/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 & 2 của NXB Giáo dục Việt Nam không theo Chương trình?

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 & 2 của NXB Giáo dục Việt Nam không theo Chương trình?

07/09/2021 02:24 |3 năm trước

(LSVN) - Không chỉ sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6 biên soạn chưa phù hợp với Chương trình theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành (2018) mà SGK Tiếng Việt lớp 1, 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng bộc lộ những lỗi không đáng có.

Sách không dạy học sinh viết chữ hoa

SGK Tiếng Việt 1 cũng thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam thì không có một dòng nào dạy học sinh lớp 1 viết chữ hoa. Mục lục và cả bảng thuật ngữ cuối sách cũng không có một thông tin nào về chữ hoa. Trong khi đó, khoản 2, Điều 6, Thông tư số 33/2018 ngày 22/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về SGK quy định rõ: “Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục".

Bìa sách Tiếng Việt 1, Tổng chủ biên: Bùi Mạnh Hùng và Bảng thuật ngữ cuối sách.

Theo quy định tại Chương trình môn Ngữ văn 2018 do bộ GD&ĐT ban hành nêu rõ: Học sinh lớp 1 phải “Viết đúng chữ viết thường, chữ số (từ 0 đến 9); biết viết chữ hoa”. 

Theo quy định của bộ GD&ĐT tất cả các cuốn SGK đều phải cung cấp bản mềm trên mạng để phụ huynh, giáo viên tìm đọc. Khi tìm đọc 4 bộ SGK Tiếng Việt 1 khác, PV nhận thấy bộ sách nào cũng tuân thủ quy định của Chương trình, có nội dung dạy viết chữ hoa. Không biết vì lí do gì mà Hội đồng thẩm định SGK và Bộ GD&ĐT bỏ qua một lỗi quan trọng như vậy cho bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống?

Tiếng Việt 1, TCB: Đỗ Việt Hùng, CB: Nguyễn Thị Hạnh.

Bìa Tiếng Việt 1 Chủ biên Nguyễn Thị Ly Kha và Tiếng Việt 1 sách Cánh Diều: TCB: Nguyễn Minh Thuyết.          

Viết sai hoặc bất nhất về chính tả ở sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Kết nối

Xin liệt kê một số lỗi mà chúng tôi tìm thấy ở tập sách này như sau:  

Trang 59, tập 1: Viết sai chính tả: “mặt trời”. Cần phải viết: “Mặt Trời”.  

Trang 115, tập 1: Viết sai chính tả: “mặt trời”. Cần phải viết: “Mặt Trời”.   

Trang 97-99, tập 1: Cùng là từ mượn nhưng viết theo 2 cách khác nhau: “ô tô”, “lê-gô”. 

Trang 46-47, tập 2: “… diễn tả lại cảnh trời đặt tên cho các loài cây”. “Trời” là tên riêng của nhân vật, phải viết hoa. 

Trang 71, tập 2: Viết sai chính tả: “mặt trời”. Cần phải viết: “Mặt Trời”.

Trang 26-27, tập 2: “sóng lúa vàng dập dờn”; trang 118, tập 2: “Cánh cò bay lả rập rờn”.

Trang 130, tập 2: Viết sai chính tả: “mặt trời”. Cần phải viết: “Mặt Trời”. 

Việc dùng từ đặt câu của sách Tiếng Việt bộ Kết nối cũng khiến cho không ít phụ huynh băn khoăn. Cụ thể, Trang 31, tập 1, mở đầu truyện “Cây xấu hổ” như thế này: “Bỗng dưng gió ào ào nổi lên”. 

Việc này giống như bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, từ những áng văn hay còn in dấu ấn trong hồn bao thế hệ học sinh, thì trong SGK Tiếng Việt 1, tập 2 sách Kết nối (trang 44), hơn nửa đoạn văn đã bị “biến dạng” bởi những câu từ vô nghĩa, lạnh lùng, không cảm xúc. 

Trang 35, tập 1, giải nghĩa từ “dự bị” như sau: “Dự bị: chưa phải là thành viên chính thức, có thể thay thế hoặc bổ sung khi cần”. Giải thích như vậy sẽ khiến cho học sinh không hiểu được “ai thay thế ai (hoặc cái gì)” và “bổ sung cho cái gì”.

Trang 53, tập 1: “Giải câu đố để tìm các từ ngữ chỉ sự vật: Cái gì tích tắc ngày đêm / Nhắc em đi ngủ, nhắc em học bài / Một anh chậm bước khoan thai / Một anh chạy những bước dài thật nhanh? (Là cái gì?)”.  Đang đố học sinh “cái gì” bỗng nhiên ở đâu chen vào 2 “anh” nữa, thế thì đố “cái gì” hay đố cả 2 “anh”? Mà đồng hồ thường có 3 kim, chứ có phải 2 kim đâu nhỉ? Còn về các từ ngữ chỉ sự vật mà học sinh cần tìm ở câu đố này thì đó là “cái đồng hồ” (hoặc “kim giờ, kim phút”) hay là cả các từ chỉ sự vật có trong câu đố: “ngày đêm”, “bài”, “anh”, “bước”?

Cũng trang 53, tập 1: “Giải câu đố để tìm các từ ngữ chỉ sự vật: Nhỏ như cái kẹo / Dẻo như bánh giầy / Học trò lâu nay / Vẫn dùng đến nó” (Là cái gì?)” Cứ theo dữ liệu mà SGK đưa ra thì học trò có thể đoán là kẹo cao su, chứ không phải cục tẩy. Còn về các từ ngữ chỉ sự vật mà học sinh cần tìm ở câu đố này thì đó là “kẹo cao su” (hoặc “cục tẩy”) hay là cả các từ chỉ sự vật có trong câu đố: “cái kẹo”, “bánh giầy”, “học trò”?

Trang 27, tập 2, bài nghe - viết “Mùa vàng” mở đầu: “Để có cái thu hoạch, người nông dân phải làm rất nhiều việc.” Phải chăng tác giả mượn lời một ông Tây mới bập bẹ tiếng Việt để viết bài này, chứ người Việt đâu có nói như vậy?

Trang 41, tập 2, bài nghe - kể: “Vật gì có ở vương quốc khiến nhà vua tự hào nhất?”. Hay như Trang 46, tập 2, bài 24 “Sự tích cây thì là” có cách xưng hô rất lạ: “Thưa trời, khi nấu canh riêu cá hoặc làm chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon ạ”.

SGK hỏi học sinh: “Những ai đã quan tâm, giúp đỡ cánh cam?”, “Họ đã làm gì và nói gì để an ủi cánh cam?”. Tiếng Việt không chỉ các con vật (như bọ dừa, cào cào, xén tóc trong bài thơ) là “ai”, là “họ”  (trang 70, tập 2).  

Còn ở trang 86-87, bài “Từ chú bồ câu đến in-tơ-nét”: “Thời xưa, người ta đã gửi thư bằng những cách nào?”. Lại một lỗi nữa về sử dụng từ “đã”. Điều này chứng tỏ đây không phải lỗi của một tác giả. 

Hoặc ở trang 118, tập 2: “Cánh cò bay lả rập rờn”. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, viết là “dập dờn” mới đúng. 

Từ việc biên soạn SGK không bám sát chương trình, có thể thấy rằng, sách Tiếng Việt 1 và 2 còn quá nhiều “sạn”. Dư luận cho rằng, những lỗi trong SGK của bộ sách cần được chỉnh sửa để học sinh được học những bộ sách tốt nhất.   

Những “hạt sạn” mà phụ huynh và thầy trò liên tiếp nhặt được trong bộ sách này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Dư luận đang trông chờ vào vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc xử lý những vấn đề trên. Bởi trẻ em có quyền được học những bộ SGK chuẩn nhất với tiêu chí chung: giáo dục, thẩm mỹ, chính xác, khoa học... Sự tùy tiện, nhất là tùy tiện trong giáo dục là điều tối kỵ cần phải tránh, để chúng ta có thể đào tạo ra những thế hệ ưu tú tương lai cho nước nhà. Mà làm được điều đó, phải bắt đầu bắt đầu từ những trang SGK. 

NAM DƯƠNG

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

Lê Minh Hoàng