Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN.
Kết luận này được các công tố viên đưa ra ngày 13/10 tại một phiên tòa ở thành phố Kediri thuộc tỉnh Đông Java, nơi công ty Afi Farma đặt trụ sở. Đáng chú ý, sản phẩm siro ho của công ty này liên quan đến hơn 200 ca tử vong ở trẻ em nước này hồi năm ngoái.
Theo hãng tin Reuters, trong hồ sơ tòa án, các công tố viên cho biết 2 lô hợp chất propylene glycol mà Afi Farma đã đặt hàng từ tháng 10/2021 đến tháng 02/2022 và sử dụng trong sản xuất thuốc siro ho chứa 96-99% chất ethylene glycol có độc tính cao. Theo công tố viên Ikhsan Nasrulloh, cuộc xét nghiệm đối với sản phẩm thuốc ho của Afi Farma do cảnh sát tiến hành năm ngoái.
Luật sư đại diện của Afi Farm, ông Reza Wendra Prayogo, cho biết quy định của Cơ quan Quản lý Dược phẩm BPOM của Indonesia ban hành năm 2018 cho phép các nhà sản xuất dược phẩm sử dụng các kết quả xét nghiệm do các nhà cung cấp nguyên liệu thô thực hiện và không yêu cầu họ phải xét nghiệm độc tính các thành phần nguyên liệu sản xuất. Hiện BPOM chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Afi Farma là một trong 4 công ty bị cáo buộc cung cấp thuốc ho nhiễm độc trong một cuộc điều tra của cảnh sát Indonesia. Phiên xét xử các công ty này dự kiến diễn ra ngày 18/10 tới. Cuối năm ngoái, nhà chức trách Indonesia đã thu hồi giấy phép sản xuất thuốc của Afi Farma cũng như các sản phẩm của công ty này do vi phạm các quy định về sản xuất.
Theo quy định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giới hạn an toàn đối với chất ethylene glycol là không quá 0,1%. Bộ Y tế Indonesia cũng áp dụng mức giới hạn này trong văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng thuốc ban hành năm 2020. Chất ethylene glycol được sử dụng làm nguyên liệu thô trong sản xuất sợi polyester và cho các công thức chống đông cũng như chống ăn mòn. Hợp chất này nếu nuốt phải có thể gây ngộ độc và tổn thương thận cấp tính.
Không chỉ Indonesia, các nước như Gambia, Uzbekistan năm ngoái cũng ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc. WHO cũng đang hợp tác với các quốc gia này để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho này.
THÚC ANH/TTXVN