/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tác động của bitcoin đến tình hình xã hội ở Châu Âu và thực tiễn vấn đề pháp lý bitcoin ở Việt Nam

Tác động của bitcoin đến tình hình xã hội ở Châu Âu và thực tiễn vấn đề pháp lý bitcoin ở Việt Nam

22/08/2022 04:46 |

(LSVN) - Bitcoin là tiền ảo được chính thức lưu hành từ đầu năm 2009. Kể từ đó, đồng tiền này ngày càng được sử dụng rộng rãi và có nhiều biến động mạnh về giá. Thời gian gần đây, giá của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này tăng giảm thất thường khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đối với tình hình xã hội của nhiều nước, trong đó có các nước châu Âu và Việt Nam. Do đồng tiền ảo này chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận chính thức và hành lang pháp lý đối với việc quản lý đồng tiền này còn lỏng lẻo nên không tránh khỏi những hệ lụy không mong muốn. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu những tác động của Bitcoin đối với châu Âu và Việt Nam nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc quản lý tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và lành mạnh hóa thị trường tài chính của đất nước.

1. Khái quát về Bitcoin

Đồng tiền Bitcoin chính thức ra đời năm 2007 dưới dạng tiền điện tử hay còn gọi là tiền ảo, không chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng của chính phủ hay ngân hàng trung ương của bất kỳ quốc gia nào vì thế ban đầu Bitcoin khó được thị trường tài chính quốc tế chấp nhận trong các giao dịch như các loại tiền thông thường của các nước. Năm 2008, tên miền Bitcoin.org chính thức xuất hiện. Mặc dù vậy, đến tháng 01/2009 Bitcoin mới chính thức được đưa vào sử dụng với khối Bitcoin đầu tiên có tên Genesis Block. Từ tháng 10/2010, Bitcoin (BTC) bắt đầu được sử dụng để mua hàng hóa với giá trị 10.000 Bitcoin tương đương 25 đô la Mỹ (USD) ở thời điểm đó. Năm 2013, những dịch vụ lớn như Foodler, Reddit, OKCupid, Humble Bundle, Baidu và Gyft bắt đầu sử dụng Bitcoin làm đồng tiền thanh toán, đồng thời máy ATM bán Bitcoin đầu tiên xuất hiện tại Canada.

Năm 2014, sự kiện Silk Road xảy ra làm uy tín của Bitcoin giảm mạnh, sở tài chính New York đã phải đứng ra đưa Bitcoin vào diện đồng tiền được pháp luật bảo hộ. Năm 2015, ngân hàng lớn của Anh là Barclays chấp nhận Bitcoin, cho phép người dùng góp từ thiện bằng Bitcoin. Tháng 11/2015, ký hiệu Bitcoin (₿) đã được chính thức đưa vào bộ mã Unicode tại vị trí U+20BF trong bảng mã này. Năm 2017, Nhật Bản công nhận Bitcoin là phương thức thanh toán chính thức. Ngày 03/8/2018, tổ chức Intercontinental Exchange - chủ sở hữu Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã công bố hợp tác với Microsoft, Boston Consulting Group, Starbucks để mở sàn giao dịch Bitcoin có tên là Bakk. Tháng 10/2021, Bitcoin có thời điểm vượt mốc 64.000 USD/1 BTC - mức giá cao nhất trong lịch sử đồng tiền điện tử này kể từ khi được đưa vào sử dụng. Hiện nay, Bitcoin là đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới, chiếm gần 41% tổng vốn hóa thị trường của tiền điện tử. Do đó, nó có tác động nhất định đối với giá tiền điện tử như trong Biểu đồ 1 dưới đây.

Biểu đồ 1. Giá trị Bitcoin

 

Nguồn: Investing.com.

Trong Biểu đồ 1 là sơ đồ dữ liệu về giá của đồng Bitcoin từ ngày 18/8/2011 đến ngày 04/5/2022. Kể từ năm 2017 đến nay, giá của đồng Bitcoin đã tăng chóng mặt do sự tăng vọt của chi phí khai thác Bitcoin và nguồn cung giảm đáng kể, trong khi đó nhu cầu sử dụng gia tăng. Trong Biểu đồ 1, giá của Bitcoin tăng từ con số không lên 67.559 USD vào tháng 11/2021. Năm 2022, giá trị của đồng Bitcoin tăng 8% vào tháng 3 và tăng 10% vào tháng 4. Hiện tại, Bitcoin là đồng tiền đứng vị trí thứ nhất trong danh sách những đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn trên thị trường. Mức lưu trữ giá trị và tốc độ tăng trưởng của Bitcoin những năm gần đây tăng theo cấp số nhân đã thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều tổ chức lớn, thậm chí cả ở Trung tâm tài chính Phố Wall của Mỹ. Khối lượng giao dịch với mức giá hơn 42.000 USD/1 BTC mỗi ngày vẫn là con số khổng lồ chứng tỏ các nhà đầu tư rất yêu thích và kỳ vọng về nó.

Ngoài ra sự khan hiếm của Bitcoin và việc khai thác khó khăn càng làm tăng giá trị của đồng tiền điện tử lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trên thực tế, giá Bitcoin tăng đáng kể với chu kỳ bốn năm một lần. Việc nguồn cung giảm trong khi đó nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến giá của Bitcoin tăng vọt, được gọi là mùa tiền điện tử. Mùa tiền điện tử mới nhất là do đại dịch Covid-19 tạo ra, bắt đầu vào cuối năm 2020 và tiếp tục cho đến nay, dài hơn so với các mùa tiền điện tử trước đó diễn ra vào năm 2013 và 2017. Đại dịch Covid-19 có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là thị trường lao động và thị trường chứng khoán, vì thế cũng có những tác động nhất định tới giá trị của đồng Bitcoin.[1] Như vậy, trong vòng hơn một thập kỷ kể từ khi ra đời, đồng tiền ảo Bitcoin ngày càng được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thị trường tài chính nhiều nước, đồng thời giá trị của đồng tiền này cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên bên cạnh sự lớn mạnh nhanh chóng của đồng Bitcoin, những tác động tiêu cực có liên quan tới đồng tiền ảo này đối với tình hình xã hội ở nhiều nước đã bắt đầu xuất hiện, như trong một số trường hợp khảo sát ở một số nước châu Âu và ở Việt Nam dưới đây.

Nguồn: Coinvn.com.

2. Tác động của Bitcoin đến tình hình xã hội ở châu Âu

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về việc phản đối hay chấp nhận tiền điện tử. Mặc dù vậy, các quốc gia thành viên EU đều đã có những quy định khác nhau liên quan đến tiền điện tử nhằm kiểm soát cũng như tận dụng nguồn thu từ loại hình này cho ngân sách quốc gia. Chẳng hạn, Hội đồng thuế trung ương của Phần Lan đã phân loại Bitcoin là một dịch vụ tài chính và được xem là một loại hàng hóa. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý tài chính của Anh đề xuất lập trường ủng hộ Bitcoin và muốn môi trường pháp lý hỗ trợ loại tiền kỹ thuật số này. Đức là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa cho Bitcoin, đồng tiền này được coi là hợp pháp nhưng chủ sở hữu sẽ bị đánh thuế theo các mức độ sở hữu khác nhau khi giao dịch. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nước chưa chấp nhận Bitcoin hoặc đang xem xét cách thức để điều tiết tiền điện tử nhằm tránh thao túng tiền tệ trên không gian mạng. Bởi vậy, Bitcoin được xem là nằm trong “vùng xám” trên thế giới.[2] Đặc biệt, 2 trong số 10 thành phố trên thế giới ở châu Âu được coi là điểm nóng về Bitcoin là Amsterdam và London. Amsterdam là quê hương của nhà sản xuất phần cứng khai thác Bitfury và trụ sở chính của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán BitPay ở châu Âu. Coinmap xác định hơn bốn mươi địa điểm để tiêu thụ Bitcoin ở thủ đô Hà Lan, bao gồm các cửa hàng sửa chữa xe đạp, cắt tóc và quán cà phê 840.000 cư dân của thành phố có khoảng nửa tá máy ATM Bitcoin dành cho họ. Thương gia ở các thành phố Utrecht, Rotterdam và The Hague của Hà Lan cũng chấp nhận tiền điện tử. Thủ đô của Vương quốc Anh là nơi sinh sống của 8,9 triệu cư dân có 50 máy ATM Bitcoin và cùng một số lượng thương nhân chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Coinfloor lâu đời nhất ở Vương quốc Anh, được tuyên bố là sàn giao dịch Bitcoin. Ngoài ra còn có hàng chục nhóm Gặp gỡ Bitcoin và tiền điện tử ở London.[3]

Gần đây nhất là vào tháng 3/2022, Lugano, thành phố lớn thứ 9 của Thụy Sĩ với dân số khoảng 62.000 người, đã quyết định sẽ tổ chức Diễn đàn Bitcoin Thế giới (Bitcoin World Forum) vào tháng 10/2022. Với mục tiêu trở thành thủ phủ Bitcoin của châu Âu, chính quyền thành phố Lugano đã hợp tác với công ty phát hành stablecoin Tether để biến Bitcoin và Tether (USDT) trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên có một số quốc gia ở châu Âu lại rất khắt khe với loại tiền điện tử này vì lo ngại những tiêu cực tài chính sẽ xảy ra. Chẳng hạn, cuối tháng 01/2022, Ngân hàng trung ương Nga cho biết giao dịch Bitcoin chủ yếu là đầu cơ, và tiền tệ này luôn có rủi ro mất giá lớn. Văn phòng Công tố liên bang Nga cũng cho biết họ đang làm việc với ngân hàng trung ương và các cơ quan thực thi luật pháp khác để thắt chặt quy định và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo. Trên thực tế, những vi phạm liên quan đến tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng đã gây ra những hệ lụy tiêu cực như sau.

Nguồn: dreamstime.com.

Tình trạng tự tử và sức khoẻ tâm thần. Theo Thống kê Y tế Thế giới, trên toàn cầu, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Điều này dẫn đến khoảng 800.000 ca tử vong do tự tử mỗi năm. Trên thực tế, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên thế giới đối với những người từ 15 đến 24 tuổi, sau tai nạn. Hầu hết các vụ tự tử là đỉnh điểm của một số yếu tố bao gồm sức khỏe tâm thần và gần đây, một số vụ tự tử đã được báo cáo do thua lỗ tiền điện tử. Chẳng hạn, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đã giết hai con và vợ của mình trước khi chết bằng cách tự sát do thua lỗ từ các khoản đầu tư Bitcoin vào tháng 3/2021.[4] Tại Anh, tờ Mirror đưa tin, thi thể của một thanh niên chỉ mới 23 tuổi được một người qua đường tìm thấy trong một khu vực nhiều cây cối ở Wanstead Flats ở phía đông London vào tháng 9/2021 khi người này mất toàn bộ số tiền vào Bitcoin.

Tháng 4/2022, một nhóm nhà nghiên cứu Phần Lan đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia giao dịch tiền điện tử có tỉ lệ gây nghiện cao hơn bình thường và những người mê tiền điện tử thường đau khổ và cô đơn hơn so với các nhà đầu tư chứng khoán. Theo số liệu từ những người cung cấp dịch vụ tư vấn cai nghiện tiền điện tử cho biết trong năm 2021, số khách hàng của họ tăng 40%. Mỗi cuộc tư vấn tốn khoảng 2.500 USD trong khi liệu trình 45 ngày điều trị chứng nghiện tiền điện tử có giá 25.000 USD. Để điều trị chứng nghiện này, họ phải gặp gỡ cả bệnh nhân và thành viên trong gia đình họ nhiều lần trong tuần. Hầu hết khách hàng tìm đến dịch vụ khi đã nợ nần chồng chất, đối mặt với chứng trầm cảm nghiêm trọng, kéo theo các cơn nghiện khác như rượu, cocaine.[5] Một trong những phần căng thẳng nhất của giao dịch rủi ro cao là cảm xúc dao động. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 của các nhà nghiên cứu Anh cho thấy những người ra quyết định với tâm trạng vui vẻ có mức độ chấp nhận rủi ro tài chính cao hơn, giữ các yếu tố tâm lý xã hội và môi trường không đổi. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm có xu hướng buồn vui thất thường, dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng cảm xúc.

Rửa tiền và tội phạm về tiền điện tử. Tính đến cuối tháng 7/2021, các vụ trộm, hack và gian lận tiền điện tử lớn có tổng trị giá 681 triệu USD. Mặc dù con số về các vụ tội phạm liên quan đến tiền điện tử tiếp tục thấp hơn so với mức cao nhất của những năm trước, nhưng việc phân tích các loại trộm cắp và gian lận cho thấy một xu hướng gia tăng tội phạm liên quan đến Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung so với đầu quý trước của năm, đặc biệt loại tội phạm được gọi là DeFi, như nêu trong Biểu đồ 2.[6]

Biểu đồ 2. Các vụ hack liên quan đến DeFi.

Nguồn: CipherTrace Cryptocurrecy Intelligence.

Chỉ tính riêng tổng số vụ hack liên quan đến DeFi là 361 triệu USD, chiếm 3/4 tổng số vụ hack trong năm 2021 tăng 2,7 lần so với cùng thời gian năm 2020. Ngoài ra, gian lận liên quan đến tiền điện tử cũng tiếp tục gia tăng. Tại thời điểm này, gian lận liên quan đến tiền điện tử chiếm 54% khối lượng gian lận tiền điện tử lớn, trong khi năm 2020 gian lận liên quan đến tiền điện tử chỉ chiếm 3% tổng số của năm. Thêm vào đó, Bitcoin dễ trở thành công cụ của một số quốc gia. Theo báo cáo của tổ chức Chainalysis, Ukraine là nước chấp nhận tiền điện tử hàng đầu ở châu Âu và lớn thứ tư trên thế giới. Tháng 9/2021, quốc gia này đã hợp pháp hóa tiền điện tử và Bộ chuyển đổi kỹ thuật số mới của họ đã phát hành quảng cáo video tuyển dụng các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể bao gồm tiền điện tử. Trong khi đó, Nga đã tự thiết lập mình như một trung tâm cho hoạt động tiền điện tử bất hợp pháp, bao gồm cả các cuộc tấn công ransomware và rửa tiền dựa trên tiền điện tử. Cũng theo báo cáo của Chainalysis, các doanh nghiệp tiền điện tử hoạt động ở thành phố Moscow đã thu về khoản lợi nhuận trị giá 700 triệu USD từ các thực thể có liên quan đến hoạt động tội phạm trong ba năm qua.[7]

Tình trạng tham nhũng. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra trong tháng 02/2022, tiền điện tử phổ biến nhiều hơn ở các quốc gia bị coi là tham nhũng hoặc có kiểm soát vốn nghiêm ngặt, vì thế cần đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này. Báo cáo cũng cho biết lý do tại sao các quốc gia có thể muốn yêu cầu các tổ chức trung gian, chẳng hạn như sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, thực hiện các thủ tục nhận biết khách hàng - các tiêu chuẩn xác minh nhận dạng (ID) được thiết kế để ngăn chặn gian lận, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trên thực tế, các quốc gia trên khắp thế giới đang cố gắng tìm cách tốt nhất để điều chỉnh thị trường tiền điện tử trị giá 2 nghìn tỉ USD với mức độ giám sát rất khác nhau giữa các quốc gia. Các phát hiện cho thấy rằng tài sản tiền điện tử “có thể được sử dụng để chuyển tiền thu được từ tham nhũng hoặc tránh được các biện pháp kiểm soát vốn”. IMF cho biết họ đã thu thập dữ liệu cơ bản về việc sử dụng tiền điện tử từ thông tin thu thập được trong một cuộc khảo sát do công ty Statista của Đức thực hiện. Cuộc khảo sát được thực hiện ở 55 quốc gia, với số lượng người được khảo sát từ 2.000 đến 12.000 người ở mỗi quốc gia. Mặc dù không được nêu tên cụ thể, những nước trong số 55 quốc gia được khảo sát có một số nước châu Âu. Những người tham gia được hỏi liệu họ có sở hữu hay sử dụng tài sản kỹ thuật số vào năm 2020 hay không. Theo đánh giá của IMF, kết quả khảo sát là đáng chú ý tuy nhiên việc giải thích tình trạng tham nhũng của một quốc gia cần thận trọng và phải có đầy đủ dữ liệu hơn.[8] Mặc dù vậy, việc khảo sát cho thấy tình trạng tham nhũng ở mức độ nhất định có liên quan đến vấn đề tiền ảo là điều không thể phủ nhận.

3. Thực tiễn vấn đề Bitcoin ở Việt Nam

Tháng 3/2014, đại lý mua, bán Bitcoin đầu tiên ở Việt Nam ra đời với tên gọi là Bitcoin Vietnam tại địa chỉ bitcoin.vn, hình thành nên Sàn giao dịch Bitcoin (VBTC). Sau đó ngày 05/6/2016, xuất hiện chiếc máy Bitcoin ATM đầu tiên tại Việt Nam. Trong năm 2021, Bitcoin đã tăng hơn 90% nhờ sự quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp như Tesla. Tháng 02/2021, công ty sản xuất ôtô điện đầu tư 1,5 tỉ USD vào Bitcoin. Chỉ trong vài tháng, khoản đầu tư của Tesla có giá trị lên đến 2,5 tỉ USD. Việc Bitcoin tăng giá khiến nhiều người đổ tiền vào Bitcoin. Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 6 triệu nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiền ảo, con số thuộc Top đầu thế giới. Việt Nam cũng đã có một số cửa hàng, quán cà phê bắt đầu cho chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Cũng giống như ở nhiều nước khác, Việt Nam đã chịu những hệ lụy từ việc sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin. Khi cơn bão “mất giá” của tiền ảo càn quét toàn thế giới thì những người đầu tư vào Bitcoin cũng không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, cơn sóng đầu tư vào đồng tiền ảo gây ra nhiều hệ lụy tại nhiều địa phương ở Việt Nam khiến không ít người và gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí có người đã tìm đến cái chết. Ngoài ra, việc đầu tư vào Bitcoin còn được nhiều đối tượng lợi dụng trở thành đa cấp biến tướng. Năm 2016, hàng ngàn người dân tại miền quê nghèo Gia Lai đã đổ hơn 48 tỉ đồng tham gia sàn tài chính tiền ảo đa cấp Bitcoin. Tuy nhiên, đường dây huy động vốn đa cấp ponzi với tên gọi sàn giao dịch fxmt4.us của “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” đột ngột ngưng hoạt động khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có 2 người đã tự tử.[9] Năm 2017 chứng kiến một câu chuyện tang thương ở thành phố Hồ Chí Minh khi công an phát hiện 3 người trong một gia đình treo cổ vì đã trót đi vay mượn để chơi Bitcoin. Tại hiện trường vụ án, cơ quan điều tra phát hiện một máy tính xách tay vẫn đang hoạt động với những dấu vết của việc truy cập một số trang web giao dịch tiền ảo, trong đó có Nice Hash, một sàn giao dịch Bitcoin lớn vừa bị hack cách đó ít ngày. Trong năm 2021, báo chí Việt Nam đã đưa tin không dưới 10 vụ tự tử hoặc nghi án tự tử vì Bitcoin.[10] Trong nửa đầu năm 2022 là quãng thời gian không thể tồi tệ hơn đối với thị trường tiền ảo toàn thế giới. Giá của hầu hết các loại tiền ảo đều giảm với biên độ “bốc hơi” lên tới hàng chục phần trăm. Việc mỗi ngày thị trường này mất đi hàng chục tỉ USD cũng dần trở thành bình thường và kéo theo đó hàng loạt nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam, bỗng chốc trắng tay.

Theo nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Tổng cục An ninh), có bốn nguy cơ của tiền ảo đối với nền kinh tế.

Nguồn: vn.sputnikews.com.

Thứ nhất, các băng nhóm tội phạm lợi dụng tiền ảo để rửa tiền. Đây là nguy cơ đầu tiên và cũng là nguy cơ lớn nhất. Hiện nay, công tác quản lý hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn còn lỏng lẻo, hầu như chưa có văn bản pháp quy nào quy định về thanh toán thông qua tiền ảo. Việc sử dụng một cách quá dễ dãi, thậm chí có thể khai khống, khai giả thông tin nhân thân, không cần kiểm tra, xác minh nhân thân mà vẫn có thể giao dịch được chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền, hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản bất chính.

Thứ hai, các thế lực thù địch và phản động lưu vong sử dụng tiền ảo để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối trong nước. Với các công cụ nhận biết khách hàng lỏng lẻo, tính ẩn danh cao, các đối tượng dễ dàng giả mạo thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch do đó sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa phát hiện đấu tranh.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước với chức năng là Ngân hàng trung ương sẽ mất dần sự kiểm soát đối với hệ thống tiền tệ. Sự xuất hiện của tiền ảo đã thay thế một phần chức năng của loại tiền truyền thống và có khả năng tạo ra những thanh công cụ tiền tệ mới. Thanh công cụ tiền tệ ở đây chính là việc sử dụng thực sự hoặc là về mặt không gian mà ở đó đồng tiền đã phục vụ được tất cả hoặc một vài chức năng của nó. Khi tiền ảo đạt được điểm tối ưu, nó sẽ thay thế loại tiền truyền thống trong một số lĩnh vực thanh toán của hệ thống tiền tệ. Tiền ảo cũng tạo ra sức mua ngoài hệ thống tiền tệ và chỉ dựa trên “tổng cầu” thực, không phụ thuộc vào quyền kiểm soát cung tiền của Ngân hàng trung ương. Việc mua bán tiền ảo nếu không có nguồn tiền đảm bảo đối ứng sẽ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Thứ tư, tiềm ẩn nguy cơ rất cao khi thanh toán bằng tiền ảo. Người dân khi tham gia vào hoạt động kinh doanh không chính thức với nhiều yếu tố ảo trên mạng, không chỉ gặp rủi ro về tài chính mà còn liên đới chịu trách nhiệm pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính bản thân mình cũng không biết. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, “Các hoạt động kinh doanh, mua bán tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin nên luôn hiện diện những nguy cơ mất an toàn dữ liệu như lộ tài khoản, lộ mật mã bảo mật, tài khoản bị giả mạo. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố hacker tấn công mạng hoặc mạng bị đóng cửa thì người tham gia sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, những thông tin về giao dịch có thể được lưu giữ lại, điều đó dẫn tới nguy cơ mất tính riêng tư của giao dịch nếu bị lộ, lọt thông tin”.[11]

Mặc dù Bitcoin đã và đang được giao dịch nhưng chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận là một loại tiền tệ và cũng chưa có chế tài để quản lý và kiểm soát đồng tiền này. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy không mong muốn đối với thị trường tài chính Việt Nam cũng như những tác động không mong muốn đối với xã hội Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có Bitcoin. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lên tiếng chính thức không thừa nhận đồng Bitcoin trong giao dịch, coi việc phát hành, cung cấp và sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác như một phương tiện thanh toán là bất hợp pháp. Theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt cao nhất của Tội này lên đến 20 năm tù giam.[12] Như vậy, cho đến nay Bộ luật hình sự vẫn là chế tài để xử lý tội phạm có liên quan đến việc sử dụng Bitcoin trong trường hợp gây ra thiệt hại tài sản cho người khác.

Tuy nhiên, việc sử dụng Bộ luật hình sự để xử lý tội phạm có liên quan đến Bitcoin là chưa đủ. Để ngăn chặn một cách hiệu quả những hệ lụy tiêu cực từ thực trạng sử dụng Bitcoin hiện nay, một số giải pháp khác đối với các nước trên thế giới đã lưu hành sự dụng Bitcoin cần lưu ý như sau.

Thứ nhất, đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch Bitcoin (như doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng), phải đăng ký hoạt động với các cơ quan chức năng, đồng thời cần đăng ký xác nhận quyền sở hữu tài khoản Bitcoin. Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng Bitcoin, các tổ chức này cần lưu trữ các thông tin về lịch sử giao dịch và phải có quy chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bán. Đồng thời, các tổ chức đó phải tuân thủ các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán đối với tài sản trong các doanh nghiệp có sử dụng Bitcoin và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Thứ hai, đối với các cá nhân sử dụng Bitcoin với các giao dịch có giá trị thấp, hoạt động này ít có rủi ro vì thế người sử dụng Bitcoin không phải chịu tránh nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, với các giao dịch có giá trị cao, người dùng nên tuân thủ các nguyên tắc về mua bán tài sản và có nghĩa vụ đóng thuế.

Thứ ba, đối với các cá nhân và tổ chức “đào” hay khai thác Bitcoin, giá trị lượng Bitcoin “đào” được có thể coi như thu nhập (giống như việc khai thác tài nguyên thiên nhiên). Vì vậy, cá nhân và tổ chức “đào” Bitcoin phải chịu thuế thu nhập trên khối lượng Bitcoin “đào được”.

Thứ tư, để nâng cao hiệu quả quản lý Bitcoin và các đồng tiền ảo trong dài hạn, Nhà nước cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác. Với sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của đồng Bitcoin ở Việt Nam là điều tất yếu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa Bitcoin nói riêng, tiền ảo nói chung vào phạm vi giám sát nghiêm ngặt.

4. Kết luận

Bất chấp việc không thừa nhận chính thức của chính phủ các quốc gia có chủ quyền, Bitcoin dù là một đồng tiền ảo nhưng nó đã và đang được sử dụng thật và có những tác động thật đến đời sống kinh tế và xã hội của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ở châu Âu và Việt Nam. Việc giá trị của đồng Bitcoin liên tục tăng cao trong những năm gần đây thể hiện sức sống mạnh mẽ của nó trong hệ thống tài chính tiền tệ của nhiều nước. Hơn nữa, việc có nhiều người hy vọng làm giàu từ việc “đào” hay khai thác, hoặc đầu tư vào Bitcoin cho thấy sức hấp dẫn thực sự to lớn của đồng tiền ảo này. Bên cạnh đó, những hệ lụy tiêu cực của việc sử dụng đồng Bitcoin đối với nhiều cá nhân và đối với xã hội ở nhiều nước trên thế giới đang ở mức đáng báo động. Những thực tế như vậy cho thấy đồng Bitcoin đã có những giá trị và những tác động không hề nhỏ đối với lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực tài chính và xã hội. Vì vậy, đã đến lúc các nước và các tổ chức quốc tế cần nhanh chóng hoàn thiện những quyết sách và những bộ chế tài phù hợp để xử lý kịp thời và có hiệu quả những vấn đề có liên quan đến tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của các tổ chức trong bối cảnh có nhiều biến động khó lường hiện nay trong các vấn đề tài chính và kinh tế thế giới.

[1] Mohammadreza Mahmoudi. (2 Jan 2022). Covid Lessons: Was there any way to reduce the negative effect of Covid-19 on the United States economy? https://arxiv.org/abs/2201.00274

[2] Symitsi, Efthymia, and Konstantinos J Chalvatzis. (2019). "The economic value of Bitcoin: A portfolio analysis of currencies, gold, oil and stocks." Research in International Business and Finance (48: 97-110).

[3] Dan Blystone. (October 11, 2021). 10 Cities That Are Bitcoin Hotspots. https://www.investopedia.com/articles/forex/042415/10-cities-leading-bitcoin-adoption.asp

[4] Monika Ghosh. (June 15, 2021). Are Crypto-Related Suicides a Real Problem? https://www.jumpstartmag.com/are-crypto-related-suicides-a-real-problem

[5] Khương Nha. (01-5-2022). Trầm cảm vì chơi tiền số. https://vnexpress.net/tram-cam-vi-choi-tien-so-4458124.html

[6] DeFi là thuật ngữ để chỉ tài chính phi tập trung, đây là một hình thức tài chính dựa trên blockchain, không phụ thuộc vào các bên trung gian tài chính như người môi giới, sàn giao dịch hoặc ngân hàng để cung cấp các công cụ tài chính truyền thống, thay vào đó sử dụng các hợp đồng thông minh trên blockchain.

[7] Steven Zeitchik and Tory Newmyer. February 25, 2022. In the world’s first crypto war, uncertainty about who will benefit, https://www.washingtonpost.com/technology/2022/02/25/cryptocurrency-ukraine-russia-war-impact

[8] Allyson Versprille. April 8, 2022. Crypto Use Is More Prevalent in Corrupt Countries, IMF Study Finds. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-04-08/crypto-use-more-prevalent-in-corrupt-countries-imf-study-finds

[9] Phương Dung. 20-9-2016. Dân nghèo mất hàng chục tỉ đồng vì tiền ảo đa cấp Bitcoin. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-ngheo-mat-hang-chuc-ty-dong-vi-tien-ao-da-cap-bitcoin-20160920110500026.htm

[10] Nghiên cứu từ việc tổng hợp các vụ tự tử hoặc nghi tự tử do báo chí công bố năm 2021.

[11] Lệ Thúy. Bitcoin “điên loạn”: Rủi ro nào chờ nhà đầu tư? https://cand.com.vn/Thi-truong/Bitcoin-dien-loan-Rui-ro-nao-cho-nha-dau-tu-i457537

[12] Tinh Nguyễn. 08-7-2021. Bitcoin có hợp pháp ở Việt Nam không? https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/bitcoin-co-hop-phap-o-viet-nam-khong-230-31369-article.html

 

TS. PHÙNG LÊ DUNG,

Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

TS. LÊ HOÀNG ANH TUẤN;

Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu

kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu,

Hội Luật gia Việt Nam.

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự

Loan B T Thanh