xác định đối tượng nộp thuế trên cả 2 mối quan hệ: mối quan hệ quốc tịch (nhà nước và công dân) và mối quan hệ lãnh thổ (nhà nước và chủ quyền lãnh thổ quốc gia). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, việc chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp không mang tính chất hoàn trả trực tiếp.

Tính không hoàn trả trực tiếp của thuế thu nhập doanh nghiệp được biểu hiện trên các khía cạnh:

- Một là, sự chuyển giao thu nhập thông qua thuế không mang tính đối giá, nghĩa là mức thuế mà các tầng lớp trong xã hội chuyển giao cho Nhà nước không hoàn toàn dựa trên mức độ người nộp thuế thừa hưởng những dịch vụ và hàng hóa công cộng do Nhà nước cung cấp. Người nộp thuế cũng không có quyền đòi hỏi Nhà nước phải cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng trực tiếp cho mình mới phát sinh khoản chuyển giao thu nhập cho Nhà nước, mặt khác mức độ cung cấp dịch vụ công cộng của Nhà nước cũng không nhất thiết ngang bằng mức độ chuyển giao.

- Hai là, khoản chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp không được hoàn trả trực tiếp, có nghĩa là người nộp thuế suy cho cùng sẽ nhận được một phần các dịch vụ công cộng mà Nhà nước cung cấp chung cho cả cộng đồng giá trị phần dịch vụ đó không nhất thiết tương đồng với khoản tiền thuế mà họ nộp cho Nhà nước.

Thứ năm, việc chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định trước bằng pháp luật.

Đặc điểm này, một mặt thể hiện tính pháp lý cao của thuế thu nhập doanh nghiệp, mặt khác phản ánh sự chuyển giao thu nhập này không mang tính tùy tiện mà dựa trên những cơ sở pháp luật nhất định và đã được xác định trước. Những tiêu thức thường được xác định là đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, mức thuế phải nộp, thời hạn cụ thể và những chế tài mang tính cưỡng chế khác.

Các khoản chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội trong những thời kì nhất định.

Yếu tố kinh tế tác động đến thuế thu nhập doanh nghiệp thường là mức độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, giá cả, thị trường, sự biến động của Ngân sách Nhà nước…

Yếu tố chính trị, xã hội tác động đến thuế thu nhập doanh nghiệp thường là thể chế chính trị của Nhà nước, tâm lý tập quán của các tầng lớp dân cư, truyền thống văn hóa…

Các khoản chuyển giao thuế thu nhập dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia với quyền lực pháp lý của Nhà nước đối với con người và tài sản.

Thứ sáu, đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập có nguồn gốc phát sinh chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, dưới góc độ lý luận, để thu nhập được oil à thu nhập chịu thuế phải thỏa mãn 2 điều kiện:

- Có hành vi kinh doanh phát sinh trên thực tế không phân biệt tư cách chủ thể là doanh nghiệp hay là các tổ chức khác, có đăng ký kinh doanh hay không có đăng ký kinh doanh (đăng ký dưới các hình thức khác theo luật Các tổ chứ tín dụng, luật Luật sư, luật Đầu tư…).

- Có thu nhập thực tế hợp pháp phát sinh trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên và các khoản thu nhập khác.

Thứ bảy, mức độ điều tiết của thuế thu nhập doanh nghiệp là rất lớn.

Các thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thu nhập khác. Theo đó:

Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

- Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng (Điều 2, Thông tư số 96/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.)

- Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam. Điều 3, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định chi tiết cụ thể về các khoản thu nhập khác phải chịu thuế thu nhập doạnh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định chi tiết cụ thể về các khoản thu nhập khác phải chịu thuế thu nhập doạnh nghiệp thì:

Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)

Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:   

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập có vai trì rất quan trong trong nền kinh tế thị trường, đó là:

- Thuế TNDN là công cụ quan trọng để nhà nuớc thực hiện việc điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội. Nhà nước sử dụng thuế TNDN làm công cụ điều tiết thu nhập của các chủ thể có thu nhập, đảm bảo yêu cầu đóng góp của các chủ thể kinh doanh vào ngân sách Nhà nước được công bằng, hợp lý. Mặc khác, các doanh nghiệp thua lỗ trong sản xuất kinh doanh vừa không phải đóng thuế TNDN, vừa có thể được chuyển lỗ sang các năm sau để có cơ hội phục hồi và giảm tình trạng phá sản doanh nghiệp.

- Thuế TNDN là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Phạm vi áp dụng của thuế TNDN rất rộng, gồm cá nhân, nhóm kinh doanh, hộ cá thể và các tổ chức kinh tế có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có phát sinh thu nhập chịu thuế. Một khi nền kinh tế thị trường phát triển, tăng trưởng kinh tế được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận thì khả năng huy động nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước thông qua thuế TNDN sẽ ngày càng dồi dào. Mặt khác, so với các loại thuế khác, thuế TNDN dễ thu, ít tốn kém chi phí nên hiệu quả thu cũng cao hơn nhiều. Ở các nước đang phát triển, tiền thu được từ thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn nhiều so với thuế thu nhập cá nhân. Còn ở các nước phát triển mặc dù thu từ thuế TNDN ít hơn so với thuế thu nhập cá nhân nhưng thuế TNDN giữ vai trò là loại thuế thu trước của thuế thu nhập cá nhân.

- Thuế TNDN là công cụ quan trọng để góp phần khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo hướng kế hoạch, chiến lược, phát triển toàn diện của Nhà nước. Nhà nước ưu đãi, khuyến khích đối với các chủ thể đầu tư, kinh doanh vào những ngành, lĩnh vực và những vùng, miền mà nhà nước ưu tiên khuyến khích phát triển trong từng giai đoạn nhất định.

THANH THANH

/mot-so-quan-diem-ve-ap-dung-dieu-341-bo-luat-hinh-su-nam-2015.html