/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là sự quyết liệt cần thiết

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là sự quyết liệt cần thiết

06/01/2025 06:45 |

(LSVN) - Theo Luật sư, mức xử phạt mới tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc xây dựng văn hóa, môi trường giao thông văn minh, lành mạnh.

Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP mới đã có những điều chỉnh quy định nhằm tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ.

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Nghị định 168/2024/NĐ-CP tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có lỗi cố ý, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao là cần thiết. Theo Luật sư, mức xử phạt mới cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc xây dựng văn hóa, môi trường giao thông văn minh, lành mạnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP của chính phủ là Nghị định quy định về chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đây là hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ và người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải gánh chịu khi đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua. Trường hợp nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đây, chế tài hành chính với hành vi vi phạm về giao thông đường bộ được áp dụng, xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn áp dụng các Nghị định này cho thấy có nhiều hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ ở mức nghiêm trọng diễn ra thường xuyên, thậm chí lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều đối tượng như: Hành vi vượt đèn đỏ, không chấp hành đèn tín hiệu; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Hành vi lạng lách đánh võng, chèn ép nhau trên đường; hành vi vi phạm về nồng độ cồn; hành vi mở cửa xe không đảm bảo an toàn; Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ; Các hành vi vi phạm trên đường cao tốc như đi lùi trên đường cao tốc, đi ngược chiều, quay đầu trên đường cao tốc… diễn ra khá phổ biến gây nguy cơ mất an toàn.

Đáng chú ý là những hành vi vi phạm pháp luật này đều là những hành vi có lỗi cố ý, người thực hiện hành vi vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm giao thông nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và thực tế đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Nhiều người đã bị phát hiện, bị xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, hành vi vi phạm thì ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật thì cũng cần áp dụng đồng bộ, kết hợp với các biện pháp cưỡng chế, tăng mức chế tài xử lý.

Cũng theo Luật sư, về mặt lý luận, pháp luật là hình thái ý thức xã hội, nội dung của pháp luật phụ thuộc vào tồn tại xã hội, khi ý thức chấp hành pháp luật càng kém thì chế tài càng phải nghiêm khắc. Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa chế tài hành chính và chế tài hình sự. Với một hành vi vi phạm mà chế tài hành chính xử lý ít nghiêm khắc, không đủ sức răn đe thì hành vi dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng phổ biến hơn. Muốn giảm biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự, tăng tính chất phòng ngừa thì cần tăng mức chế tài hành chính để răn đe và phòng ngừa chung.

"Nếu hành vi vi phạm giao thông là vượt đèn đỏ có mức chế tài hành chính ít nghiêm khắc, người vi phạm bị xử phạt mà không đủ sức răn đe thì hành vi vi phạm sẽ ngày càng nhiều và nguy cơ tai nạn giao thông ngày càng cao, khi tai nạn xảy ra mà hậu quả nghiêm trọng thì khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng", Luật sư cho hay.

Pháp luật có chế tài nghiêm khắc hay ít nghiêm khắc thể hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trực tiếp là điều kiện phát triển kinh tế xã hội, về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khi ý thức chấp hành pháp luật về một lĩnh vực nào đó chưa tốt, đã tăng cường các biện pháp giáo dục nhưng vẫn không hiệu quả, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội thì việc tăng mức chế tài là cần thiết.

Do vậy, việc tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP là hợp lý và cần thiết bởi việc quy định chế tài nghiêm khắc sẽ có tính chất răn đe phòng ngừa tốt hơn, kết hợp với việc tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ vào điều hành, xử lý vi phạm giao thông, tăng cường các biện pháp giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông sẽ xây dựng được văn hóa giao thông ngày càng văn minh, lành mạnh.

Hơn 25.000 trường hợp vi phạm bị xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP trong 02 ngày đầu năm

Theo Cục CSGT cho biết, chỉ trong 02 ngày Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành (ngày 01 và 02/01/2025), Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm; tạm giữ 169 xe ô tô, 8.147 xe mô tô, 245 phương tiện khác; tước 4.261 giấy phép lái xe các loại.

Trong đó vi phạm về nồng độ cồn là 6.079 trường hợp; vi phạm về tốc độ 5.405 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 515 trường hợp; quá khổ giới hạn 60 trường hợp; vi phạm ma túy 60 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông 682 trường hợp; 2.808 trường hợp không đội mũ bảo hiểm…

VŨ QUÝ

Các tin khác