/ Góc nhìn
/ 'Rẻ rúng' học vị tiến sĩ

'Rẻ rúng' học vị tiến sĩ

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Khi đề tài luận án tiến sĩ là nghiên cứu phong trào cầu lông ở một địa phương xuất hiện trên mạng thì ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi và rất nhiều bình luận. Thái độ của dư luận thể hiện bằng các sắc thái và cung bậc: giận dữ, phê phán, chê bai, nhạo báng, cười cợt… Tựu trung đó là một sự đàm tiếu không có hồi kết.

Ảnh minh họa. 

Nhân đó, cư dân mạng sưu tầm và đưa lên các đề tài bảo vệ luận án tiến sỹ tương tự để “bảo vệ” cho “tiến sỹ cầu lông” không phải là một trường hợp hy hữu theo kiểu “Mắt toét là tại hướng đình/ Cả làng mắt toét riêng mình em đâu!”.

Trở lại với đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” thuộc ngành Giáo dục học và người bảo vệ thành công luận án này sẽ trở thành tiến sĩ Giáo dục học để thấy một điều hiển nhiên là người ta đã coi thường và "rẻ rúng" học vị tiến sĩ như thế nào. Phạm vi của đề tài đã thu hẹp đến mức tối thiểu: Môn cầu lông cho một đối tượng nhỏ là công chức, viên chức và chỉ giới hạn trong một thành phố nhỏ thuộc tỉnh là Sơn La nhưng được đặt dưới một tiêu đề to tát, kêu như chuông, đầy vẻ hàn lâm là “Nghiên cứu giải pháp phát triển”. Điều gây cười nằm ở chính chỗ này và chỉ cần đọc cái tên đề tài không thôi đã gây nên một sự hài hước đáng nể.

Về nội dung của luận án, có những người nghiêm túc đã tìm đọc kỹ và cho biết đây không xứng tầm với một luận án tiến sĩ, nếu là một báo cáo của cấp phòng chức năng về phát triển cầu lông thì phù hợp hơn và có thể chấp nhận được. Về phía cơ sở giáo dục đã cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh này khẳng định là quá trình đã diễn ra một cách bài bản, nghiêm túc và khẳng định “dân mạng chỉ nói quá lên thôi”. Một chi tiết nữa cũng cần tham khảo (để cười) là đề tài cầu lông này đã được đề cập là tham luận trong một hội thảo quốc tế do trường tổ chức. 

Tất nhiên, khi cơ sở đào tạo tên tuổi được coi là “lò ấp tiến sĩ” và được mọi người thản nhiên chấp nhận thì việc "tiến sĩ nở như gà con" và chẳng mang lại lợi ích gì cho khoa học cũng như nghề nghiệp là điều dễ hiểu. Đây là hệ quả trực tiếp của một nền giáo dục hám danh và của chủ trương “phổ cập hóa tiến sĩ”, đáp ứng yêu cầu cần phải có nếu muốn làm lãnh đạo. Vì vậy, xuất hiện rất nhiều “tiến sĩ giấy” và lịch sử đã quay lại với tình trạng “mảnh giấy làm nên thân giáp bảng”, chỉ có điều phải lưu ý là “mảnh giấy” ở đây mang mệnh giá lớn mà thôi. 

Đội ngũ tiến sĩ lớn mạnh và phát triển không ngừng, tiếc thay, việc này không mang lại vinh dự cho nền giáo dục nước nhà mà như một sự sỉ nhục đối với học vị này. Tình trạng tương tự như ở lớp tiểu học có 100% là học sinh giỏi và tiên tiến, như trường THPT có 99,9% tốt nghiệp. Chắc chắn, có vị là tiến sĩ “thật”, xứng đáng với học vị này phải khó chịu khi các “tiến sĩ giấy” đứng cùng hàng ngũ của mình và cũng được trọng vọng như mình, thậm chí hơn mình!

Tương lai, sẽ còn nhiều “tiến sĩ giấy” xuất hiện khi hiện tại, người ta đưa vào sách giáo khoa dạy trẻ những từ ngữ không chuẩn, những câu chuyện phi đạo lý và nhảm nhí, khi Lịch sử trở thành môn phụ và Đạo đức chỉ là Giáo dục công dân. Điều phi lý sẽ trở thành có lý khi đào tạo thế hệ trẻ nằm trong tay các “tiến sĩ giáo dục học” như trường hợp đã dẫn ở trên.

NHỊ NGỌC

Từ thần tượng đến tội đồ

Lê Minh Hoàng