/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Quy định của pháp luật về việc sử dụng các hợp chất trong sản xuất thực phẩm

Quy định của pháp luật về việc sử dụng các hợp chất trong sản xuất thực phẩm

24/08/2022 02:30 |

(LSVN) - Hợp chất là từ hai chất kết hợp lại với nhau. Trong chế biến lương thực, thực phẩm, trong bảo quản thực phẩm, bảo quản nguyên liệu thì người ta sử dụng nhiều loại hợp chất khác nhau. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về các chất được sử dụng trong chế biến lương thực, thực phẩm và các chất cấm sử dụng.

Ảnh minh họa.

Theo đó, các hợp chất dùng để sản xuất thực phẩm có thể được hiểu là chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hóa chất công nghiệp thực phẩm,… được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm. Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm; các hóa chất công nghiệp thực phẩm được dùng trong hoạt động sản xuất thực phẩm.  

Ngày 01/9/2021, Thông tư 10/2021/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành về việc quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có hiệu lực thi hành. Theo đó, chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe bao gồm chất có trong các Danh mục sau:

- Phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, xuất khẩu” ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017;

- Các Danh mục I, II, III, IVA danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018;

- Phụ lục I “Danh mục dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017;

- Danh mục Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BYT ngày 03/5/2017;

- Các Phụ lục I, II, III danh mục dược liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017;

- Danh mục các chất có trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BYT, đơn cử như: Aildenafil, Aminotadalafi…

Ngoài các danh mục chất cấm, theo khoản 1 Điều 10 của Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định điều kiện chung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sau: Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trên thực tế việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất đối với từng loại thực phẩm là do từng quốc gia, khu vực quy định. Mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra tiêu chuẩn trong việc sử dụng các hợp chất để sản xuất thực phẩm là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng, điều kiện khí hậu, môi trường, thời tiết, điều kiện sống...

Đối với quy định về sản phẩm là thực phẩm xuất khẩu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay tùy thuộc vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước và các yếu tố khác mà việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm, hợp chất sử dụng trong sản xuất thực phẩm có sự khác nhau nhất định.

Luật sư Hà lấy ví dụ, trong một số trường hợp, một hoạt chất ở nước A. không quy định là chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm; nhưng tại nước B. thì chất này lại bị cấm. Cùng một mặt hàng thực phẩm, nhưng ở nước A. có thể sản phẩm đó có các hoạt chất được cho phép (chưa bị giới hạn), còn đối với nước B. thì lại vượt ngưỡng cho phép. Sẽ có trường hợp với một số chất thì các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định cấm hay giới hạn trong thực phẩm nhưng có một số quốc gia thì sẽ đưa ra quy định giới hạn.

Pháp luật suy định thế nào đối với chất Ethylene Oxide?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại điểm 8.1 mục 8 Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT-BYT, ngày 05/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì chất Ethylene Oxide được phép sử dụng chế biến thực phẩm, không thuộc các trường hợp bị cấm theo Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ban hành tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT, ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế.

Đồng thời, chất Ethylene Oxide cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 50/2016/TT-BYT, ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế.

Vì vậy, trường hợp trong sản phẩm có chứa chất Ethylene Oxide vẫn có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng, nếu không vi phạm các điều cấm của pháp luật.

Cũng theo Luật sư Tuấn, hiện nay ở mỗi quốc gia khác nhau lại có những quy chuẩn an toàn thực phẩm khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia đó. Do đó, trước khi sản xuất thực phẩm để tiêu thụ trong một quốc gia, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ lưỡng quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc gia mục tiêu để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp. Từ đó, sản phẩm tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu ra các quốc gia khác sẽ có quy trình sản xuất khác nhau để phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm được ban hành tại quốc gia đó.

“Ở Việt Nam, nhìn chung các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đã được quan tâm ban hành đồng bộ phục vụ yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Các quy chuẩn về an toàn thực thẩm của nước ta hiện nay đều được ban hành trên cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex), một số quy định chưa có trong Codex hoặc đặc thù của quốc gia thì đều hài hòa với quy định các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước ASEAN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp trong nước và quốc tê đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Luật sư Tuấn nói.

TIẾN HƯNG

Quy trình sản xuất thực phẩm an toàn

Lê Minh Hoàng