/ Thuật ngữ pháp lý
/ Thăng Long tứ trấn – những điều chưa biết?

Thăng Long tứ trấn – những điều chưa biết?

05/01/2021 17:50 |

LSVNO - Vùng đất Thăng Long, bên cạnh những rào chắn thiên tạo như: sông Nhị núi Tản, sông Tô núi Nùng…, còn có những lực lượng bảo vệ kinh thành về mặt tâm linh. Đó là bốn ngôi đền thờ các vị thần tr...

LSVNO - Vùng đất Thăng Long, bên cạnh những rào chắn thiên tạo như: sông Nhị núi Tản, sông Tô núi Nùng…, còn có những lực lượng bảo vệ kinh thành về mặt tâm linh. Đó là bốn ngôi đền thờ các vị thần trấn ở bốn phía, thường được gọi là “Thăng Long tứ trấn”.

Quán Trấn Vũ

Quán nằm ở ven hồ Tây, thường gọi là đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn trị phía Bắc thành Thăng Long. Đền được vua Lý Thái Tổ lập khi dời đô về Thăng Long năm 1010, đời Lê thuộc đất phường Thủy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam hồ Tây. Hiện nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh.

Đền Quán Thánh – nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn trị phía Bắc thành Thăng Long.

Theo truyền thuyết dân gian thì thần Huyền Thiên Trấn Vũ có rất nhiều công lao với dân kinh thành nên được xem là thành hoàng phía Bắc của thành Thăng Long. Đây là vị thần đã từng diệt trừ loài cáo chín đuôi trong rừng ven hồ Tây và giúp An Dương Vương trừ các loài ma quỷ trong lúc xây thành Cổ Loa.

Tích xưa kể rằng, đời Hùng Vương thứ 14, ở làng Bồ Đề cạnh sông Hồng có một con rùa nhiều lần làm phép mưu hại dân chúng. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã diệt trừ, giúp dân có cuộc sống yên ổn. Vào cuối đời các vua Hùng, gần thành Long Đỗ có con cáo chín đuôi rất dữ tợn, thường xuyên càn quấy cuộc sống nhân dân trong vùng. Thần đã đến và tiêu diệt ác thú, chỗ giao đấu trở thành hồ Tây như hiện nay.

Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, có tinh gà trắng và quỷ ở núi Thất Diệu hiện ra quấy phá việc xây thành. Theo lời khẩn cầu của thần Kim Quy, thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã hiện ra ở núi Xuân Lôi giúp An Dương Vương trừ tà. Sau đó, vua đã cho lập đền thờ thần ở Thụy Lôi (vùng Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

Đời vua Lý Thánh Tông, ở gần thành Thăng Long xuất hiện 3 con vật là hồ tinh, quy tinh và xà tinh phá vỡ đê sông Hồng, gây cảnh lụt lội cho dân chúng. Huyền Thiên Trấn Vũ đã xuất hiện từ hồ Dâm Đàm (hồ Tây), hóa thành một trận giông tố sấm sét giết chết chúng. Từ đó đê sông Hồng được vững vàng, vua cho lập đền thờ gọi là đền Trấn Vũ, chính là ngôi đền hiện nay.

Đền Quán Thánh hiện nay đã được sửa chữa nhiều lần, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trước đây bằng gỗ đã bị mối mọt, được triều đình phong kiến (năm 1677 – đời vua Lê Hy Tông) cho đúc lại bằng đồng đen. Theo ghi chép, tượng cao 8 thước 2 tấc ta (3,48m), chu vi là 8 thước 7 tấc ta (3,78m) nặng 6600 cân ta (3.398,4kg). Trên thực tế đo chiều cao của tượng là 3,07m, chu vi là 8m. Tượng có mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa.

Tại nhà bái đường có một pho tượng nhỏ, bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn của thầy, cùng đúc với tượng là quả chuông cao gần 1,5m treo ở gác tam quan.

Năm 1677 sau khi sửa xong đền, trạng nguyên Đặng Công Chất đã soạn văn bia. Thời Tây Sơn, đô đốc Lê Văn Ngữ cùng nhiều người đã quyết tiến đúc chiếc khánh bằng đồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1795). Đến đời Nguyễn, vua Minh Mạng đến thăm đền đã cấp tiền tu sửa. Năm 1832 cho đổi tên là Trấn Vũ Quán, kiến trúc trang trí của đền hiện nay chủ yếu là đời Nguyễn.

Đền Quán Thánh đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 28/4/1962.

Đền Bạch Mã

Trước đây đền nằm ven bờ sông Tô Lịch, thuộc phường Hà Khẩu, thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương (thần Long Đỗ tức thần núi Long Đỗ hay gọi là núi Nùng). Đền có từ thời Bắc thuộc, và vị thần Long Đỗ được coi là vị thần trấn trị phía Đông của kinh thành Thăng Long. Hiện nay đền tọa lạc tại số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Đền Bạch Mã là ngôi đền cổ nhất trong “Thăng Long tứ trấn”.

Tương truyền, thời nước ta bị nhà Đường phương Bắc đô hộ. Cao Biền sai quân lính đắp thành Đại La, bỗng thấy trời đất tối tăm mù mịt, một vị thần cưỡi con rồng đỏ, ngồi trên đám mây ngũ sắc bay lượn trên mặt thành. Cao Biền sợ hãi, định dùng bùa phép trấn yểm. Đêm ấy, Cao Biền chiêm bao thấy vị thần ấy hiện lên bảo rằng: “Ta là tinh anh đất Long Đỗ, nghe nói ông sai đắp thành, cớ sao lại dùng bùa phép trấn yểm?”. Cao Biền tỉnh dậy sợ hãi nhưng vẫn đem đồng, và sắt chôn xuống các lỗ long mạch để trấn yểm. Đêm đó có mưa to gió lớn, sấm sét nổ long trời. Sáng dậy, Cao Biền đi xem các nơi đã trấn yểm, thấy đồng và sắt bị đánh nát vụn. Cao Biền thấy đó là vị thần thiêng của nước Nam, không làm gì nổi, bèn sau lập đền thờ để xin được phù hộ.

Một huyền tích khác viết, khi Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, cho xây thành nhưng gặp nhiều khó khăn. Vua liền sai người đến đền Bạch Mã cầu thần thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy một vòng từ đông sang tây, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại đền và biến mất. Vua sai quân lính theo vết chân ngựa mà đắp thành, quả nhiên xây được thành. Sau đó, vua Lý Thái Tổ cho sửa lại đền thờ, phong vị thần Long Đỗ là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần.

Đến nay đền đã được sửa chữa nhiều lần, năm 1781 chúa Trịnh chuẩn y cho 3 giáp là: Mật Thái, Bắc Thượng và Bắc Hạ (thuộc phường Hà Khẩu) xung quanh đền Bạch Mã được làm dân “tạo lệ” (sắm lễ vật tế lễ không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829 lại sửa chữa thêm tráng lệ, cuối thế kỷ XIX tôn thêm nền cũ và mở rộng thêm. Năm 1939 dựng thêm văn chỉ ở bên trái đền, dựng phương đình để làm nơi cũng lễ các tuần tiết.

Đền quay mặt về hướng Nam, gồm cổng tam quan, phương đình, đại bái, thiên hương, cung cấm và nhà hội đồng phía sau. Đền còn lưu giữ được 15 văn bia, nội dung đề cập đến sự tích của đền và thần, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo.

Thời Trần, quân Nguyên sang xâm lược, đốt phá kinh thành Thăng Long nhiều lần nhưng lửa không cháy đến đền.

Lễ hội đền Bạch Mã hằng năm diễn ra vào tháng 2 âm lịch, trước đây có tổ chức lễ đánh trâu rước xuân. Đền đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật ngày 12/12/1986.

Đền Cao Sơn

Đền Cao Sơn hay còn gọi là đình/đền Kim Liên, thờ thiên thần Cao Sơn trấn trị phía Nam. Đền được dựng trên một gò đất sát thành Đại La, thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Sự tích thần Cao Sơn gắn liền với hình ảnh của đức Tản Viên sơn thánh.

Theo truyền thuyết, Cao Sơn cùng với Quý Minh là hai em của Sơn Tinh - tức Tản Viên, tạo thành bộ ba ngự trị trên đỉnh Ba Vì. Thần Cao Sơn đã có công dẹp giặc ngoại xâm và phòng chống lũ lụt cùng với Sơn Tinh.

Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Vua Lê đã cho xây dựng đền và dựng bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh”. Tương truyền, tấm bia đó vốn dựng ở huyện Phụng Hóa (vùng Nho Quan), đến niên hiệu Hoằng Định (1602 – 1609) nổi lên ở Bồ Đề, được dân làng Kim Liên kéo về dựng ở di tích hiện nay.

Ban đầu, đền có bố cục theo hình chữ đinh, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường đến nay chỉ còn lại dấu vết là một nền đất cao và những tảng đá kê chân cột, hậu cung là một nhà dọc 3 gian, xây gạch trần. Phía trước đình là một cổng gạch gồm hai cột trụ, bên trên có hai con nghê. Tiếp sau cổng là một sân gạch rộng, hai bên có hai dãy giải vũ, mỗi dãy có 3 gian. Tam quan và đình được xây trên một gò đất cao hơn. Từ sân bước lên thềm 9 bậc xây bằng gạch vồ, hai bên thềm có hai con sấu đá từ thời Lê, hướng ra phía cổng.

Tam quan của đình là một nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít dốc. Bốn góc tường hồi có 4 cột trị. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường, giá chiêng, cột trốn. Các con trưởng được chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và hai bẩy của hai vì ngoài được chạm bong kênh và chạm lộng nhiều lớp các hình phượng, rồng, long mã…

Đình còn giữ được 39 đạo sắc phong, gồm 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời Nguyễn, cổ nhất là sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ hai (1620). Đền có 4 câu đối và 2 tấm bia đá. Bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” ghi lại công cao của thần Cao Sơn giúp vua Lê dẹp loạn do Thượng thư Lê Tung - Đông Các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu soạn năm Hồng Thuận thứ 2 (1510). Đình được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật ngày 09/01/1990.

Đền Linh Lang

Đền còn có tên khác là đền Voi Phục, thờ Linh Lang đại vương (con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông) trấn trị phía Tây. Đền được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065, thời vua Lý Thánh Tông), còn có tên khác là đền Thủ Lệ do được xây dựng trên đất làng Thủ Lệ phía Tây kinh thành Thăng Long. Tên gọi Voi Phục do do cửa đền có đắp 2 con voi quỳ ngay ở cổng đi vào, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Truyền thuyết thần Linh Lang hiện được thờ ở đền Voi Phục mang nhiều nét huyền bí.

Tích xưa kể rằng, bà Hoàng phi họ Nguyễn là người làng Bồng Lai (Đan Phượng), vợ vua Lý Thánh Tông đang tắm ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây), bỗng có rồng hiện ra phun nước thơm vào mình, về nhà có mang 14 tháng sau sinh ra Linh Lang. Vua Lý Thánh Tông cho bà đưa hoàng tử về nuôi tại nơi ở cũ của bà là trại Thủ Lệ. Linh Lang lớn lên tướng mạo khôi ngô, trên người có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sóng long lanh như ngọc trên ngực.

Lúc bấy giờ, quân Tống do Triệu Tiết chỉ huy sang xâm chiếm nước ta, vua sai sứ đi chiêu mộ người tài giỏi đánh giặc. Linh Lang tâu xin vua ban cho một lá cờ và một thớt voi để đi phá giặc. Khi triều đình đem voi đến, chàng hét lên một tiếng tức thì con voi phục xuống, Linh Lang cầm cờ, cưỡi voi xông ra trận đánh cho giặc thua tan tác.

Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về trại Thủ Lệ, được ít lâu thì mắc bệnh nặng. Vua nghe tin tới thăm hỏi, Linh Lang tâu rằng mình không phải người trần nay đến hạn phải ra đi. Nói rồi chàng hóa thành con giao long dài trăm trượng trườn xuống hồ Dâm Đàm và biến mất. Sau đó trời mưa liền mấy ngày, khi trời tạnh thì từ trên trời rơi xuống nhiều cờ đỏ cắm trước cửa Ngọ môn. Vua bèn phong tước cho Linh Lang là đại vương và sai sửa lại nơi ở cũ làm đền thờ Linh Lang đại vương.

Bên cạnh đó cũng có sách chép Linh Lang là con một người con gái sống ở bên hồ, vua đem lòng yêu mến nên đã sinh ra. Đến năm lên 8 tuổi mới được đưa vào cung, cho dự vào hàng cuối trong các hoàng tử. Ít lâu sau Linh Lang lên đậu, mỗi hạt đậu to như hạt ngô, liền khít không hở chỗ nào, ba tháng trời vẫn không khỏi. Vua đến thăm thở dài thương hại, Linh Lang tâu với vua rằng: “Con bị đầy xuống trần có kì, xin vua cha không nên buồn phiền, con sắp sửa đi đây. Vua cha có lòng thương xin lập cho một đền thờ ở chỗ con ra đi…”. Nói rồi Linh Lang hóa thành một con thuồng luồng trườn xuống hồ, vua phong là thượng đẳng thần và sai lập đền thờ.

Đền Linh Lang được khởi dựng từ đời Lý Thánh Tông, đã qua nhiều lần trùng tu. Trong trận Cầu Giấy lần thứ nhất, ngày 21/12/1873 nghĩa quân của ta đã phục kích ở cổng đền, diệt gọn một toán quân Pháp. Cũng tại đây, Tôn Thất Thuyết cùng Lưu Vĩnh Phúc đã đóng quân, phục kích đánh tan một toán quân Pháp vào ngày 18/5/1882. Năm 1947, giặc Pháp mở rộng chiến tranh, đánh lên Sơn Tây, đã đốt trụi đền Voi Phục. Đến năm 1953, nhân dân đã quyên góp tiền và xây dựng lại đền nhưng vẫn không được như trước đây.

Trong đền có 2 pho tượng đồng và hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long và trườn xuống hồ. Ngoài cổng có đắp hình hai con voi quỳ. Đền đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích lịch sử thắng cảnh ngày 28/4/1992.

Vén bức màn tâm linh kỳ bí có thể thấy vùng đất Thăng Long trải qua các triều đại phong kiến đã sớm được quy hoạch một cái hết sức khoa học về mặt tâm linh: phía Đông là đền Bạch Mã, phía Tây là đền Voi Phục, phía Bắc là đền Quán Thánh, phía Nam là đền Cao Sơn (đình/đền Kim Liên ngày nay). Đó là “Thăng Long tứ trấn” – theo cách gọi của dân gian.

Phương Hạnh