Trong mỗi con người đều ẩn chứa những điểm tốt và điểm chưa tốt. Phần chưa tốt chính là lòng tham vô độ, những ham muốn, lòng thù hận và sự si mê quá đà; nếu không biết kiềm chế phần này, con người sẽ đánh mất đi mọi thứ và trở thành kẻ xấu, thậm chí là độc ác với đồng loại. Trong cuộc sống, mỗi người hoàn toàn có thể tự quyết định những việc mình làm để nó trở thành tốt hay xấu, chỉ có điều là trước khi thực hiện hành vi cần phải hiểu mình là ai, hoàn cảnh, môi trường và con người xung quanh mình là gì. Mặt khác, để có được những quyết định đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, còn phụ thuộc vào trí tuệ, bản lĩnh của mỗi người, điều này không tự nhiên có, mà nó phải được dạy dỗ ngay từ tấm bé và trải qua quá trình học tập, rèn luyện suốt cả cuộc đời.
Con người là một cá thể, nhưng không thể tồn tại riêng rẽ mà phải sống trong một cộng đồng. Cộng đồng là tổng hợp các loại mối quan hệ, máu mủ, thân thiết là: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt; gần gũi là: bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, hàng xóm láng giềng, đối tác làm ăn; xa xôi là: người trong xã hội, người gặp trên phố hay ngoài đường mà mình chưa hề quen biết...
Cuộc sống phát triển không ngừng, ngày nay con người được sử dụng khoa học công nghệ số, giúp chúng ta xóa nhòa mọi ranh giới và tạo cơ hội cho mỗi người có cách sống riêng. Xã hội hiện nay là xã hội kết nối, từ nhà khoa học, người nông dân cho đến những lao động nghèo khó nhất, mỗi người đều có thể trở thành mối liên kết luôn luôn hiện hữu nào đó thông qua kết nối mạng internet, zalo, facebook... Người ta có thể tự do làm quen, kết bạn, giao lưu, mua bán, trao đổi, nhận xét, bình luận đủ mọi thứ trên đời. Tuy luôn hiện hữu, nhưng nó chỉ là vô hình nhiều khi đã tạo ra những mối quan hệ ảo, thậm chí nó còn tạo ra lối sống vô cảm, vì thiếu trạng thái cảm xúc tích cực của con người nên không có sự thấu hiểu, đồng cảm với nhau và nó cũng ẩn chứa những tiêu cực độc hại, nhất là với lớp trẻ dễ bị si mê quá đà hay bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Ngày nay, đời sống vật chất đầy đủ hơn, nhưng các bậc ông bà, cha mẹ lại hay phàn nàn về con cháu vì ít quan tâm tình cảm với mình. Đối với những người càng lớn tuổi, họ lại càng mong muốn sự chia sẻ của con cháu và người khác nhiều hơn. Một kinh nghiệm sống của cả loài người không riêng dân tộc nào, hay giai đoạn nào đã đúc kết “niềm vui khi được chia sẻ thì niềm vui sẽ nhân đôi, nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa”.
Ở đời, thông thường đối với “người ngoài” người ta lại rất chu đáo, nhiệt tình vì là xã giao, còn những người gần gũi thân thiết nhất lại cho là “người nhà” thì thế nào cũng được, chỉ chú ý nội dung, không câu nệ hình thức, cho nên thường chủ quan mà để mất đi sự chăm sóc tự nhiên và sẽ làm cho người thân yêu của mình phải buồn. Con người cho dù là ai cũng đều mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người khác, chính sự chia sẻ sẽ làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều. Sự thấu hiểu, đồng cảm với người khác sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác và miềm vui cho chính mình. Những niềm vui nho nhỏ hàng ngày nhưng giá trị lại rất lớn, nó không chỉ là sự kết nối, duy trì mối quan hệ bền vững, lành mạnh mà còn giúp cho mỗi người thêm tin yêu cuộc sống, vượt qua khó khăn, làm việc hiệu quả và sống tốt hơn. Do vậy, thấu cảm đã trở thành một phần không thể thiếu để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và của người xung quanh.
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, người ở miền Bắc sống trong một cộng đồng chia sẻ. Trong gia đình, môi trường giáo dục hay ngoài xã hội của hậu phương lớn khi ấy là một khối thống nhất gắn kết, thấu hiểu, đồng cảm bên nhau cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với một ý chí quyết tâm “vì miền Nam ruột thịt” không sợ hy sinh gian khổ, làm tất cả để chi viện cho miền Nam, thống nhất đất nước. Trai tráng tình nguyện lên đường nhập ngũ, nhiều người gia đình con một, con liệt sĩ, thương binh được ưu tiên ở lại hậu phương, họ đã dùng máu của mình viết đơn xin ra mặt trận đánh giặc. Người ở lại dưới bom rơi, đạn nổ vẫn kiên cường bám nhà máy, xí nghiệp, ruộng đồng để sản xuất, tăng gia.
Ngày ấy không có điện thoại, bằng những lá thư viết tay từ hậu phương gửi đi, hay tiền tuyến gửi về hàng tháng, thậm chí hàng năm mới tới tay người nhận. Những nét chữ có thể đã mờ, trang giấy đã hoen ố, nhưng tình cảm với người thân yêu lại càng sâu sắc, gắn bó hơn, tiếng là xa cách, chia ly mà vẫn gần gũi, đồng cảm. Mỗi khi có một tờ báo, tập thơ, quyển truyện hay một lá thư... người ta đọc từng chữ, từng câu, chuyền tay nhau đọc, người không đọc được nhờ người khác đọc, chỉ nghe một lần mà nhớ mãi không quên. Bởi đó là thông tin có độ trung thực, là tâm tư tình cảm chân thành của con người đối với con người đã thấu cảm nhau nên nó thẩm thấu, ngấm sâu trong lòng người đọc, người nghe. Những tấm gương dũng cảm, những việc làm vì nước vì dân, tình yêu quê hương đất nước, con người ngày ấy đã có tác dụng cổ vũ động viên và kết nối mọi người với nhau vượt lên tất cả, tạo nên sức mạnh của dân tộc đánh thắng kẻ thù.
Ngày nay có nhiều sách, truyện, thơ, ca khúc, phim ảnh... hay hơn trước, nó cũng tác động vào tâm tư, tình cảm con người nhưng vì nó không thấu, nên không đọng lại lâu dài, người ta dễ quên làm mất đi độ bền, mất đi sức mạnh và nhiều tác dụng tích cực. Thông tin quá tải, chỉ ít phút người ta có thể tiếp cận hàng trăm trang báo, tin tức, nhưng chỉ là lướt qua vì độ tin cậy lại phải xem tin thật hay giả, chính thống hay giả mạo, những quảng cáo, chào mời thương mại tràn lan, nhiều khi nó chỉ là câu khách mà không đúng như lời quảng cáo, cách thể hiện lại gây phản cảm. Không ít kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những điều xấu xa để nói xấu người khác, lừa đảo, khiêu dâm, bạo lực... Thậm chí là xuyên tạc, kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu chống phá thành quả của Cách mạng Việt Nam.
Trong những ngày này chúng ta lại được chứng kiến sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ tình đồng chí, nghĩa đồng bào của người Việt Nam trong và ngoài nước trước cuộc chiến chống đại dịch lần thứ 4. Đây là giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất mà chúng ta đang phải đối mặt kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam. Tốc độ lây lan nhanh, biến chủng khó lường, số bệnh nhân vẫn không ngừng tăng hàng giờ, lượng người trong khu cách ly tập trung ngày càng lớn, số địa phương buộc phải phong tỏa, giãn cách nhiều thêm. Hơn lúc nào hết, sự đồng lòng của mỗi tổ chức, cá nhân lúc này là hết sức cần thiết vì nó có tác dụng củng cố thêm sức mạnh đoàn kết dân tộc dưới sự điều hành của Chính phủ. Hàng vạn cán bộ y tế, sinh viên các trường đại học y, dược, cán bộ y tế đã nghỉ hưu; cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích... tình nguyện về vùng tâm dịch, họ đều xác định sẵn sàng cống hiến, hy sinh, chấp nhận vất vả, khó khăn khi Tổ quốc cần để đẩy lùi dịch bệnh, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết.
Cả nước cùng hướng về tuyến đầu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm được quyên góp chở về vùng dịch. Điều đáng trân trọng đây hoàn toàn là sự tự nguyện, từ lòng yêu nước, trách nhiệm của con người đối với vận mệnh đất nước và đồng bào. Những tấm lòng cao cả không chỉ ủng hộ về vật chất mà còn là biểu tượng của tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” , “lá rách ít đùm lá rách nhiều” ngàn đời cha ông để lại cho con cháu lại được lan tỏa rộng khắp xã hội.
Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ này là sức mạnh giúp lực lượng phòng chống dịch thêm vững tâm, tin tưởng trong cuộc chiến phòng chống đại dịch vì ngay phía sau họ là điểm tựa của cả trăm triệu đồng bào đã kết thành một khối vững chắc. Chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch thành công, như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã bày tỏ “Nếu tất cả người dân Việt Nam cùng đồng lòng, quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh lần này, để đất nước sớm quay lại cuộc sống bình thường mới”.
Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Đối nghịch với sự thấu cảm là sự vô cảm, lạnh lùng, thói ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình. Ngày nay, để có được sự đồng cảm trong xã hội không phải một sớm, một chiều nhưng không phải là không thể khắc phục. Nếu như mỗi người có cách sống cân bằng, từ tốn, biết lắng nghe và chia sẻ, thấu cảm trước, đánh giá sau, biết suy nghĩ chín chắn trước khi thực hiện hành vi của mình.
Không phải là chuyện gì quá to tát tốn công, tốn sức hay tiền của mà là những chuyện làm thường ngày quanh ta, song điều cần thiết nhất là mọi việc làm cho người khác, cho cộng đồng phải xuất phát từ tấm lòng chân thành của con người đối với con người. Một việc làm tốt, một hành động đẹp lan tỏa rất nhanh và nó sẽ trở thành chiếc cầu nối cho con người xích lại gần nhau hơn, tạo dựng nên xã hội văn minh, tiến bộ, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, khó khăn, thử thách, đồng thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu xa và tội ác trong xã hội.
Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG
TP. HCM đề xuất miễn phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp