/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại trong Tuyên ngôn độc lập

Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại trong Tuyên ngôn độc lập

02/09/2022 02:14 |

(LSVN) - Cách đây đúng 77 năm, vào ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, là văn kiện khẳng định và kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam từ bao đời.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Tuyên ngôn độc lập ra đời sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công - một thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là văn bản chính thức công nhận sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà còn chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia – dân tộc có độc lập, có chủ quyền.

Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Thật vậy, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sớm hình thành và hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn. Truyền thống quý báu này luôn gắn kết chặt chẽ với khát vọng sống dưới nền độc lập, tự do của mỗi người dân Việt Nam. Mỗi khi Tổ quốc đứng trước sự đe doạ của giặc ngoại xâm,  truyền thống yêu nước lại một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ, thể hiện rõ nhất ở việc nhân dân ta cùng đoàn kết đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Ngay từ thuở bình minh dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải chịu ách xâm lược của các thế lực ngoại bang. Do đó, ý chí, khát vọng độc lập luôn được thể hiện ở tinh thần bất khuất của nhân dân ta, kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Điều này đã được thể hiện ở nhiều áng thiên cổ hùng văn như: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt); Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn),…

Cho đến cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, không cam chịu ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức, song các cuộc đấu tranh yêu nước đó cho đến trước Cách mạng tháng Tám đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Nhưng những thất bại đó lại trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá, làm bàn đạp quan trọng để cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vĩ đại. Bản Tuyên ngôn độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết đọng giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, khẳng định quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là văn kiện mang giá trị thời đại sâu sắc

Kế thừa những tinh hoa, tiến bộ, hướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp, ngay phần mở đầu của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Đây là một sự khẳng định rõ ràng về quyền cơ bản của con người, tất cả mọi người đều bình đẳng mà không phân biệt người đó được sinh ra ở đâu hay vào thời điểm nào. Trong đó 3 quyền cơ bản, cũng là quan trọng nhất, đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, không ai có thể xâm phạm hay tước đoạt hoặc chối cãi. Xuất phát từ những giá trị nhân văn cao cả, mang tính phổ quát toàn nhân loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao.

Từ sự khẳng định về chân lý lịch sử đó và từ quyền của mỗi người, của mọi người, trong Bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra” để nâng lên tầm cao mới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây không chỉ là một điểm mới, điểm đặc biệt mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh mà còn thể hiện tầm nhìn thời đại, vượt lên trên các bản tuyên ngôn trước đó về tư tưởng nhân quyền, nay được nâng lên thành quyền của cả dân tộc. Người khẳng định một cách rõ ràng, quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo, giới tính, sắc tộc. Đó là sự mở rộng tuyệt đối, đem lại những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.

Hơn nữa, Tuyên ngôn độc lập không chỉ dừng lại là bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam mà còn trở thành tuyên ngôn về quyền độc lập, tự do của tất cả các dân tộc bị áp bức; tạo động lực để đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Nếu như trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ đã đề cập đến cả quyền con người, quyền dân tộc, thì đến bản Tuyên ngôn của Việt Nam đã gắn kết hai phạm trù pháp lý cơ bản này trong mối liên hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người và ngược lại, thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền con người cao nhất chính là được sống trong đất nước tự do, là công dân của một nước độc lập. Chính điều đó làm nên giá trị thời đại sâu sắc của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Tuyên ngôn độc lập là bản cáo trạng đối với thực dân Pháp và phát xít Nhật, tiếp tục kế thừa và phát triển nguyên tắc về chủ quyền nhân dân

Tuyên ngôn độc lập không chỉ là lời tuyên bố hùng hồn về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, mà còn lên án mạnh mẽ hành động cướp nước, chế độ thống trị hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với dân tộc Việt Nam. Quá trình xâm lược của chúng, những gì chúng đã chà đạp lên nhân dân Việt Nam, những hành động chúng thực hiện nhằm cướp đi quyền con người, quyền dân tộc đều được vạch trần và lên án trong nội dung Tuyên ngôn độc lập. Và từ đó, Người khẳng định: Trong thời đại mới, không chỉ chế độ phong kiến chuyên chế mà chủ nghĩa thực dân với bản chất tàn bạo của nó cần được xóa bỏ, để bảo vệ quyền và nhân phẩm của con người. Khi còn chủ nghĩa thực dân, còn tình trạng dân tộc này áp bức, nô dịch dân tộc khác thì chắc chắn quyền con người ở các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc bị chà đạp, không được ghi nhận và thực hiện.

Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo không chỉ là cuộc cách mạng làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xóa bỏ xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và của phát xít Nhật, mà còn thực hiện nhiệm vụ lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại gần 1000 năm tại nước ta. Kết quả là, Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một nước độc lập, theo chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bên cạnh đó, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ chủ thể của cuộc cách mạng chính là nhân dân, thành quả cách mạng đạt được do nhân dân làm ra và nhân dân là người bảo vệ thành quả đó: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”. Có thể nói, đến đây nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ ràng. Hơn nữa, khái niệm nhân dân mà Người sử dụng không bó hẹp trong giai cấp, tầng lớp nào mà là mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo, giai cấp.

Tư tưởng này của Người sau đó được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 7 trong Hiến pháp ghi nhận quyền chính trị của công dân: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình. Nhân dân có quyền quyết định những công việc trọng đại của đất nước cũng như bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra”.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập mà Nhân dân ta đã giành được

Kết thúc Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tư tưởng đó đã củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do trọn vẹn của dân tộc, thể hiện ở thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chiến đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ; sau đó là chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Điều này thể hiện rõ nét ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi nền độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, được cụ thể hóa bằng tinh thần bất diệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; bằng chân lý lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trải qua 77 năm, đất nước Việt Nam và thế giới đã có những thay đổi sâu sắc về mọi mặt, nhưng giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn còn nguyên vẹn; tư tưởng và nội dung chủ đạo của Bản Tuyên ngôn vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng, củng cố và giữ gìn độc lập - tự do - hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo

1.Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.

2. Lê Thị Hằng. Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

LỆ MAI (t/h)

Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài hay là sự 'ăn may' từ 'khoảng trống quyền lực'

Lê Minh Hoàng