(LSO) - Trước những thông tin liên quan tới việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Real time PCR có giá cao rồi sau đó vội vàng “đàm phán lại” để giảm giá, Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, đã thực hiện đúng quy trình khi dựa trên căn cứ thẩm định giá của Sở Tài chính và việc giảm giá là việc doanh nghiệp hỗ trợ công tác phòng chống dịch theo lời kêu gọi của Sở, không phải là đàm phán lại giá.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình “đá bóng”: “đã qua nhiều hội đồng thẩm định giá”
Trao đổi với PV trước những thông tin Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã thực hiện hợp đồng, lắp đặt hệ thống dùng thử rồi quay ra “đàm phán” lại để xin giảm giá sau khi vụ việc tại CDC Hà Nội bị phanh phui, ông Nguyễn Quang Huy – Phó giám đốc Sở Y tế Thái Bình, đồng thời là Chủ tịch hội đồng đấu thầu lần mua sắm trang thiết bị y tế cho phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không phải Sở mua máy, lắp đặt đưa vào sử dụng rồi mới đàm phán lại giá như thông tin trước đó.
Cũng theo ông Huy, sau khi ký hợp đồng với nhà cung cấp với giá trúng thầu được phê duyệt của hệ thống xét nghiệm Real time PCR là 6.4 tỉ đồng thì đồng thời UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh phát động phong trào kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp chung tay trong công tác phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, Sở đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp, trong đó có nhà cung cấp hệ thống Real time PCR, ngay lập tức đơn vị ủng hộ 600.000.000 đồng và trừ thẳng vào giá máy.
Mặt khác, khi được hỏi về giá thiết bị cao hơn so với thị trường như phản ánh của dư luận, ông Huy cho biết, Sở đã làm đúng quy trình, trải qua nhiều hội đồng thẩm định giá, trong đó quan trọng nhất là kết quả thẩm định giá số 27/TB-HDTDG của Sở Tài chính. Dựa trên cơ sở này UBND tỉnh mới có quyết định Phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị y tế cũng như kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Nói là Thông báo kết quả thẩm định giá của Sở Tài chính là cơ sở pháp lý xác đáng nhất để Sở Y tế làm căn cứ. Tuy nhiên kết quả thẩm định này lại nêu “dựa trên cơ sở các tài liệu do Sở Y tế cung cấp…”.
Vậy có phải Sở Y tế Thái Bình "vừa đá bóng vừa thổi còi" và các kết quả thẩm định giá trên liệu có hoàn toàn khách quan như chia sẻ của Phó giám đốc Sở Y tế?
Xử phạt nghiêm hành vi vi phạm
Theo Luật sư Phạm Quang Biên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Giá trị trên cao hơn nhiều so với giá thị trường của một số đơn vị cung cấp khác.
Xét thấy, quá trình mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR đã có hành vi nâng khống giá trị gói thầu, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Riêng đối với trường hợp của CDC Hà Nội đã xác định gây thất thoát hơn 4,7 tỉ đồng. Như vậy, thông qua hoạt động đấu thầu, rõ ràng đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước, đó là dấu hiệu của sự trục lợi.
Theo Luật sư Biên, hành vi nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp phạm tội gây thiệt hại 4,7 tỉ đồng thuộc khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trong trường hợp này, khi quyết định hình phạt, cần căn cứ vào vào tính chất nguy hiểm cho xã hội, tình tiết tăng nặng và mức độ gây thiệt hại để đưa ra hình phạt thích đáng, đủ sức răn đe.
Liên quan đến vụ CDC Hà Nội bị khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định được các đơn vị có liên quan là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. Các đơn vị này trực tiếp ký kết các Hợp đồng, văn bản hoàn thiện quy trình đấu thầu để ra giá trị gói thầu có mức “trên trời”, vì vậy các đơn vị này phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền bị thiệt hại.
Cũng cần phải nói rõ, hành vi thực hiện hợp đồng xong, là đã hình thành quá trình phạm tội. Đàm phán lại giá chỉ là hành vi khắc phục hậu quả. Do đó, trong quá trình điều tra, xác minh cần làm rõ về đấu thầu trực tiếp liên quan đến ai, ai được lợi sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.
PHAN BÌNH