Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài hay là sự 'ăn may' từ 'khoảng trống quyền lực'

01/09/2022 16:38 | 1 năm trước

(LSVN) - Cuộc cách mạng "long trời, lở đất" của nhân dân ta diễn ra vào Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) là cuộc cách mạng vĩ đại mà thành quả của nó là đã "gây nên nước Việt Nam độc lập" và "lập nên chế độ dân chủ cộng hòa". Đây là "hai thành tựu cơ bản, to lớn nhất của cuộc Cách mạng Tháng Tám" (1). Và như thế, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có thể coi là sự kiện trọng đại nhất của nhân dân Việt Nam thế kỷ XX. Ấy thế nhưng, với góc nhìn thiên lệch, âm mưu phủ nhận giá trị, ý nghĩa lớn lao đó của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, một số nhà sử học phương Tây và Việt Nam đã cố tình suy diễn rằng, có một "khoảng trống quyền lực" (power vacuum) hay "khoảng trống chính trị" (political vacuum) đã được tạo ra ở Việt Nam sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Và do đó, cuộc Cách mạng Tháng Tám chỉ là sự "ăn may" của Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Vậy, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có thực sự là sự "ăn may" bởi có một "khoảng trống quyền lực", "khoảng trống chính trị" hay đó là thành quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng và nhân dân ta? Bài viết ngắn này của tôi sẽ góp thêm một góc nhìn về điều này để cho thấy chân giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại!

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Có hay không một "khoảng trống quyền lực" và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ là sự "ăn may"?

Như trên đã đề cập, trong một số công trình của các nhà sử học phương Tây về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, đã có quan điểm cho rằng có một “khoảng trống quyền lực”, “khoảng không chính trị” được tạo ở Đông Dương, Việt Nam khi mà phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Và do đó, thắng lợi của Việt Minh và nhân dân Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ là sự “ăn may” mà thôi.

“Philippe Devillers có lẽ là một trong những học giả phương Tây đầu tiên có quan điểm cho rằng thắng lợi của lực lượng cách mạng ở Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 có phần “may mắn” hơn là thực lực của lực lượng này” (2). Theo ông thì Cách mạng Tháng Tám không phải là sự bùng nổ, mà thực tế chỉ có một sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được. Các điều kiện ấy là việc Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), nạn đói năm Ất Dậu, tình trạng gần như vô Chính phủ ở Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng không điều kiện quân Đồng minh (3). Dù không nói rõ ra rằng có một “khoảng trống quyền lực” ở Việt Nam lúc đó, nhưng việc cho rằng có một “tình trạng gần như vô Chính phủ” ở Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh chính là nền tảng để Philippe Devillers phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám khi cho rằng lực lượng cách mạng đã may mắn hơn những lực lượng khác cùng có ý đồ giành độc lập lúc đó.

Cũng xuất phát từ lập luận coi trọng yếu tố khách quan là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, William. J. Duiker có lẽ là người đầu tiên đưa ra quan điểm “khoảng trống chính trị” khi ông viết: “Cần phải nhớ rằng Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành tựu vĩ đại như vậy và thắng lợi của những người Cộng sản là có sự đóng góp ở mức độ không nhỏ của những hoàn cảnh ngẫu nhiên (tôi nhấn mạnh - TG). Sự tan rã nhanh chóng của chính phủ ở cả các khu vực thành thị và nông thôn đi đối với sự trì hoãn đổ bộ của các lực lượng chiếm đóng của Đồng Minh sau khi Nhật Bản đầu hàng đã tạo ra một khoảng trống chính trị ở tất cả các đầu mối quyền lực” (4). Tuy nhiên, cũng chính Duiker cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng: “Nhưng chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Ở các xứ thuộc địa khác, khoảng trống có thể được lấp đầy bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức […] Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng” (5).

Kế thừa các quan điểm Philippe Devillers và Duiker, khi nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, nhà sử học Na Uy Stein Tønnesson đã có những đánh giá phiến diện, chưa thỏa đáng về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong cuốn sách "TheVietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War", ông cho rằng: "Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng Minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng Minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ" và rằng: “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền” (6). Dù rằng, đã tuyên bố: “Cuốn sách này không cho rằng cuộc cách mạng đó là “tình cờ”, “ngẫu nhiên” hoặc “ăn may” (7) thì quan điểm này của Stein Tønnesson đã cho thấy một cái nhìn thiên lệch, chủ quan về thực tiễn lịch sử Cách mạng Tháng Tám. Nhưng đáng tiếc, chính những quan điểm này của ông và một số nhà sử học phương Tây đã tạo tiền đề lập luận cho một số phần tử phản động người Việt đưa ra để chống phá Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây, ở những dịp tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9.

Vậy, sự thực thì có hay không khoảng trống quyền lực và sự ăn may của Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương? Xin thưa là không! Bởi vì “ở thời điểm đó quyền lực thực dân của người Pháp đã bị quân Nhật thủ tiêu thông qua cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và các lực lượng Đồng Minh được phân công giải giáp quân Nhật còn chưa kịp tiến vào, nhưng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại hai bộ phận trong cấu trúc quyền lực thống trị, đó là quân đội Nhật và hệ thống chính quyền của Nội các Trần Trọng Kim” (8). Và đánh giá về vai trò của quân đội Nhật, Phạm Hồng Tung đã chỉ ra rằng: “Tuy việc Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đã làm cho chúng dao động, hoang mang nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà đội quân này bị tan rã, suy yếu hay tê liệt hoàn toàn. Ở thời điểm đó, quân đội Nhật có quân số lên đến trên 90.000 người, được trang bị đầy đủ, và cần phải nhớ rằng đây là đội quân chưa từng thua trận nào trong toàn bộ cuộc chiến. Tuy có bị khủng hoảng tinh thần, nhưng trước sau đây vẫn là đội quân có tinh thần kỷ luật cao, và hơn nữa, quân Nhật đã không hề tự mình tước bỏ quyền lực thống trị của chúng” (9). Và do đó, ông cho rằng: “Đội quân Thiên Hoàng gồm trên 90.000 quân chính quy có mặt ở Việt Nam khi đó thực sự là một quyền lực vẫn còn rất mạnh, không hề có một "khoảng trống quyền lực" nào như Stein Tønnnesson giả định cả” (10). Còn chủ thể quyền lực thứ hai đang tồn tại ở Việt Nam sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng chính là hệ thống chính quyền do Nội các Trần Trọng Kim lãnh đạo. Nhà sử học Phạm Hồng Tung cho rằng: “Ai cũng biết rằng hệ thống chính quyền này không mạnh, rệu rã và bị rơi vào khủng hoảng sâu sắc sau khi Nhật đầu hàng. Tuy vậy, với tính chất là một bộ phận hợp thành của cấu trúc quyền lực thống trị khi đó, hệ thống chính quyền này không tự rời bỏ vị trí quyền lực của mình” (11). Do đó, ông nhấn mạnh rằng: “Hệ thống chính quyền bù nhìn thân Nhật tuy rệu rã nhưng không phải là tê liệt hoàn toàn. Trong quá trình tổng khởi nghĩa, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến lực lượng cách mạng phải trả giá đắt. Sự phản bội và chống đối ngoan cố của Quản Dưỡng ở Hà Đông khiến cho 47 người thiệt mạng là ví dụ rõ nhất” (12). Trên cơ sở của các quan điểm này, Phạm Hồng Tung khẳng định: “Rõ ràng là cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vào mùa Thu năm 1945 đã diễn ra trong điều kiện khách quan thuận lợi, nhanh gọn, ít đổ máu, nhưng chắc chắn không phải là diễn ra trong một "khoảng trống quyền lực" nào đó. Các chủ thể quyền lực thống trị, bao gồm quân đội Nhật, hệ thống chính quyền do Nội các Trần Trọng Kim đứng đầu được sự hậu thuẫn của một số đảng phái thân Nhật, không những vẫn đang nắm giữ quyền chính trong tay mà vẫn còn có thể vung ra những đòn trấn áp khốc liệt hoặc ngăn cản việc cách mạng giành chính quyền. Với lực lượng quần chúng áp đảo, với bản lĩnh và trí tuệ vô song, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã chớp thời cơ, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên phạm vi toàn quốc” (13).

Vậy thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại có được là do đâu?

Có thể khẳng định ngay rằng, đó là do việc xác định đúng phương hướng chiến lược của cách mạng; ở nghệ thuật đoán định thời cơ và phương thức chớp thời cơ cách mạng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền một cách đúng đắn, sáng tạo kịp thời. Đồng thời, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài về lực lượng cách mạng (cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), của Đảng từ khi được thành lập năm 1930.

Về phương hướng chiến lược cách mạng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền c.m (Cách mạng - TG) và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản” (14) với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; lập chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông” (15). Mục tiêu, nhiệm vụ này đã tiếp tục được quán triệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng tháng 5/1941 rằng: “Nhưng trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc. Một điều thứ hai nữa là đã nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tuỳ theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách "dân tộc tự quyết" cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tuỳ theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tuỳ ý. Một chính phủ cộng hoà mạnh hơn không có quyền bắt các dân tộc nhỏ yếu tuân theo chính sách mình và tham gia chính phủ mình và các dân tộc thiểu số cũng không phải bắt buộc theo các dân tộc đa số và mạnh” (16).

Và để đạt được mục tiêu giải phóng quốc gia dân tộc, thiết lập một nền cộng hòa thì cần phải tập hợp một lực lượng cách mạng rộng rãi, đông đảo của quốc gia dân tộc. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, Đảng đã xác định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m (Cách mạng - TG) thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng lập hiến,...) thì phải đánh đổ” (17). Tiếp đó, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng tháng 5/1941, Đảng lại nhấn mạnh rằng: “Các dân tộc Đông Dương hiện nay bị dưới hai tầng áp bức bóc lột của giặc Pháp - Nhật. Ách áp bức ấy quá nặng nề, các dân tộc Đông Dương không thể nào chịu được. Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng. Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật. Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta” (18). Nghị quyết khẳng định: Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật. Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta” (19). Và chiến thuật của Đảng được xác định là: “Phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam). Cho nên cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại; vậy mặt trận hiệu triệu của đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh, hay nói tắt là Việt Minh. Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ” (20).

Về xác định hình thái, phương thức tiến hành cách mạng. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng nêu rõ: “Lúc đó Đảng phải ra khẩu hiệu "giao tiếp" và nâng cao những khẩu hiệu ấy lên như: Lập Xô viết, lập hội đồng tịch ký ruộng đất, sản nghiệp do công nhân kiểm soát, võ trang cho công nông,... Đồng thời, Đảng phải tổ chức và khuếch trương hết cả các cách tranh đấu của quần chúng như bãi công, bãi công vừa thị oai, bãi công vừa võ trang thị oai, tổng bãi công bạo động. Võ trang bạo động không phải là một việc thường, chẳng những là theo hình thế trực tiếp cách mạng, mà lại phải theo khuôn phép nhà binh, cho nên cần phải chú ý. Trong khi không có tình thế trực tiếp cách mạng cũng cứ kịch liệt tranh đấu; nhưng kịch liệt tranh đấu ấy không phải là để tổ chức những cuộc manh động, hoặc là võ trang bạo động quá sớm, mà cốt là để suy động đại quần chúng ra thị oai, biểu tình bãi công,... để dự bị họ về cuộc võ trang bạo động sau này” (21). Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 tháng 5/1941, Đảng khẳng định rõ rằng: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Và để tiến hành võ trang khởi nghĩa thắng lợi thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho nó. Nghị quyết nêu rõ, các điều kiện ấy là: 1) Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc; 2) Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị (tr. 129) của Pháp - Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa; 3) Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị lẫn quân sự; 4) Những điều kiện khách quan tiện lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh - Mỹ tràn vào Đông Dương. Về mặt trận cứu quốc tuy Đảng ta đã huy động được nhiều cuộc tranh đấu và đã có những phong trào khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ và Đô Lương và hiện nay đội quân Bắc Sơn còn đương hoạt động, song lực lượng toàn quốc chưa được thống nhất. Muốn có một lực lượng toàn quốc đủ sức gây ra và củng cố cho một cuộc khởi nghĩa thì Đảng ta phải:

a) Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu, sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa.

b) Mở rộng các tổ chức vào những nơi thành thị, sản nghiệp, hầm mỏ, đồn điền.

c) Mở rộng sự tổ chức vào các tỉnh phong trào còn yếu ớt và dân tộc thiểu số.

d) Đào luyện cho các đảng viên cộng sản có một tinh thần cương quyết hy sinh.

e) Đào luyện cho các đảng viên đủ năng lực và kinh nghiệm, đủ sức chỉ huy và xoay xở tình thế.

f) Phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc. Hiện nay, tuy lực lượng của Đảng ta chưa được lan rộng mạnh mẽ khắp toàn quốc, nhưng thời gian và không gian sẽ làm việc cho ta. Thật vậy, những sự áp bức bóc lột của giặc Pháp - Nhật quá tàn bạo, quá gay gắt càng làm cho dân chúng không thể chịu nổi. Do đó, phong trào cách mạng sẽ bồng bột một cách mau chóng. Hơn nữa Liên Xô thắng trận, quân Tàu phản công, quân Nhật đang mắc sự phản công của Anh - Mỹ. Cách mạng Pháp và Cách mạng Nhật sôi nổi. Tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển và rồi đây lực lượng sẽ lan rộng toàn quốc để gây một cuộc khởi nghĩa toàn quốc rộng lớn. Tình hình thế giới sẽ biến chuyển ghê gớm làm cho tình hình Đông Dương thay đổi có lợi cho cách mạng (22).

Như vậy, rõ ràng là ngay từ tháng 5/1941, Đảng đã không chỉ nêu rõ về hình thái tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền là đi từ chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần ở từng bộ phận tới tổng khởi nghĩa mà đồng thời đã dự đoán cả về thời cơ cách mạng. Điều đó cho thấy sự chủ động của Đảng trong việc nắm bắt thời cơ, lãnh đạo cách mạng để góp phần thúc đẩy thời cơ cách mạng đến nhanh hơn. Điều này còn được thể hiện rõ trong bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ngày 12/3/1945. Trên cơ sở đánh giá tình hình tình hình thực tiễn, Đảng đã xác định là: “Mặc dầu tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực chín muồi” (23), vì 03 lý do: a) Cuộc kháng chiến của Pháp quá yếu và cuộc đảo chính của Nhật tương đối dễ dàng; nên tuy giữa hai bọn thống trị Nhật, Pháp có sự chia rẽ đến cực điểm; tuy hàng ngũ bọn Pháp ở Đông Dương hoang mang, tan rã đến cực điểm; nhưng xét riêng bọn thống trị Nhật, ta thấy chúng chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm. b) Các từng lớp nhân dân đứng giữa tất nhiên phải qua một thời kỳ chán ngán những kết quả tai hại của cuộc đảo chính, lúc ấy mới ngả hẳn về phe cách mạng, mới quyết tâm giúp đỡ đội tiền phong. c) Trừ những nơi có địa hình, địa thế, có bộ đội chiến đấu không kể, nói chung toàn quốc, đội tiền phong còn đang lúng túng ở chỗ sửa soạn khởi nghĩa, chưa sẵn sàng chiến đấu, chưa quyết tâm hy sinh” (24). Đảng đã dự đoán các cơ hội tốt sẽ làm cho điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi là: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Ba cơ hội tốt dưới đây sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi một cách mau chóng và một cao trào cách mạng nổi dậy: a) Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng). b) Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước). c) Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)” (25). Để thúc đẩy thời cơ đến nhanh hơn, Đảng chủ trương: Đem khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật!" thay cho khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật, Pháp!"... chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật. Thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa; động viên mau chóng quần chúng nhân dân lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng mạnh dạn tiến lên tổng khởi nghĩa. Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị, phá phách, cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy võ trang, du kích. Đồng thời phải sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện (ví dụ khi quân Đồng minh bám chắc và tiến mạnh trên đất ta) (26).

Như vậy, rõ ràng là để có được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có một quá trình lãnh đạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ cho một cuộc tổng khởi nghĩa. Cho đến đầu và giữa năm 1945, một khu giải phóng liên tỉnh gồm 06 tỉnh ở vùng trung du và miền núi phía bắc đã ra đời là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Hàng loạt các chiến khu cũng được thành lập như: Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo (Đệ tứ chiến khu), Vần - Hiền Lương, Vạn Thắng (Bắc Kỳ) Chiến khu Phan Đình Phùng (miền Trung), Chiến khu Nguyễn Tri Phương (miền Nam),… làm nơi đứng chân cho lực lượng cách mạng và luôn sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Trên thực tế là ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, lực lượng cách mạng được lãnh đạo bởi Tướng Nguyễn Bình đã giành được chính quyền ở hầu hết các địa bàn thuộc vùng Đồng Triều, Uông Bí ngay từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1945.

Và để cho cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn, Đảng đã không chỉ dừng lại ở việc đoán định thời cơ, chuẩn bị lực lượng cách mạng, mà còn chuẩn bị cả những phương án đấu tranh ngoại giao một cách kiên quyết. Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban chỉ huy lầm thời Khu Giải phóng Quang Trung ngày 12/8/1945 nêu rõ: “Giờ phút khởi nghĩa đã tới, cuộc chiến đấu chúng ta đã đến lúc quyết liệt, các đồng chí hãy trấn tĩnh và kiên quyết thi hành những chỉ thị dưới đây:

1. Huy động bộ đội đánh vào các đô thị nếu đủ điều kiện thắng lợi.

2. Bố trí đánh trên những bộ đội rút lui của địch.

3. Trước lúc hành động nên gửi tối hậu thư cho quân đội Nhật và lính bảo an nếu họ không hàng sẽ bị tiêu diệt.

4. Đối với quân đội Nhật đã hàng theo thì phải đối đãi tử tế, một phần lớn cho vào tập trung dinh còn một phần thì tuyên truyền cho họ về các bộ đội Nhật ở các nơi. Binh lính người Việt thì thả về sau khi tuyên truyền” (27). Xin lưu ý rằng, ở thời điểm ngày 12 tháng 8 năm 1945, Nhật vẫn chưa đầu hàng Đồng Minh. Và điều này đã cho thấy rõ sự chủ động về phương án đối phó với sự phản kháng của quân Nhật nếu có đối với lực lượng cách mạng. Và quân Nhật, trên thực tế cũng không ngồi im để tạo ra cái “khoảng trống quyền lực như Stein Tønnnesson nói cả. Bởi vì, theo Phạm Hồng Tung thì: Sau khi Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng, trước nguy cơ Nội các Trần Trọng Kim và Hoàng đế Bảo Đại có thể bị quân cách mạng lật đổ, quân Nhật vẫn cho người vào gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim, nói rõ: "Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng Minh đến thay" và nếu Chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật có thể giữ trật tự". Tuy nhiên, nhận thấy tình hình là không thể cứu vãn nên Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã khước từ lời đề nghị của quân Nhật. Tại Thái Nguyên, ngày 16/8/1945 Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã tung lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhất tấn công quân Nhật, có cả sự tham gia của "đội Con Nai" của OSS (Office of Strategic Service) do Allison Thomas chỉ huy. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tấn công quân Nhật vẫn không bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Chỉ tới khi Hà Nội giành được chính quyền và quân Nhật ở Thái Nguyên nhận được lệnh ngừng bắn, chúng mới chấp nhận thương lượng và bàn giao vị trí cho quân cách mạng. Tại Hà Nội, trong quá trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, quân Nhật dứt khoát không chịu nhượng bộ ở Nhà Ngân hàng Đông Dương. Lực lượng cách mạng cũng không thể giành được ngân hàng này nên phải nhượng bộ, cùng cử người canh gác. Trong khi đó, cuộc đánh chiếm Trại Bảo An Binh đã gặp khó khăn lớn, phải tạm gián đoạn khi quân Nhật cho xe tăng ra, định can thiệp. Chỉ đến khi lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa thương lượng thành công với quân Nhật thì cuộc đánh chiếm Trại Bảo An binh mới thành công” (28). Còn ở Phú Thọ, “ngày 22/8/1945, để đảm bảo việc giành chính quyền diễn ra thành công nhưng ít đổ máu, ông Nguyễn Phiên cùng với một phái đoàn Việt Minh gồm 8 người do Lê Quang Ấn phụ trách đã tiến hành đàm phán với đại diện quân Nhật đóng ở thị xã Phú Thọ” (29).

Như vậy có thể thấy, rõ ràng không có cái gọi là “khoảng trống quyền lực”, nào đã được tạo ra sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, và càng không có một sự “may mắn” hay “ăn may” nào trong diễn trình phát triển của cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất năm 1945. Thắng lợi của cuộc Cách mạng vĩ đại này chính là do sự tác động của cả yếu tố bên ngoài và bên trong, song yếu tố chuẩn bị bên trong của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh mang ý nghĩa quyết định. Bởi lúc đó, như chúng tôi đã nói, đâu phải chỉ một mình Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh là muốn đứng lên giành độc lập đâu, mà còn có Việt Nam Quốc dân Đảng, hàng chục các đảng phái khác và các giáo phái lớn như Cao Đài, Hoà Hảo. Và quan trọng hơn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ làm một nhiệm vụ là giải phóng dân tộc, đòi lại nền độc lập, mà nó còn đưa đến sự ra đời của nền dân chủ cộng hòa. Mà nói như Phạm Hồng Tung thì, trong tất cả các đảng phái chính trị ở Việt Nam từ năm 1920 cho đến tháng 8/1945, không có một tổ chức nào đặt vấn đề xây dựng một nền dân chủ cộng hòa như Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh cả. Theo ông, chính Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã có ý đồ, có sự chuẩn bị xây dựng một nền dân chủ cộng hòa khi mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công từ rất sớm, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (30). Và điều này một lần nữa lại cho thấy, kết quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đã được chuẩn bị một cách chu đáo, đi đúng quỹ đạo, theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo và kịp thời, chứ không phải là sự “may mắn” hay “ăn may”.

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.

(1) Phạm Hồng Tung, 2019, “Xác lập chế độ cộng hòa dân chủ - một thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám”, in trong Nguyễn Văn Kim - Phạm Hồng Tung, 2019, Lịch sử và văn hóa tiếp cận đa chiều, liên ngành, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 488.

(2) Trần Nam Tiến, 2016, “Về luận điểm “khoảng trống quyền lực” của các học giả phương Tây và vấn đề “chớp thời cơ” của lực lượng cách mạng Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 19, số X4-2016, tr. 34.

(3) Trần Nam Tiến, 2016, “Về luận điểm “khoảng trống quyền lực” của các học giả phương Tây và vấn đề “chớp thời cơ” của lực lượng cách mạng Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 19, số X4-2016, tr. 34.

(4) Duiker, William J., The Communist Road to Power in Vietnam, Boulder Co., Westview Press, 1981, tr. 100. Dẫn lại theo Phạm Hồng Tung, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 009/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 001/9/2022.

(5) Duiker, Sđd, tr. 100-101. Dẫn lại theo Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(6) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(7) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(8) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(9) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(10) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(11) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(12) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(13) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr. 2.

(15) Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009, Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (Dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44.

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 113.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr. 104.

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 112 -113.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 112 -113.

(20) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 121-122

(21) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr. 102.

(22) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 129-131.

(23) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 365.

(24) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 365

(25) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 365-366.

(26) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 366-367.

(27) Đảng Cộng sản Việt Nam, 1995, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 419.

(28) Xem Phạm Hồng Tung, 2016, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám”, đăng trên Website Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Link:  http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244. Truy cập ngày 01/9/2022.

(29) Huyện ủy Cẩm Khê, Nguyễn Văn Kim, Đinh Tiến Hiếu (Đồng chủ biên), 2020, Lịch sử văn hóa truyền thống huyện Cẩm Khê, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 203.

(30) Xem Phạm Hồng Tung, 2019, “Xác lập chế độ cộng hòa dân chủ - một thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám”, in trong Nguyễn Văn Kim - Phạm Hồng Tung, 2019, Lịch sử và văn hóa tiếp cận đa chiều, liên ngành, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 488-524.

Tiến sĩ PHẠM MINH THẾ

Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội

Cuộc họp Chính phủ đặc biệt quan trọng sau ngày Quốc khánh 02/9