/ Kết nối
/ Sông Gianh – Con sông huyền thoại

Sông Gianh – Con sông huyền thoại

19/11/2023 12:56 |1 năm trước

(LSVN) - Sông Gianh con sông lớn, biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Một con sông huyền thoại thơ mộng, mang nhiều chứng tích lịch sử của dân tộc, là niềm tự hào của người dân tỉnh nhà. Sông Gianh còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn du khách.

Sông Gianh (tên chữ là Đại Linh Giang) bắt nguồn từ núi Cô Pi  cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn và có nhiều con sông nhỏ đổ vào như: sông Son, nguồn Nan, nguồn Trổ  và nguồn Nậy. Do bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hiểm trở, xuyên qua nhiều lách núi nên sông Gianh đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp kỳ vĩ, huyền bí đến nay con người chưa thể khám phá hết. Sông chạy trong tỉnh Quảng Bình qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch rồi đổ ra biển, có chiều dài 160km, nơi rộng nhất 900m. Trong lòng sông có nhiều cồn, đảo nhỏ, đảo lớn nhất dài 3,8km, rộng lớn nhất 0,8km. 

Thượng nguồn sông Gianh. (Ảnh sưu tầm).

Hai bên dòng sông Gianh đã tạo nên những cánh đồng màu mỡ, xóm làng sầm uất, có nhiều làng nghề, làng văn hóa nổi tiếng. Điển hình như làng La Hà một đảo thuộc xã Quảng văn, thuộc thị xã Ba Đồn, Lê Thánh Tông trong một lần Nam chinh nhà vua thấy bãi nổi này phong thủy tuyệt vời, có hình con cá chép bơi ngược, bởi 5 nhánh sông phụ đổ vào, nên gọi La Hà là “Ngũ long tranh châu”, mảnh đất này sẽ sinh ra những nhân tài kiệt xuất, có nền văn hóa độc đáo. Quả thực La Hà không giàu có như nơi khác nhưng học hành thì nổi tiếng, có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Dưới thời nhà Nguyễn huyện Quảng Trạch có 16 vị đại khoa thì làng La Hà  đã 6 vị. Trong các kỳ thi Hương từ năm Quý Dậu (1813) đến năm Mậu Ngọ (1918) huyện Quảng Trạch có 113 vị đỗ cử nhân thì La Hà chiếm 32 vị.

Dười triều vua Tự Đức năm Tân Hội thứ tư (1851) trong kỳ thi Hội tỉnh Quảng Bình có 3 vị đậu Tiến sĩ, làng La Hà 2 vị, 2 người này là thầy và trò. Thầy là Phạm Nhất Tân ( 41 tuổi), trò là Trần Văn Hệ ( 24 tuổi).

Ở La Hà có 2 dòng họ học nổi tiếng là họ Trần và họ Phạm. Như hai anh em, anh Trần Văn Chuẩn đỗ Tiến sĩ, em Trần Văn Thức đỗ cử nhân, cha Trần Văn Hệ đỗ Tiến sĩ, con Trần Hữu Xứng đỗ cử nhân.

Sông Gianh nhìn từ trên cao.

Đến nay làng La Hà vẫn còn lưu truyền về đức tính hiếu học 3 anh em nhà họ Trần để khuyên dạy con cháu. Trần Khắc Mẫn, Trần Khắc Thận và Trần Khắc Khoan nhà rất nghèo nên không có tiền mua giấy bút, đèn đi học. Ba anh em bèn lấy mo cau làm giấy viết, hàng ngày ra đồng mò cua , bất ốc nuôi sống bản thân, rồi về ngồi sau nhà thầy nghe thầy giảng, ghi chép lại. Đến đêm 3 anh em bắt đom đóm bỏ vào bong bóng lợn ( xin dân làng khi họ làm thịt) làm đèn. Với sự đam mê học tập 3 anh anh đều thi đậu đạt cao, làm quan đến chức Án sát dười thời vua Minh Mạng.

Ngược dòng sông Gianh lên thượng nguồn thuộc huyện Tuyên Hóa là vùng đất ken dày di tích lịch sử và nhiều cảnh quan tuyệt đẹp. Ở xã Thuận Hóa có những ngọn núi đá vươn ra giữa sông như vòm maí khổng lồ, trong những vòm mái đó vô số tổ ong mật làm tổ.Dân địa phương đặt tên là lèn Ong.

Vua Hàm Nghi rời Kinh thành Huế ra Sơn Phòng (Quảng Trị) phát chiếu Cần Vương hô hào Nhân dân ra sức giúp vua cứu nước. Thực dân Pháp cho quân ráo riết truy lùng, vua chuyển ra Hương Khê (Hà Tĩnh) . Ở Hương Khê một thời gian  bị địch phát hiện, vua Hàm Nghi về huyện Tuyên Hóa lập căn cứ kháng chiến. Thượng nguồn sông Gianh thành Kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương từ năm 1885 đến năm 1888. Hướng ứng chiếu Cần Vương nhiều chí sĩ ở Quảng Bình như: Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Hoàng Phúc, Đoàn Chí Tuân đã chiêu tập lực lượng, luyện binh nổi lên đánh quân Pháp. Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình phát triển mạnh mẽ từ vùng rừng núi đến đồng bằng, giành thắng lợi vang dội, đánh tan quân địch đồn Áng Sơn, Khe Giữa, làm cho kẻ thù hết sức hoang mang.

Bến phà Gianh  Anh hùng. (Ảnh sưu tầm).

Làng Lệ Sơn, xã Tiến Hóa nơi trên bến dưới thuyền tấp nập, đẹp như một bức tranh thủy mặc, 99 ngọn núi đá vôi soi bóng xuống dòng sông Gianh. Đây là quê hương của Lê Trực một thủ lĩnh thời Cần Vương, khu lăng mộ của ông đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hang Lệ Sơn đẹp nổi tiếng nằm trên đường xuyên Việt, căn cứ của bộ đội Trường Sơn trong thời chống Mỹ. Làng Minh Cầm chiến khu của Liên khu 4 trong thời chống Pháp. Xã Thạch Hóa vùng an toàn khu trong cuộc kháng chiến chống Pháp nơi tập trung các trường học đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Nhiều học sinh trưởng thành từ các trường ở đây trở thành những tướng lĩnh, nhà khoa học nổi tiếng như: Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Hoa Thịnh, Giáo sư, bác sĩ Trần Can, học giả Hoàng Thiếu Sơn, nhà giáo Hoàng Hữu Xứng… Xã Thạch Hóa và xã Đồng Hóa nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực ngày 12/9/1945 là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên tỉnh Quảng Bình. Tại đây, ngày 24/12/1947 Ban hành chính tỉnh đội làm đám cưới cho Chính trị Đồng Sĩ Nguyên (sau này là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Với vẻ đẹp và bề dày lịch sử, nhiều chiến công hiển hách sông Gianh đã tạo nên cảm xúc của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết nhiều ca khúc về vùng đất này, trong đó có ca khúc  đi cùng năm tháng: “Mùa hoa dẻ”, Nhà văn Văn Linh viết 4 tập về sông Gianh.

Theo dòng lịch sử Đại Cổ Việt sau này là Đại Việt dãy Hoành Sơn ( nay ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) là biên giới với nước Chiêm Thành. Chiêm Thành xây dựng sông Gianh thành một chiến tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền. Chiêm Thành đưa những đội quân tinh nhuệ ra đóng dọc sông Gianh, lập các đội chiến thuyền mạnh, được huấn luyện, trang bị tối tân (so với thời đó), xây dựng các cảng vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí ra củng cố biên ải. Sông Gianh trở thành một nơi quan trọng về phòng thủ của Chiêm Thành. Chiêm Thành thường cho quân sang đánh phá nước Đại Việt làm cho dân tình cuộc sống vô cùng khó khăn, biên giới lúc nào cũng căng thẳng. Vua Lý Thánh Tông một vị vua nhân mà dũng, năm 1069 ngài đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành phòng tuyến sông Gianh bị quân Đại Việt đánh cho tan tác. Quân Đại Việt bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Chế Củ xin dâng 3 châu cho nước Đại Việt là Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh chuộc tội, để được tha về. Ba châu lúc đó từ Quảng Bình đến Quảng Trị. Sông Gianh từ đây là phên dậu, chiến lược phía Nam của nước Đại Việt. Nơi đóng quân, nơi huấn luyện các đội thuyền thiện chiến, quân bộ binh để mở mang bờ cõi xuống phía Nam. Sông Gianh có nhiều thương cảng buôn bán với nhiều vùng trong nước.  

Nhà Minh sang xâm lược chúng bóc lột dân ta đủ đường, cuộc sống cơ cực. Năm 1425 Nhân dân Quảng Bình đã vùng lên cùng với  đạo quân tướng Lê Hãn đánh tan quân nhà Minh bên bờ sông Gianh. Quân ta giành chiến thắng người dân Quảng Bình vô cùng phấn khởi, từ đó kẻ thù không còn hung hăng, tàn ác như trước nữa.  

Trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1570-1786) chia cắt Bắc sông Gianh là xứ Đàng Ngoài do chúa Trịnh nắm giữ, Nam sông Gianh là xứ Đàng Trong do nhà Nguyễn cai trị. Trên 200 năm sông Gianh là chiến tuyến chia cắt 2 miền Nam-Bắc. Phía Bắc và phía Nam sông Gianh tường thành dựng lên thành tuyến phòng  thủ vững chắc. Người dân địa phương có câu:

Có tài thì vượt sông Gianh;

Dẫu mọc thêm cánh “Trường thành” khó qua.

Chiến tranh xảy ra triền miên, làng quê điêu tàn, người dân lầm than, đói khổ. Nguyễn Huệ-Quang Trung có công chấm dứt nội chiến, xóa chiến tuyến sông Gianh, người dân mới được sống thái bình.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp kẻ thù thấy vùng hạ nguồn sông Gianh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng nên chúng gấp rút xây dựng các boong ke, lô cốt trên các làng dọc hai bên sông Gianh, tổ chức lính canh phòng cẩn mật cho ca nô chở quân đi mở rộng vùng tạm chiếm. Toan tính của quân Pháp bị quân và dân Quảng Bình đánh trả quyết liệt. Tiểu biểu trận chống càn ở làng Phù Trịch-La Hà ngày 27/2/1950 đã chặn đứng ý đồ mở rộng vùng tạm chiếm của quân Pháp. Chiến thắng Phù Trịch-La Hà tạo nên khí thế cho quân và dân 2 bờ sông Giành liên tiếp tiêu diệt các đồn bốt địch.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ sông Giành là “tọa độ lửa”. Đặc biệt, bến phà Sông Gianh một điểm bắn phá quân thù chặn đường vận chuyển của ta ra chiến trường. Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ lần đầu tiên cho máy bay ra bắn phá miền Bắc, thì cảng sông Gianh một mục tiêu đánh phá của địch. Quân và dân 2 bên bờ sông Gianh cùng với bộ đội hải quân bắn rơi 3 chiếc máy phản lực của Mỹ, 1 chiếc bị thương. Quân và dân sông Gianh lập chiến công vang dội trận đầu đánh Mỹ. Cùng từ đó sông Gianh chịu không biết bao trận bom hủy diệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ phà sông Gianh vẫn kiên cường, luôn đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Quân thù run sợ không biết bằng cách nào mà đêm đêm phà Gianh vẫn hoạt động chở bộ đội, vũ khí trang bị ra chiến trường.

Tượng đài chiến thắng sông Gianh.  (Ảnh sưu tầm).

Hôm nay, tại bến phà năm xưa mang trên mình đầy chiến tích là một cây cầu bắc qua, trên dòng sông xanh thơ mộng, một điểm check in đẹp của du khách đến với Quảng Bình. 

Sông Gianh một con sông huyền thoại đã minh chứng không biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Sông Gianh niềm tự hào của người dân Quảng Bình, của người dân cả nước. Nhiều và rất nhiều người trong và ngoài nước có ký ức đẹp với con sông này. Sông Gianh còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đây hứa hẹn một điểm du lịch nổi tiếng của của Quảng Bình, của nước ta làm đắm say du khách. Cho tôi kết thúc bài viết này bằng câu thơ:  

Sương đêm khéo gọi tâm tình;

Một miền ký ức quê mình sông Gianh.

HẢI HƯNG

Nguyễn Hữu Trọng
LSVN