Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, cơ bản hoàn thiện dự thảo Luật. Về Điều 2 giải thích từ ngữ, Đại biểu cho rằng, định nghĩa “đối tượng dễ bị tổn thương” đang có phạm vị rộng hơn so với định nghĩa về “đối tượng dễ bị tổn thương” đã được quy định tại khoản 4, Điều 3 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thống nhất định nghĩa để tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong khi áp dụng.
Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự tại Điều 3, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về phương châm 4 tại chỗ để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn. Phương châm 4 tại chỗ ở đây có phải là phương châm 4 tại chỗ được quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 hay không? Nếu đúng thì phải có quy định dẫn chiếu. Nếu áp dụng phương châm 4 tại chỗ khác thì phải liệt kê cụ thể, rõ ràng hơn.
Về Điều 18 các biện pháp khi có nguy cơ xung đột xảy ra sự cố, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung cụm từ “vật tư y tế” vào Điều 18 và Điều 27. Liên quan đến Điều 21 khoản 3, Đại biểu đề nghị thay thế cụm từ “pháp luật” thành cụm từ “Luật trưng mua, trưng dụng tài sản”.
Liên quan đến Điều 37 quyền và nghĩa vụ cá nhân, Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “tài sản”, bỏ cụm từ “pháp luật” tại điểm c khoản 1 Điều 37.
Bên cạnh đó, tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, về đối tượng điều chỉnh, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về đối tượng điều chỉnh, nên cần bổ sung điều khoản làm rõ nội dung này. Về giải thích cụm từ “phòng thủ dân sự”, dư thảo Luật quy định, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung cụm từ “xung đột vũ trang” vào phần giải thích chi tiết khái niệm trên, để đảm bảo bao quát hết các trường hợp trong thực tế. Về quy định liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự và ban bố tình trạng thảm họa, đại biểu cho rằng quy định còn chung chung, chưa lượng hóa cụ thể, vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định chi tiết, rõ ràng, tránh lúng túng, thiếu nhất quán trong áp dụng pháp luật khi luật được ban hành.
Về chính sách của nhà nước trong phòng thủ dân sự, khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật thể hiện rõ huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước để thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự. Đại biểu đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng mở rộng hơn đối tượng huy động nguồn lực cả trong nước và nước ngoài, không nên chỉ giới hạn huy động nguồn lực trong nước.
VĂN QUANG
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số ý kiến đóng góp về phân loại và định giá đất