Chiếc xe bán tải gây tai nạn do đối tượng Sơn điều khiển.
Ngày 25/02, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy tiên đã ra quyết định tạm giữ đối tượng Lê Hồng Sơn (sinh năm 1979, thường trú tại xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để điều tra làm rõ về hành vi điều khiển ô tô tông chết người rồi bỏ trốn khỏi hiện trường theo Điều 12 và Điều 38, Luật An toàn giao thông; Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015. Lệnh tạm giữ ngay sau đó đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Công an thị xã Duy Tiên cho biết, vào khoảng 21h30 ngày 23/02, Lê Hồng Sơn đã điều khiển chiếc xe bán tải mang BKS: 90C-11521 lưu thông trên Quốc lộ 38 (đoạn qua Km 80+ 900) di chuyển theo hướng Đồng Văn đi Hoà Mạc.
Khi đến địa bàn thuộc phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chiếc xe bán tải do Sơn điều khiển bất ngờ tông thẳng vào anh Trần Quang Năm (sinh năm 1996, trú tại thị xã Duy Tiên) đang đứng ven đường.
Sau khi xảy ra va chạm, thay vì dừng xe giữ nguyên hiện trường và đưa nạn nhân đi cấp cứu, Sơn lại lái chiếc xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Nạn nhân ngay sau đó được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Đối diện với mức án nào?
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; Giữ nguyên hiện trường; Cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn có thể do quá sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật với hành vi gây tai nạn của mình. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, dù là vì lý do gì, việc bỏ chạy khỏi hiện trường là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc mà đối tượng gây tai nạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp tài xế sử dụng nồng độ gây tai nạn sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, nếu trong trường hợp này tài xế xe bán tải gây tai nạn chết người ở tình trạng có nồng độ cồn cao, kết quả kiểm tra nồng độ cồn vượt mức cao nhất thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Với hành vi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn thì tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; xe máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng”.
Như vậy, căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2019, thì nếu tài xế này có nồng độ cồn trong máu có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
DUY ANH
Hà Nam: Tạm giữ tài xế xe bán tải gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn