(LSVN) - Ngày 7/12/1941, Hải quân và Không quân Đế quốc Nhật Bản đã giáng đòn sấm sét lên căn cứ hải quân Trân Châu Cảng tại Thái Bình Dương, gây tổn thất lớn cho Mỹ, làm thay đổi cục diện Thế chiến II…, nhưng đâu là lý do của cuộc tấn công tàn khốc đó?
Tại sao?
Theo các học giả và chuyên gia, có một số lý do chính dẫn đến cuộc tấn công mà theo nhận thức lô-gic, gần như không thể tránh khỏi. Vào thời điểm chiếc máy bay ném bom đầu tiên của Nhật Bản xuất hiện ở Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, căng thẳng giữa Nhật Bản và Mỹ đã gia tăng trong hơn một thập kỷ, khiến chiến tranh giữa hai cường quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Quốc đảo Nhật Bản bị cô lập với phần còn lại của thế giới trong phần lớn lịch sử của mình, bắt đầu một thời kỳ bành trướng mạnh mẽ vào gần đầu thế kỷ 20. Hai cuộc chiến tranh thành công chống lại Trung Quốc năm 1894-1895 và chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, đã thúc đẩy những tham vọng lãnh thổ, cũng như sự tham gia thành công hơn nữa của Nhật Bản vào Thế chiến I (1914-1918) cùng với Đồng minh.
Trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, Nhật Bản đã tìm cách giải quyết những khó khăn về kinh tế và nhân lực của mình bằng cách tiến vào Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1931 với cuộc xâm lược Mãn Châu. Khi một ủy ban do Hội Quốc Liên chỉ định lên án cuộc xâm lược, Nhật Bản đã rút khỏi tổ chức quốc tế; dự định sẽ chiếm Mãn Châu cho đến năm 1945. Tháng 7/1937, một cuộc đụng độ tại Cầu Marco Polo ở Bắc Kinh đã bắt đầu một cuộc chiến tranh Trung-Nhật khác.
Tháng 12 năm đó, sau khi các lực lượng Nhật Bản chiếm được Nam Kinh (Nanking), thủ đô của đảng Quốc gia Trung Quốc, (Guomindang - Quốc Dân đảng), họ đã tiến hành giết người hàng loạt và cưỡng hiếp trong sáu tuần với vụ thảm sát Nam Kinh nổi tiếng.
Trước những hành động tàn bạo đó, Mỹ bắt đầu thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản, bao gồm cấm vận thương mại đối với xuất khẩu máy bay, dầu và kim loại phế liệu, trong số các mặt hàng quan trọng khác, và hỗ trợ kinh tế cho lực lượng Quốc Dân đảng. Tháng 9/1940, Nhật Bản ký Hiệp ước ba bên với Đức và Ý, hai chế độ phát xít này sau đó gây chiến tranh với phe Đồng minh.
Trong khi Mỹ hy vọng các lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và các mặt hàng quan trọng khác sẽ khiến Nhật Bản chấm dứt hành động bành trướng của mình, thì các lệnh trừng phạt và các hình phạt khác đã thực sự thuyết phục Nhật Bản giữ vững lập trường của mình và khuấy động sự giận dữ của người dân nước này trước việc tiếp tục can thiệp của phương Tây vào các vấn đề Châu Á. Đối với Nhật Bản, chiến tranh với Mỹ dường như đã trở nên không thể tránh khỏi, để bảo vệ vị thế của mình như một cường quốc lớn trên thế giới. Tokyo và Washington đã đàm phán trong nhiều tháng, nhưng không thành công, dẫn đến cuộc tấn công Trân Châu Cảng.
Ở đâu?
Hải quân Mỹ đã biến Trân Châu Cảng thành căn cứ chính cho Hạm đội Thái Bình Dương của mình từ trước 5/1940. Người Mỹ không nghĩ người Nhật sẽ đơn phương tấn công Hawaii, cách đất Nhật Bản khoảng 4.000 dặm; căn cứ Trân Châu Cảng bị bỏ lơ khiến nó trở thành một mục tiêu dễ dàng.
Đô đốc Yamamoto Isoroku đã dành nhiều tháng để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công nhằm tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương và tiêu diệt nhuệ khí của Hải quân Mỹ, để lực lượng này không thể chống trả khi lực lượng Nhật Bản bắt đầu tiến vào các mục tiêu trên Nam Thái Bình Dương. Đập tan căn cứ Trân Châu Cảng, Nhật Bản hy vọng sẽ kiểm soát Thái Bình Dương.
Máy bay cường kích Nhật Bản bay qua các quần đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương và dội bom xuống căn cứ Trân Châu Cảng và các điểm phòng thủ chiến lược khác của Mỹ ở Thái Bình Dương. Chúng đã đánh trúng tất cả tám thiết giáp hạm của Mỹ, đánh chìm bốn chiếc và làm hư hại bốn chiếc khác, phá hủy hoặc làm hư hại hơn 300 máy bay và giết chết khoảng 2.400 người Mỹ tại Trân Châu Cảng.
Các lực lượng Nhật Bản tiếp tục đánh chiếm một loạt cơ sở hiện tại và thuộc địa cũ của phương Tây vào đầu năm 1942, bao gồm Miến Điện (Myanmar), Malaya thuộc Anh (Malaysia và Singapore), Đông Ấn thuộc Hà Lan (Indonesia) và Philippines, cho phép họ tiếp cận những tài nguyên thiên nhiên phong phú của các đảo, bao gồm cả dầu mỏ và cao su.
Nhưng cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã thất bại trong mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hạm đội Thái Bình Dương. Các máy bay ném bom của Nhật đã bỏ sót các kho dầu, bãi chứa đạn và cơ sở sửa chữa, và không một tàu sân bay nào của Mỹ bị thiệt hại trong cuộc tấn công. Thất bại này của người Nhật đã buộc họ phải trả giá khi lực lượng Mỹ giành được một chiến thắng lớn trong trận Midway (3-6/6/1942), làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Thái Bình Dương.
Và khi nào?
Sáng Chủ nhật 7/12/1941, hải quân và không quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng (Hawaii), gây chấn động thế giới. Bị tấn công bất ngờ, Mỹ bị tổn thất nặng nề về người cùng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, vũ khí, trang bị, trong đó có nhiều tàu chiến, máy bay… Nhật Bản đã lên kế hoạch tỉ mỉ, trong đó có việc lựa chọn thời điểm diễn ra cuộc tấn công căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng.
Sau khi cân nhắc thông tin tình báo, các quan chức Nhật Bản quyết định lựa chọn giờ G vào sáng Chủ nhật ngày 7/12/1941 vì vào sáng Chủ nhật, nhiều lính Mỹ sẽ đến nhà thờ - sẽ mất thời gian chạy đến vị trí chiến đấu để thực hiện phòng thủ, tấn công đáp trả lực lượng Nhật Bản. Thêm nữa, vào cuối tuần, binh sĩ Mỹ thường nghỉ ngơi, thư giãn và ít đề phòng hơn những ngày khác.
Đúng như dự đoán, vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công, một số binh sĩ Mỹ vẫn đang ngủ nên đã thực hiện cuộc phản công chậm hơn so với bình thường và cuộc tấn công bất ngờ đã khiến lực lượng Mỹ tại Trân Châu Cảng tổn thất lớn, làm thay đổi đáng kể cục diện của Thế chiến II, đặc biệt là ở Thái Bình Dương.
Cuộc tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng của Nhật Bản khiến Mỹ rơi vào thế bị cô lập và ngay ngày hôm sau, quyết định tham gia Thế chiến II để đương đầu với phe phát xít, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và chiến tranh kết thúc với việc nước này buộc phải đầu hàng sau hai vụ Mỹ ném bom hạt nhân tàn khốc xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945 - sự kiện giống như một sự phục thù cho trận Trân Châu Cảng của Mỹ.
LÊ NGỌC/VOV