SÁNG

18/07/2022 16:10 |

(LSVN) -

Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng

(LSVN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Trong đó, tại Điều 22 Thông tư quy định rõ về khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, căn cứ kết quả giám sát, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng quyết định hoặc trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, phê duyệt khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng.

Việc khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng căn cứ vào một hoặc kết hợp một số nội dung sau đây:

- Khi kết quả giám sát thể hiện dưới hình thức chỉ tiêu định lượng của đối tượng giám sát ngân hàng vượt ngưỡng cảnh báo;

- Trên cơ sở áp dụng phương pháp chuyên gia khi đánh giá, phân tích các thông tin định tính phản ánh các rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng từ kết quả giám sát kết hợp với kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán độc lập, kết luận kiểm toán nội bộ, thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước khác;

- Khi có yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Khi nhận được các khuyến nghị, cảnh báo, đối tượng giám sát ngân hàng phải có trách nhiệm kịp thời báo cáo, giải trình các khuyến nghị, cảnh báo theo yêu cầu của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng bao gồm tối thiểu các nội dung như thực trạng, nguyên nhân và kế hoạch khắc phục. Thời hạn nộp báo cáo, giải trình của đối tượng giám sát ngân hàng được nêu cụ thể trong văn bản khuyến nghị, cảnh báo gửi đối tượng giám sát ngân hàng. Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện khuyến nghị, cảnh báo của đối tượng giám sát ngân hàng.

Trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng quy định tại Điều 21 Thông tư này.

Thông tư 08/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022.

THU HUỆ

Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

Sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

(LSVN) - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký Văn bản số 1280/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp thứ 3 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. 

Đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thông báo kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Tổng Thư ký Quốc hội; đồng thời đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4, tổ chức hội thảo, tọa đàm, các cuộc trao đổi, làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo để đảm bảo chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các dự án luật khó, phức tạp, như các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện các báo cáo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sớm phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện bước đầu dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4 để gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, tạo sự chủ động cho các cơ quan sớm chuẩn bị nội dung kỳ họp. Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội, trong đó, nghiên cứu cách thức tổ chức Hội nghị hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lấy được tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội theo hướng chia nhóm nội dung để tổ chức thảo luận đồng thời, thông báo đến các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung nào thì đăng ký tham dự góp ý nội dung đó, đại biểu không nhất thiết tham dự tất cả các nội dung…

Sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, lưu ý những vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp, phiên họp, các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần bám sát tình hình thực tế, những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội rà soát, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án để tăng cường công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần,...

TIẾN HƯNG

Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam

(LSVN) - Theo quy luật chung, sự phát triển của các mối quan hệ xã hội luôn đi trước các quy định của pháp luật, do đó các quy định pháp luật luôn phải được cập nhật, bổ sung và đổi mới liên tục để bắt kịp những thay đổi của cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại và phức tạp. Các quy định về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng không phải ngoại lệ. Đất nước càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn. 

Ảnh minh họa.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã gia nhập nhiều các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định CPTPP. Điều này càng thúc đẩy các quy định pháp luật của Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong xã hội và sửa chữa những quy định còn chưa hợp lý gây cản trở cho hoạt động phát triển hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nói riêng và quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật có thể tham khảo cụ thể như sau:

Thứ nhất, học hỏi theo kinh nghiệm lập pháp của Liên minh châu Âu, pháp luật không nên định sẵn một hợp đồng khuôn mẫu bắt buộc các bên khi tham đàm phán phải tuân thủ mà nên mang tính gợi mở, tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận theo chiến lược của mình. Do đó, nên thay thế cụm từ “phải có” tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, đây là nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, trong khi đó cụng từ “phải có” khiến nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu bị bó buộc phải áp dụng một cách máy móc và cứng nhắc.

Thứ hai, đối với các quy định cấm các điều khoản hạn chế trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo các quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ sở hữu không được đưa các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển quyền, đặc biệt là những điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao đối với nhãn hiệu. Mặc dù vậy, các quy định này vẫn còn một số điểm bất cập. Do đó tác giả xin có một số kiến nghị như sau:

- Mở rộng quyền bị điều chỉnh tại điểm b khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ, không chỉ giới hạn tại quyền xuất khẩu. Bởi quyền sử dụng nhãn hiệu không chỉ có quyền lưu thông hàng hóa, xuất khẩu mà còn có các quyền khác như nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo sản phẩm mang đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Việc không cấm bên chuyển quyền hạn chế các quyền khác đối với bên nhận chuyển quyền thể hiện sự không công bằng với bên được chuyển quyền, mặc dù quy định này được đặt ra để đảm bảo quyền lợi của bên được chuyển quyền đó. Do đó, pháp luật nên chỉnh sửa điểm này theo hướng cấm bên chuyển quyền trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền thực hiện các quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó sang thị trường nước ngoài.

- Sửa điểm c Khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng cấm bên chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỉ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện, thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định theo những điều kiện bất hợp lý. Những điều kiện bất hợp lý này sẽ được bên nhận chuyển quyền - bên trực tiếp chịu tác động của điều khoản này chứng minh trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, về vấn đề giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: Thực tiễn cho thấy, một vụ việc về quyền sở hữu công nghiệp thương liên quan tới rất nhiều vấn đề như hành chính, kinh tế, dân sự và còn có thể là hình sự, đòi hỏi cần phải giải quyết vụ việc trong một tổng thể. Ở nhiều nước như Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan,… đều đã thành lập các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề liên quan trong cùng một vụ việc và rất có hiệu quả. Lý do đó là gần như các thẩm phán hiện nay đều chưa được trang bị kịp thời và đầy đủ các kiến thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chứ chưa tính đến việc kiến thức của họ chưa chuyên sâu. Mặc dù chúng ta còn có cơ chế trọng tài, thế nhưng trong nhiều trường hợp Tòa án vẫn là lựa chọn cần thiết để kết quả xét xử có thể công khai, đòi lại danh tiếng, cải chính những thông tin sai lệch trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở nước ta là rất cần thiết. 

Thứ tư, về quy định kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của bên chuyển quyền đối với bên nhận chuyển quyền. Như đã giới thiệu và phân tích ở trên, từ lâu pháp luật của Trung Quốc, Liên minh châu Âu hay Mỹ để đã có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Thế nhưng, hiện nay trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa hề có quy định điều chỉnh vấn đề này. Để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ khi chuyển quyền sử dụng vẫn đảm bảo được chất lượng như khi bên chuyển quyền cung cấp, theo người viết đòi hỏi pháp luật cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên nhận chuyển quyền trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, bên nhận chuyển quyền cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tiến hành kiểm tra, giám sát. Những quy định như vậy sẽ giúp thể hiện rõ quyền luôn đi kèm với nghĩa vụ đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, bên chuyển quyền cũng phòng tránh được các rủi ro khi bên nhận chuyển quyền lợi dụng uy tín của nhãn hiệu để bán những hàng hóa, cung cấp dịch vụ kém chất lượng từ đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu đó. 

NGÔ ANH DŨNG

Tòa án Quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội

Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

Admin