/ Tư vấn
/ Quyền khởi kiện của khách hàng khi mua hàng qua mạng

Quyền khởi kiện của khách hàng khi mua hàng qua mạng

05/01/2021 18:02 |

(LSO) - Khi xảy ra sự cố về chất lượng hàng hóa được mua qua mạng, khách hàng có quyền khởi kiện người bán hàng chứ không phải là website thương mại điện tử.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhu cầu mua sắm của người dân thông qua mạng xã hội, các chợ thương mại điện tử (TMĐT) càng trở nên phổ biến và thông dụng. Đặc biệt, trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thì việc người dân mua hàng qua các chợ TMĐT lại càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, những bất cập, phiền toái mà khách hàng gặp phải khi mua sắm qua hình thức này cũng bắt đầu bộc lộ.

Người mua có quyền đòi bồi thường

Theo quy định của pháp luật, khi mua hàng qua website TMĐT thì khi người mua đặt hàng trực tuyến và người bán chấp nhận, xác nhận đơn hàng thì được coi là đã giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Vì vậy, hai bên đã hình thành các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Điều 434 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán thì bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua theo đúng thoả thuận, trường hợp giao sớm hơn hoặc muộn hơn thời hạn đã thoả thuận thì phải được sự đồng ý của bên mua.

Nếu việc giao hàng chậm gây ảnh hưởng đến công việc hoặc thiệt hại về kinh tế đối với bên mua thì được giải quyết như thế nào? Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong trường hợp này bên bán giao hàng chậm là đã vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Căn cứ Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Theo đó, người mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc giao hàng chậm trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015: 
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Căn cứ khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như sau:
“ 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Nếu bên bán giao hàng không đạt chất lượng như thoả thuận trong hợp đồng, thì bên mua sẽ có các quyền được quy định tại Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thoả thuận;
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vậy trong trường hợp này, bên mua có quyền nhận nhưng không phải thanh toán đủ và đúng với số tiền ban đầu thoả thuận. Nếu không đồng ý bên mua có thể gửi trả lại đơn hàng và yêu cầu giao tài sản đúng với hợp đồng thoả thuận, yêu cầu bồi thường nếu có.

Nếu bên giao hàng không giao lại tài sản đúng chủng loại thì bên mua có quyền đơn phương chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó. Ngoài ra, nếu bên bán không chịu trách nhiệm bồi thường thì bên mua có thể khiếu nại để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Theo điểm b, khoản 8, Điều 2 Quyết định số 848/QĐ-BCT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trong đó:
"Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...".

Vì vậy, trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương.

Theo đó, có 4 hình thức để người tiêu dùng có thể khiếu nại đó là tổng đài tư vấn hỗ trợ, email, đường văn thư đến địa chỉ của Cục và trang web bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể như sau:
- Gửi email đến Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương: vcca@moit.gov.vn.
- Truy cập trang web Cục www.vcca.com.vn để phản ánh.
- Gửi hồ sơ, đơn khiếu nại qua đường bưu điện tới địa chỉ: 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 (miễn phí cước gọi).

Có thể khởi kiện

Hiện nay một số chợ TMĐT bán rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại mặt hàng như sữa, thực phẩm... không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. 

Hiện nay quy định xử lý đối với hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ TMĐT đã được quy định tại Điều 83 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

Trường hợp có sự vi phạm trong hành vi cung cấp dịch vụ TMĐT thì mức phạt sẽ dao động từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy vào hành vi, ví dụ như: không hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh mâu thuẫn với người bán trong giao dịch trên website; không công bố đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại trực tuyến hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử theo quy định...
Ngoài ra, các website TMĐT vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6 tháng 12 tháng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền “.vn” và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trong trường hợp khách hàng sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nếu xảy ra tình trạng ngộ độc hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe thì xử lý thế nào?.

Theo Luật sư Hà, căn cứ quy định của pháp luật thì mọi người dân đều có quyền khiếu nại, khởi kiện trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Điều này được áp dụng tương tự trong tình huống người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trên website TMĐT nhưng bị ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy định tại Điều 18 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì nngười nhận thông điệp dữ liệu là người được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu đó”.

Như vậy, khi thực hiện chức năng đặt hàng trên website TMĐT, người mua sẽ gửi đề nghị giao kết hợp đồng với người bán qua chức năng “Đặt mua”. Theo đó, hợp đồng được giao kết lúc này là giữa khách hàng là người mua và chủ sở hữu sản phẩm là người bán. Do đó, khi muốn khởi kiện thì người bán hàng sẽ là người bị kiện chứ không phải là website TMĐT.

LÊ HOÀNG

/phat-huy-vai-tro-cua-luat-su-trong-giai-doan-xet-xu-vu-an-hinh-su.html
/lam-quyen-thu-phi-cach-ly-co-so-phap-ly-nao-de-dia-phuong-dua-ra-cac-loai-phi-va-le-phi.html