/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quy định pháp luật về tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’: Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Quy định pháp luật về tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’: Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

28/08/2023 06:14 |

(LSVN) – Thực tế, nhiều doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức công ty tài chính cho vay, nhân danh pháp nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường hoạt động dưới dạng như tài trợ cho khách hàng để mua sản phẩm và trả góp hàng tháng với lãi suất cao hoặc cho vay tiêu dùng với lãi suất cao lên đến 100%/năm nhưng lại không có cơ sở để xử lý về hành vi cho vay lãi nặng. Do đó, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" là một yêu cầu bức thiết trong cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Ảnh minh họa.

Quy định pháp luật về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là một trong những tội phạm xâm phạm đến các quan hệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà Nhà nước quy định phải có sự bảo vệ bằng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là tội phạm có cấu thành vật chất, bao gồm các dấu hiệu sau:

Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý tín dụng của Nhà nước và lợi ích vật chất của người đi vay.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội này được hiểu là hành vi trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự [1].

Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên; Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 

Chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực thực hiện hành vi đó. Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu định tội của tội này.

Một số bất cập

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự chưa quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Hiện nay, pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội tại các điều được liệt kê tại Điều 76 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự lại không được liệt kê trong số các tội đó. Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là cần thiết.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức công ty tài chính cho vay, nhân danh pháp nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật với mục đích tìm kiếm lợi nhuận để chia cho các thành viên. Tuy nhiên, các công ty này đã thực hiện các hoạt động kinh doanh không đúng với ngành nghề đã đăng ký hoặc tổ chức các hoạt động phi pháp để thu lợi nhuận. Các công ty này thường hoạt động dưới dạng như tài trợ cho khách hàng để mua sản phẩm và trả góp hàng tháng với lãi suất cao hoặc cho vay tiêu dùng với lãi suất cao lên đến 100%/năm nhưng lại không có cơ sở để xử lý các công ty này về hành vi cho vay lãi nặng. Do đó, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" là một yêu cầu bức thiết trong cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Thứ hai, tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cho vay lãi nặng. Trên thực tế nhiều trường hợp người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác trong đó có lợi dụng khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh để cho vay với mức lãi suất cao, tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng. Do đó, tác giả cho rằng việc bổ sung thêm tình tiết này vào tình tiết định khung tăng nặng sẽ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Kiến nghị hoàn thiện

Từ các bất cập trên và nhu cầu trên thực tế về công tác đấu tranh, phòng chống tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, cần bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cùng với sự phát triển của pháp luật, chúng ta cũng phải đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ lợi dụng danh nghĩa của công ty, doanh nghiệp nhằm cho vay lãi nặng gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho người bị hại, những doanh nghiệp hoạt động hợp pháp nhưng gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, trong những trường hợp này, việc xử lý vi phạm bằng pháp luật dân sự, pháp luật hành chính cho các công ty, truy tố hình sự một số người điều hành nhân danh và vì lợi ích của cơ quan không đủ đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa, đặc biệt không công bằng trong việc xử lý đối với các cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức pháp nhân là chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là một nhu cầu cấp thiết hiện nay

Thứ hai, cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” Việc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cho vay với mức lãi suất rất cao là vấn đề cần được lên án hiện nay. Do đó, tác giả đề xuất bổ sung vào khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”: “2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. 

[1] Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:  “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm – quyển 1), Nxb. Hồng Đức.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THÚY LOAN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9

HUỲNH HẢI DUY

Tòa án quân sự Quân khu 9

 Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật về tội “Làm nhục đồng đội” tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015 

Nguyễn Mỹ Linh