Tính tới ngày 10/02/2021, Covid-19 đã lây lan trong gần 107 triệu người của 219 quốc gia, vùng lãnh thổ và tước đi sinh mạng của hơn 2 triệu người; trong đó ở Việt Nam ghi nhận hơn 2000 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Mặc dù diễn biến bệnh dịch phát triển ngày càng phức tạp, song nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các phương án kịp thời của Chính phủ, số ca mắc và tử vong của nước ta vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
Với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ khi Covid-19 chưa xuất hiện, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm lần đầu vào ngày 21/11/2007 quy định về bệnh truyền nhiễm, các biện pháp và điều kiện để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Dịch bệnh Covid-19 do chủng mới của virus nCoV (có tên gọi khác là virus SARS-CoV-2) gây ra, lây nhiễm ở người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi, người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc. Do đó, có thể xác định dịch bệnh Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm, từ đó áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, các biện pháp cách ly y tế; các trường hợp, phạm vi áp dụng; thẩm quyền của người áp dụng; cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch được trình bày hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010.
Bên cạnh đó, biên giới là khu vực phức tạp với quá trình xuất nhập cảnh diễn ra thường xuyên và lượng người di chuyển lớn dễ gây nên tình trạng mất kiểm soát khi dịch bệnh diễn ra, ngày 01/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, để tăng tính răn đe cũng như đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói riêng và hoạt động y tế nói chung, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về lĩnh vực xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã ra đời.
Tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng đã có quy định về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và được cập nhật trong quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Có thể thấy, các văn bản quy phạm pháp luật trên đã phát huy hiệu quả, tạo lá chắn đầu tiên cho Việt Nam trước dịch bệnh và là tiền đề cho các hoạt động kiểm soát, xử lý sau này.
Ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 15/CT-TTg được ban hành với các quy định tránh tập trung đông người cụ thể là: dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 1 phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện đồng thời giữ khoảng các an toàn tối thiểu là 2m; các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng bị tạm đình chỉ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở để đảm bảo sinh hoạt đời sống của người dân. Bện cạnh đó, để kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động vận tải cũng bị hạn chế từ vùng có dịch đến các địa phương khác, đặc biệt là vận chuyển hành khác từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến các địa phương khác. Chỉ thị 15/CT-TTg đã giúp hạn chế các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, ngăn chặn nguồn lây nhiễm – sự tiếp xúc giữa người và người đồng thời giảm thiểu tối đa xáo trộn đời sống của người dân.
Mặc dù đã có chuẩn bị bước đầu, song Covid-19 là một loại virus nguy hiểm nhưng một bộ phận người dân thiếu ý thức, không nhận thức được tính nghiêm trọng của bệnh dịch khiến cho nó có điều kiện lây lan trong công đồng. Trước tình hình cấp bách lúc bấy giờ, ngày 31/03/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg nâng mức phòng, ngừa dịch Covid-19 lên mức cao nhất với “biện pháp cách ly toàn xã hội”. Theo đó, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện và và 2m là khoảng cách an toàn tối thiểu được đưa ra. Đối với các cơ sở kinh doanh, quy định về hoạt động vẫn được giữ nguyên như trong Chỉ thị số 15. Tuy nhiên, hoạt động vận tải từ các vùng có dịch đã bị dừng di chuyển và cơ bản dùng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Nhờ sự quyết liệt trong hoạt động kiểm soát, xử lý, tình hình dịch bệnh ở nước ta đã có chuyển biến tích cực tới tổng số ca mắc đã giảm đáng kể. Nhận thấy dịch bệnh được cải thiện, Chính phủ đã nhanh chóng điều chỉnh lệnh giãn cách xã hội để phục hồi nền kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tới đời sống nhân dân. Theo đó, khoảng cách an toán tối thiểu được giảm xuống còn 1m, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, khách sản,... được phép mở cửa; khu danh lam thắng cảnh, khu di tích, khu thể thao hoạt động trở lại nhưng vẫn tạm đình chỉ kinh doanh với các loại hình dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, masage, vũ trường, quán bar. Các xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn tránh tập trung đông người với các hoạt động lễ hội, tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người và không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài công sở, trường học, bệnh viện được quy định tại Chỉ thị 19/CT-TTg.
Bên cạnh các Nghị định, Chỉ thị từ Chính phủ, các cơ quan cũng đưa ra các khuyến cáo, thông báo, hướng dẫn cụ thể cho đơn vị mình như Quyết định số 470/2020/QĐ-BTP về thành lập Ban chỉ đạo, phòng chống dịch Covid 19 của Bộ Tư pháp, Chỉ thị 24/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Công văn số 12824/BTC-KHTC ngày 19/10/2020 của Bộ Tài chính ban hành gửi các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19,…
Đi cùng với những quy định về phòng chống dịch là những quy định về cách ly y tế. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Đối với các trường hợp các đối tượng thuộc trường hợp quy định không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2020 của Chính Phủ cũng quy định về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Cụ thể, Nghị định này cũng quy định rất rõ các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, thẩm quyền, trình tự thủ tục và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã quy định rõ hai trường hợp, cụ thể:
- Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
- Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
Tóm lại, đến nay có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những người vi phạm quy định về cách ly y tế gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hành vi trốn tránh cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly không chỉ là hành vi vi phạm về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống của cả đất nước, do đó các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng của các hành vi này.
Các quy định pháp luật Việt Nam được ban hành kịp thời, được điều chỉnh theo sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu bảo vệ sự an toàn của nhân dân đồng thời đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch. Phòng, chống chống dịch Covid-19 nói riêng, bệnh truyền nhiễm nói chung luôn cần sự phối hợp của chính quyền và nhân dân, vậy nên các cơ quan, ban ngành cần chủ động hơn trong việc ứng phó, kiểm soát, xử lý và mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
TRÀ MY